Lớp học toa tàu phiên bản Việt

22:25 | 05/02/2018;
Lấy cảm hứng từ trường học toa tàu Tomoe trong truyện “Tottochan - Cô bé bên cửa sổ”, một nhóm các bạn trẻ đã cùng lập ra trường “Toa Tàu” nhằm giúp ươm mầm sáng tạo và cảm hứng cho giới trẻ thông qua ngôn ngữ nghệ thuật.
2.jpgCác bạn trẻ còn thành lập dự án “Gieo” nhằm đưa hoạt động trải nghiệm nghệ thuật tới với thật nhiều người trên khắp Việt Nam 

Toa tàu nghệ thuật

Bên cạnh đó, các bạn còn thành lập dự án “Gieo” nhằm đưa hoạt động trải nghiệm nghệ thuật tới với thật nhiều người trên khắp Việt Nam. Theo Đỗ Hữu Chí, trưởng dự án Gieo, tại ngôi trường Tomoe Gakuen trong tự truyện của nữ tác giả người Nhật Kuroyanagi Tetsuko, học sinh luôn được thầy cô tôn trọng và được tạo cơ hội tối đa để tự do phát huy cá tính và khả năng bẩm sinh.

Tương tự, các lớp học ở Toa Tàu phiên bản “Việt” sẽ không tuân theo một kế hoạch có sẵn từ trước, mà cảm hứng bắt nguồn từ việc họ gặp những nghệ sĩ và muốn dùng nghệ thuật như một phương tiện để khám phá bản thân và kết nối với mọi người.

3.jpg

Ở trường học Toa Tàu, mỗi lớp học chính là một toa. Người đến với Toa Tàu nếu thích vẽ thì đến “Toa vẽ kể chuyện”, nếu thích nặn đất sét thì đến “Toa nặn đất sét”, nếu thích chơi đàn thì đến lớp cảm thụ âm nhạc ukulele (tên một loại đàn của người Hawaii).

Mọi người cũng có thể tham gia lớp nhiếp ảnh, lớp xếp giấy origami, lớp viết… và làm bất kỳ những gì họ thích. “Toa Tàu là các lớp học nghệ thuật theo hình thức tương tác và trải nghiệm và luôn có thể ghép thêm toa theo mong muốn của “hành khách””.

Không dừng ở đó, nhóm bạn trẻ còn “gieo” trải nghiệm nghệ thuật tới với nhiều nhóm cộng đồng đa dạng trên khắp Việt Nam. Năm 2015- 2016, nhóm đã mang nghệ thuật tới với hơn 300 người thuộc nhiều nhóm đối tượng như công nhân, trẻ xương thủy tinh, người khuyết tật, trẻ em tại lớp học tình thương… ở TP.HCM và vùng lân cận. Năm 2017, nhóm tiếp thực hiện chuyến xuyên Việt 2017 qua các tỉnh, thành phố: Bến Tre, Hà Nội, Hải Dương, Huế, Quảng Ngãi, Phú Yên, Lâm Đồng, Sóc Trăng, Đồng Tháp.

Gieo 2017 đã mang trải nghiệm nghệ thuật trực tiếp đến cho hơn 1.000 người thuộc nhiều cộng đồng khác từ trên núi (người K’Ho ở Lâm Đồng), xuống biển (người dân đảo bé Lý Sơn), ở đồng bằng (người Khmer ở Sóc Trăng) hay người dân có các nghề nghiệp truyền thống/đặc trưng (các nhóm hoạt động xã hội ở Hà Nội, làng chiếu ở Đồng Tháp, làng rượu ở Bến Tre, làng đan bóng mò o ở Phú Yên…).

Đây đều là những nhóm đối tượng ít có cơ hội được tiếp xúc và trải nghiệm nghệ thuật. Triển lãm Gieo xuyên Việt 2017 tại TP.HCM cũng đã thu hút hơn 1.000 lượt người đến tham quan và trải nghiệm.

4.jpg

 
Đúng và trúng

Ý tưởng Gieo xuyên Việt đã được các bạn ấp ủ trong 3 năm và mất hơn 6 tháng làm công tác chuẩn bị, từ việc liên hệ trước với 9 địa phương để trình bày dự án, xin giấy phép tổ chức, đến tận nơi khảo sát, tìm kiếm sự hỗ trợ từ dân địa phương… đến việc tìm hiểu luật pháp, văn hóa, những đặc trưng vùng miền đó để thiết kế chương trình trải nghiệm đúng và trúng.

Các bạn cũng chấp nhận đóng cửa trường học “Toa Tàu” ở TP.HCM trong thời gian dài để tập trung toàn bộ sức lực, tâm huyết vào dự án. Tới với mỗi địa điểm, các bạn đã lắng nghe và chuyển tải câu chuyện của người dân bản địa qua tác phẩm nghệ thuật cộng đồng tại chỗ. Để rồi, khi Gieo đi, một không gian nghệ thuật sẽ ở lại, bà con cùng vui với nhau.

Chẳng hạn như tại Hải Dương, các bạn đã cùng vẽ trên bức tường của nhà máy Ford hình ảnh một một thành phố tương lai hài hòa vui vẻ hạnh phúc; ở Phú Yên, các bạn dùng những chiếc bóng mò o đặc trưng của địa phương để tạo dựng một không gian đón trung thu ngay trong làng đan bóng mò o; ở Bến Tre, các bạn thể hiện hình vẽ bao gồm những nét đặc trưng tự hào của xứ Phú Lễ trên bức tường của UBND...

1.jpg Ở mỗi địa phương Gieo đến có các hoạt động trải nghiệm nghệ thuật ở các hình thức: Ngày chơi rực rỡ, workshop (vẽ, viết, chụp ảnh, với người lớn và trẻ em địa phương), các buổi sinh hoạt tại trường tiểu học địa phương, tác phẩm nghệ thuật cộng đồng… 


Hay như ở Huế, tác phẩm origami 400 chim giấy được gấp bởi đội Gieo và 20 tình nguyện viên, treo ở sảnh Bệnh viện TW Huế với nhiều hy vọng. Bên cạnh đó, ở mỗi địa phương Gieo đến có các hoạt động trải nghiệm nghệ thuật ở các hình thức: Ngày chơi rực rỡ, workshop (vẽ, viết, chụp ảnh, với người lớn và trẻ em địa phương), các buổi sinh hoạt tại trường tiểu học địa phương, tác phẩm nghệ thuật cộng đồng…

“Trải nghiệm nghệ thuật của người dân trên đường Gieo đi đã khẳng định niềm tin của Gieo, rằng hạt giống của niềm vui và cái đẹp có sẵn trong mỗi người, chỉ đợi có cơ hội để được nảy mầm. Tranh vẽ, ảnh chụp hay tác phẩm gấp giấy của mỗi người đều thể hiện rõ cảm xúc, suy nghĩ và niềm vui được thể hiện mình của từng cuộc đời riêng. Đối với Gieo, “tiềm năng nghệ thuật" chỉ là những biểu hiện giản dị và nhỏ bé đó, chứ không phải những tác phẩm đồ sộ hay cao siêu”- Hữu Chí chia sẻ.

Trong quá trình “gieo” nghệ thuật xuyên Việt, các bạn trẻ đã thu về vô vàn kỷ niệm. Đó là giây phút các bạn phát ảnh cho những em nhỏ chơi trò photovoice và phát hiện ra, thế giới qua mắt các em thật kỳ diệu; là lúc người dân bản địa kéo tới rất đông để xem các bạn vẽ tranh tường; rồi cả những lúc các bạn thấy mắt mình rưng rưng khi đưa nghệ thuật tới với các bệnh nhân trong bệnh viện…

Sau 14 ngày triển lãm tương tác Gieo xuyên Việt (12/2017), bước sang năm 2018, các bạn dự định lan tỏa tinh thần và câu chuyện Gieo bằng việc xuất bản sách (dự kiến 5/2018) và thực hiện một bộ phim tài liệu ngắn về hành trình gieo nghệ thuật của mình.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn