Hiện nay Lassa, một căn bệnh được cho là có nguyên nhân từ một loại chuột, đang ảnh hưởng đến 100.000-1 triệu người mỗi năm ở miền tây Châu Phi cận Sahara. Con số này không thua kém gì số nạn nhân dịch Zika hay Ebola. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học của Trung Tâm đa dạng sinh học và nghiên cứu môi trường thì số người nhiễm virus này có thể tăng lên gấp 2 thậm chí là nhiều hơn nữa vào năm 2070.
Giáo sư Kate Jones, người đứng đầu đoàn nghiên cứu cho biết họ đã tập trung nghiên cứu khoảng 400 dịch sốt Lassa từ năm 1967 đến năm 2012 để có được kết quả này.
Dịch bệnh Lassa bắt nguồn từ một loài chuột được tìm thấy ở vùng Tây Phi. |
Dịch sốt Lassa
Virus Lassa được truyền cho con người thông qua việc tiếp xúc trực tiếp với chuột bị nhiễm bệnh (như bắt chuột làm thực phẩm, ăn đồ ăn từ chuột hoặc cầm đồ gia dụng dính phân hay nước tiểu chuột). Virus này cực kỳ nguy hiểm và dễ lây vì có thể lây truyền qua tiếp xúc với dịch cơ thể của người bị nhiễm bệnh.
Giống như Zika, khoảng 80% sốngười nhiễm vi rút Lassa không có bất kỳ triệu chứng gì quá đặc biệt, hoặc chỉ xuất hiện những triệu chứng giống một số căn bệnh thông thường khác như sốt rét, tiêu chảy, đau đầu hay đau bụng. Trong trường hợp nặng hơn, mặt người bệnh sẽ bị sưng, có dịch trong khoang phổi, chảy máu từ miệng, mũi, đường âm đạo hoặc đường tiêu hóa và bị tụt huyết áp. Nếu bệnh tiếp tục phát triển, người bệnh sẽ gặp phải những cơn co giật, run tay chân, mất phương hướng và hôn mê. Người bị mắc Lassa có thể sẽ bị tử vong chỉ sau 14 ngày phát bệnh nếu như không được chữa trị kịp thời.
Tỷ lệ tử vong của dịch sốt Lasa là 15%, không phải là một mức quá cao, tuy nhiên người mắc sẽ phải chịu nhiều biến chứng khó lường. 25% số bệnh nhân sống sót qua căn bệnh này được ghi nhận là bị điếc vĩnh viễn. Hơn một nửa số trường hợp mắc bệnh bị rụng tóc tạm thời và không thể đi lại bình thường trong quá trình phục hồi.
Giống như Zika, căn bệnh này rất nguy hiểm cho các bà mẹ mang thai, đặc biệt là vào cuối thai kỳ. Hơn 80% số bà mẹ mang thai trong 3 tháng cuối mắc bệnh này bị tử vong hoặc sẩy thai.
Nguy cơ bùng phát dịch bệnh
Các nhà khoa học đã phát triển ra một mô hình để tính toán con người có thể tiếp xúc với động vật mang bệnh như thế nào và nguy cơ tràn lan của virus này cao hay thấp. Kết quả, họ tìm thấy rằng nguy cơ bùng phát dịch sốt Lassa ở nhiều khu vực của Tây Phi cao hơn suy nghĩ trước đây của họ rất nhiều.
Tiến sĩ Jones và các cộng sự thuộc trường Đại học Cambridge và Hội Động vật học đã chia sẻ trên một tạp chí: “Mô hình của chúng tôi cho thấy rằng trong tương lai, nó có thể trở thành một gánh nặng lớn đối với cộng đồng địa phương khi nó lan sang nhiều khu vực với tốc độ độ gấp khoảng hai lần theo dự đoán vào năm 2070”.
Vào năm 2070, Lassa có thể sẽ trở thành dịch bệnh lớn như Zika và Ebola hiện nay. |
Họ giải thích thêm rằng sự gia tăng dự kiến trong trường hợp này phần lớn là do sự thay đổi khí hậu, giúp chuột có môi trường nóng và ẩm thuận lợi để phát triển mạnh. Trong khi đó, sự tăng lên về số lượng dân cư ở các khu vực này cũng đồng nghĩa với việc là sẽ có nhiều người tiếp xúc với động vật gặm nhấm hơn.
Tiến sĩ Jones hy vọng rằng: “Chúng tôi hy vọng dự đoán này có thể được sử dụng để giúp cộng đồng chuẩn bị và ứng phó với dịch bệnh, cũng như để đưa ra quyết định về các yếu tố thay đổi môi trường ở trong sự kiểm soát của chúng ta.”