Chỉ vì thuốc lá
20h, tại khoa Tim mạch, Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương, TPHCM, vợ chồng anh Sơn mới đưa nhau tới tái khám. Sau khi thực hiện vài cuộc kiểm tra về huyết áp, nhịp tim, đường trong máu…, anh Sơn được bác sĩ kê đơn thuốc và tiếp tục hẹn ngày tái khám. Ngồi đợi bên ngoài hành lang, chị Trâm, vợ anh Sơn, mân mê chiếc mũ còn ướt nhẹp mồ hôi.
Chị kể: “Khoảng 1 năm trước, tôi đang làm việc nhà thì thấy có cuộc gọi từ đồng nghiệp của ảnh, họ nói ảnh đã nhập viện cấp cứu, chưa biết bệnh gì. Cóp nhặt tất cả số tiền tiết kiệm trong nhà, tôi tức tốc tới bệnh viện. Nghe bác sĩ nói ảnh bị nhồi máu cơ tim cấp, cần được phẫu thuật. Do không có bảo hiểm nên chi phí cho cuộc phẫu thuật lên tới hơn 40 triệu đồng. Tôi chạy vạy ngược xuôi để vay mượn. Cũng mày, trời còn thương nên ảnh qua khỏi”.
Anh Sơn đã từng trải qua ca phẫu thuật với chi phí lớn vượt quá số tiền tiết kiệm của cả gia đình mình. (Ảnh minh họa)
Khi vợ chồng anh Sơn mới kết hôn, chị Trâm làm công nhân cho một công ty ở khu công nghiệp gần nhà, dù thu nhập không cao nhưng cũng giúp chị chia sẻ phần nào gánh nặng chi tiêu với chồng. Kể từ khi hạ sinh cô con gái đầu lòng, sức khỏe của chị bỗng giảm sút rõ rệt, chị đành nghỉ việc ở nhà chăm sóc con và làm nội trợ. Kể từ đó, mọi chi tiêu trong nhà đều do một mình anh Sơn gánh vác. Năm nay, con gái của anh chị đã bước sang tuổi 20, có thể vừa học vừa làm để giảm bớt gánh nặng kinh tế cho bố mẹ, nhưng cuộc sống của gia đình anh Sơn vẫn là hành trình dài vật lộn mưu sinh.
“Mỗi ngày tôi dậy từ 4 giờ sáng, đi hơn 50km tới Long An để làm lái xe cho một công ty. Bình thường thì làm ca 8 tiếng nhưng khi công ty nhiều việc, phải tăng ca tới 13-14 tiếng. Vì vậy, tôi thường phải xin bác sĩ chuyển thời gian tái khám vào buổi tối cho tiện”, anh Sơn kể.
Nói về nguyên nhân của căn bệnh mà mình đang phải chịu, người đàn ông có dáng người thấp nhỏ này thành thật: “Tại tôi hút thuốc nhiều quá. Mỗi ngày tôi “đốt” hết hơn 1 bao, rồi cà phê, rượu, bia… Làm nghề lái xe mà, những thứ đó làm sao tránh khỏi”.
Cơn đau nhớ đời
Cầm trong tay bịch nylon chứa hàng chục vỉ thuốc các loại, anh Sơn nhớ như in từng loại thuốc tên gì? Tác dụng ra sao? Uống liều lượng như thế nào?... cũng giống như việc anh vẫn còn nhớ rõ cơn đau đã hành hạ mình, khiến anh có cảm giác chết đi sống lại hơn 1 năm trước.
Đó là một ngày thời tiết khá nóng bức, khi anh đang cùng vài đồng nghiệp bốc dỡ hàng hóa lên xe để chuẩn bị giao hàng thì cơn đau thắt ở ngay ngực trái bỗng nhiên ập đến. “Trước lúc phải nhập viện 1 tuần, tôi thường xuyên thấy triệu chứng nhức ngực, nhưng chỉ cần ngồi nghỉ một lúc là nó tự hết. Song, cơn đau hôm đó không đơn giản như tôi nghĩ, tôi bị thắt lại ở lồng ngực, như có ai bóp nghẹt khiến tôi có cảm giác rất khó thở. Tôi lăn lộn từ giường xuống sàn nhà, mồ hôi vã ra và tay thì ôm ngực, rồi nó lan xuống cánh tay, ngón tay… Mọi người thấy tôi quằn quại quá, cũng không biết chính xác là bệnh gì nên đưa thẳng tôi tới cấp cứu trong bệnh viện. Kết quả là nhồi máu cơ tim, tôi phải phẫu thuật và điều trị hơn 1 tuần thì được xuất viện, nhưng đó là cơn đau có lẽ suốt cuộc đời tôi không bao giờ quên được”, anh Sơn nhớ lại.
Kể từ khi được chẩn đoán và điều trị bệnh, anh Sơn bắt đầu chú ý đến sức khỏe của mình hơn. Anh bỏ thuốc, bỏ cà phê và bớt tụ tập ăn nhậu cùng bạn bè. Mỗi ngày trôi qua, ngoài những lúc làm việc ở công ty, anh Sơn cũng dành thời gian cho việc tập thể dục để tăng cường sức khỏe, uống thuốc đều đặn và tái khám định kỳ.
Anh bảo: “Không dám tiêu xài hoang phí bao nhiêu năm, tự nhiên mất gần 50 triệu bạc cho căn bệnh “trên trời rơi xuống” này. Cứ 10 ngày tái khám một lần, mỗi lần hết 450.000 đồng, tính ra một tháng hết hơn 1 triệu đồng tiền thuốc… Tôi cũng không dám ăn nhiều vì sợ tăng cân sẽ gây nhiều bệnh không tốt cho tim. “Mất bò mới lo làm chuồng”, bây giờ cho dù có không muốn cũng phải bỏ thuốc, bỏ cà phê. Chứ lỡ bệnh tái phát thì chỉ có chờ chết chứ không biết lấy tiền đâu mà chạy chữa”.
ThS, bác sĩ Nguyễn Thiên Hào (Phó trưởng khoa Tim Mạch, Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương TPHCM) |
Nhồi máu cơ tim là bệnh lý nguy hiểm đe dọa tính mạng do tắc nghẽn đột ngột mạch máu nuôi tim. Những trường hợp có nguy cơ nhồi máu cơ tim bao gồm: Tăng huyết áp, béo phì, đái tháo đường, hút thuốc lá, lười vận động, stress… Biểu hiện thường gặp là đau ngực trái dữ dội, kéo dài hơn 15-30 phút. Đau có khi kèm triệu chứng vã mồ hôi và khó thở, mệt nhiều, không dám vận động nặng vì gia tăng cơn đau. Cơn đau có thể lan ra cánh tay, cẳng tay trái đến ngón út và áp út bàn tay trái, hoặc có thể lan sau lưng hoặc hàm dưới trái. Khi thấy cơn đau ngực như mô tả ở trên, bệnh nhân cần ngưng ngay hoạt động và công việc đang làm, có thể nằm nghỉ, nếu sau 10-30 phút tình trạng đau ngực không đỡ, cần được đưa đến bệnh viện gần nhất để được chẩn đoán và điều trị. Để phòng tránh nhồi máu cơ tim, bạn cần giữ sức khỏe tốt, ăn uống điều độ, tập thể dục thường xuyên, tránh các loại chất kích thích, rượu, bia và đặc biệt là thuốc lá. |