Mặt trái khi dạy con phải mạnh mẽ

18:12 | 18/06/2016;
Bố mẹ luôn dạy con cần phải mạnh mẽ, điều này là tốt, nhưng nếu mạnh mẽ một cách cứng nhắc sẽ là trở ngại cho con trong cuộc sống.
con-manh-me-2.jpg

Chị Thủy có người anh trai kiên cường, mạnh mẽ từ nhỏ. Chị nhớ lại ngày anh mình học tiểu học, một lần cùng đám bạn đùa nghịch chơi đánh trận giả chẳng may bị thương ở đầu, vết thương không hề nhẹ. Về đến nhà anh không nói gì với bố mẹ về việc này, do vết thương nằm ở thái dương được tóc che khuất nên bố mẹ cũng không hề phát hiện ra. Sau vài hôm vết thương đó trở thành sẹo lớn, anh chị Thủy chỉ cố che giấu bằng cách đội mũ mỗi lần ra ngoài.

Tuy nhiên dù giấu thế nào thì đến một ngày cũng bị bố mẹ phát hiện ra. Bố mẹ hỏi anh tại sao không nói gì, nếu biết sớm bố mẹ đã đưa anh đi khám, để bác sĩ bôi thuốc sát trùng đã không có vết sẹo lớn như vậy. Anh chị Thủy lúc đó nói rằng, bố mẹ dạy con phải mạnh mẽ, con trai không được khóc, khó khổ cũng không được kêu. Bố chị Thủy nghe vậy rất hài lòng, cảm thấy tự hào vì con trai mình sớm đã biết kiên cường.

Sau này lớn hơn, anh chị Thủy không đánh nhau, không mải chơi, nhưng thành tích học tập luôn nằm trong top dưới cùng của lớp. Ngoài giờ học anh nghiên cứu cách sửa chữa xe, cả nhà đều cho rằng anh rất thích việc này, nếu như đã không thích học thì tập trung vào một công việc mà anh say mê, sau này trưởng thành có nghề sửa chữa xe máy, ô tô cũng không tệ.

Sau khi chị Thủy thi đỗ đại học, hai anh em có dịp “đánh lẻ” chị mới phát hiện ra, mọi chuyện không như mọi người nghĩ. Anh chị Thủy hóa ra không phải không thích học, không muốn học hay chỉ thích sửa chữa xe. Anh nói với chị, so với việc sửa chữa xe, anh thích được học hơn rất nhiều lần.

con-manh-me.jpg

Anh chia sẻ rằng, thực ra anh vốn thích học, nhưng có giai đoạn học không theo kịp bạn bè, nếu có thể học phụ đạo nhiều hơn hoặc có người hỗ trợ anh học thì chắc không đến nỗi nào. Nhưng anh lại không nói điều này với bố mẹ, vì cảm thấy con trai không thể tự giải quyết việc của mình, phải nhờ đến sự giúp đỡ của người khác như vậy rất xấu hổ. Thế là anh tự mình xoay xở việc học, không may là thành tích học tập của anh về sau càng sa sút, lúc đó anh cho rằng có nói với bố mẹ tìm cách hỗ trợ cũng không còn tác dụng. Vậy nên anh quyết định không tiếp tục theo đuổi nghiệp học hành, chuyển sang nghiên cứu sửa chữa xe.

Sau này chị Thủy đọc rất nhiều sách tâm lý, dần hiểu được thế nào là mạnh mẽ. Đó là khi con người dám thể hiện sự can trường của mình, nhưng cũng dám nói ra sự yếu đuối của bản thân. Mạnh mẽ không phải là thể hiện sức mạnh của mình, không phải là cố tỏ ra mình kiên cường, mà mạnh mẽ là khi tin tưởng rằng cho dù mình yếu đuối, không hoàn mỹ thì mọi người xung quanh vẫn hết lòng quan tâm, hỗ trợ; tin tưởng rằng mình sẽ không thất bại vì bên cạnh còn nhiều người giúp đỡ mình vượt qua khó khăn.

Khái niệm mạnh mẽ của mỗi con người được hình thành từ khi còn nhỏ, theo cách mà người lớn truyền đạt. Trẻ nhỏ trong quá trình trưởng thành không tránh khói những khó khăn, bố mẹ khuyến khích các bé mạnh mẽ để đối mặt và giải quyết mọi chuyện là điều nên làm, nhưng không nên một mực muốn con tự gánh vác mọi việc. Khi trẻ thật sự cần giúp đỡ sẽ không dám nói với ai, sẽ bỏ lỡ cơ hội giải quyết khó khăn một cách ổn thỏa hơn. Trẻ nhỏ luôn muốn tỏ ra mình mạnh mẽ sẽ không muốn nhờ người khác giúp đỡ, từ đó phải chịu nhiều áp lực, thậm chí có thể ảnh hưởng đến nhân cách bản thân.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn