May mà giữ được đôi chân

09:26 | 17/03/2015;
Khi bàn chân phải bỗng chuyển sang tím tái, đau nhức và ngón chân bị hoại tử, bà Lý Thị Ngọc Điệp mới đi khám và lập tức phải nhập viện phẫu thuật vì bệnh tắc nghẽn mạch máu chi dưới

Nghĩ là bệnh xương khớp

Sinh ra tại xã Phú Tâm, huyện Châu Thành (Sóc Trăng), từ khi còn trẻ cho tới lúc kết hôn, sinh con và đến tận bây giờ, ở tuổi 61, bà Điệp vẫn nhờ chiếc máy may làm phương tiện mưu sinh. 6 người con lần lượt ra đời, khôn lớn và có gia đình riêng, bà cũng muốn nghỉ ngơi an hưởng tuổi già bên con cháu, song bệnh tật bỗng nhiên ập đến khiến bà và gia đình phải ngược xuôi tìm cách chạy chữa.

Bà Lý Thị Ngọc Điệp phải nhập viện phẫu thuật vì bệnh đã đến giai đoạn quá nặng ( Ảnh chụp 17/3/2015)

Bà Điệp kể: “4 năm trước, tui bị sỏi mật nhưng mọi người nói bệnh này không nguy hiểm, thỉnh thoảng đau 1 cơn là hết nên tôi coi như bệnh ngoài da. Cuối năm 2014, tui xuống Bình Dương thăm con, tự nhiên đau quặn không thể chịu được, tui nhập viện phẫu thuật ở Bình Dương và nằm điều trị 6 ngày với chi phí hơn 10 triệu đồng. Cứ nghĩ từ đây sẽ yên ổn đến cuối đời nhưng khoảng 4 tháng sau đó, bàn chân phải đau nhức, sưng tấy và ngón chân cái có dấu hiệu hoại tử”.

Cũng theo lời bà Điệp, triệu chứng đau mỏi 2 chân của bà không phải mới xuất hiện gần đây mà đã hành hạ bà trong hàng chục năm qua. Nhưng do công việc cả ngày ngồi làm việc với máy may, thậm chí những tháng cao điểm, khi Tết cận kề, bà Điệp phải ngồi làm từ 12 đến 13 giờ/ngày. Vì vậy, khi 2 chân bị nhức mỏi, bà Điệp chỉ nghĩ đơn giản đó là triệu chứng của bệnh khớp hoặc tác hại của việc ngồi may liên tiếp nhiều giờ, nếu nghỉ ngơi sẽ hết.

1 tuần trước khi nhập viện, tình trạng đau nhức chân phải của bà Điệp bỗng tăng lên, phần đầu ngón chân cái bắt đầu tím đen, lan dần lên phần thân ngón, 2 bàn chân màu tím xanh và lạnh, khiến bà Điệp linh cảm có điều gì đó không ổn và tìm đến một bệnh viện lớn tại TPHCM để khám bệnh.

Tại đây, sau khi khám lâm sàng và làm các xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán bà Điệp bị bệnh tắc động mạch mạn tính 2 chân, nếu không nhập viện phẫu thuật thì có thể sẽ phải cưa chân, tàn phế suốt đời. Sau khi nghe bác sĩ giải thích về tình trạng bệnh và hướng điều trị, bà Điệp vừa mừng vừa hoang mang. Mừng bởi bà phát hiện bệnh chưa quá muộn, vẫn còn cứu vãn được đôi chân để không phải sống bám con cháu, song bà cũng không khỏi lo lắng, hoang mang bởi “chi phí hàng chục triệu động, lấy đâu tiền mà điều trị”.  

Bà kể: “Bác sĩ bảo hình chụp mạch máu cho thấy các động mạch 2 chân tôi đã bị tắc nghẽn, các động mạch tắc hoàn toàn ở nhiều vị trí trên chân phải, từ động mạch chậu trên bụng kéo dài đến gần cổ chân, chỉ còn một nhánh nhỏ ở phần xa của động mạch cổ chân. Nếu không phẫu thuật thì hoại tử sẽ lan rộng và phải cắt chân. Thế nhưng tui không biết làm sao để có tiền nhập viện”.

 Mong bình an!

Khi nghe bác sĩ chẩn đoán bệnh, bà Điệp muốn quay về nhà và chấp nhận để chân bị hoại tử lan rộng vì chi phí điều trị khá cao. Tuy nhiên, được sự động viên của các con và một số bác sĩ  cũng hứa “chung tay giúp sức” nên bà Điệp nhanh chóng hoàn tất thủ tục nhập viện.

Ca phẫu thuật được thực hiện bằng cách nong và đặt stent động mạch ở phần trên cao của chân, đồng thời sử dụng các tĩnh mạch tự thân ghép với nhau để bắc cầu đến nhánh mạch máu nhỏ ở phần xa phía dưới chân. Nhờ vậy, tình trạng đôi chân của bà Điệp được cải thiện rất nhanh. Trở về từ phòng hậu phẫu, bà Điệp đã không còn đau chân phải, tình trạng hoại tử của ngón cái ngưng tiến triển, bàn chân và các ngón chân hồng hào trở lại do đã có máu nuôi dưỡng.

Sau 15 ngày nằm điều trị và theo dõi, bà Điệp được xuất viện và hẹn ngày tái khám để cắt ngón chân hoại tử. Quay trở lại bệnh viện vào những ngày đầu tháng 5/2015, dáng đi không còn tập tễnh, khuôn mặt bà tươi tắn hơn và đặc biệt là triệu chứng tê mỏi ở 2 chân hàng chục năm qua cũng không còn nữa.

Bà nhớ lại: “Để có thể cứu đôi chân của mẹ, các con tui đã phải chạy vạy ngược xuôi mượn tiền để đóng viện phí, các bác sĩ trong bệnh viện cũng hỗ trợ và tạo điều kiện nên tui mới được như ngày hôm nay. Sức khỏe của tui hiện rất tốt, đi lại không còn khó khăn, ngón chân bị hoại tử đã được cắt bỏ, dù vậy thỉnh thoảng 2 bàn chân vẫn có cảm giác tê, bác sĩ bảo tui bị bệnh tiểu đường nên vậy, điều trị tốt sẽ không tê nữa”.

Nói về dự định trong thời gian tới, bà Điệp bảo, các con đều nghèo khó, chi phí cho điều trị lần này cũng tốn khá nhiều tiền, nên bà muốn tranh thủ công việc của mình, tiếp tục may vá, phụ các con trả nợ. “Chồng tui làm nghề chạy xe ôm, tui thấy mình vẫn còn sức khỏe, muốn phụ chồng con trả nợ. Hơn nữa, chiếc máy may đã gắn với tui cả cuộc đời, giờ nghỉ thấy nhớ. Hàng xóm bao nhiêu năm cứ mang đồ tới nhờ may, nên tui coi như đó cũng là cái duyên. Chỉ mong bình an sẽ theo tui đến cuối cuộc đời, có đủ sức khỏe để sống bên gia đình”, bà Điệp tâm sự.


Thạc sĩ, bác sĩ Trần Minh Bảo Luân (khoa Phẫu thuật Lồng ngực - Mạch máu, Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM

Trong cơ thể, các động mạch có nhiệm vụ đưa máu chứa chất dinh dưỡng đến nuôi các cơ. Động mạch ở chân bị tắc nghẽn sẽ làm giảm lượng máu xuống chân, khiến chân bị thiếu chất dinh dưỡng và oxy, trong trường hợp nặng có thể dẫn đến hoại tử chân.

Bệnh nhân bị tắc nghẽn mạch máu chi dưới thường trải qua 4 giai đoạn. Ở giai đoạn sớm không có triệu chứng nên rất khó nhận biết. Giai đoạn tiếp theo, bệnh nhân thấy đau cách hồi, đi một đoạn phải dừng lại do cảm giác đau ở chân, thường bị nhầm lẫn với đau cơ xương khớp. Giai đoạn 3, cảm giác đau xuất hiện ngay khi nghỉ, đặc biệt là đau về đêm. Giai đoạn cuối cùng là tình trạng hoại tử hoặc lở loét ở các ngón chân và bàn chân.

Tắc động mạch mạn tính thường gặp ở người lớn tuổi, hút thuốc lá, bị tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu... Khi xuất hiện bệnh ở động mạch chi thì khả năng động mạch ở các nơi khác như động mạch thận, động mạch vành nuôi tim và động mạch cảnh nuôi não cũng có thể mắc bệnh. Vì vậy, người bệnh nên được theo dõi và điều trị một cách tổng thể bởi các bác sĩ thuộc nhiều chuyên khoa khác nhau để mang lại hiệu quả điều trị cao.

Đối với trường hợp của bệnh nhân Ngọc Điệp, sau mổ, bệnh nhân Điệp đã hết đau chân phải, tình trạng hoại tử của ngón cái ngưng tiến triển, bàn chân và các ngón chân hồng hào do đã có máu nuôi dưỡng và được tiến hành phẫu thuật cắt bỏ ngón chân cái đã hoại tử thay vì phải cắt cụt chân đến đùi. Sau 2 tuần, bệnh nhân đã đi lại bình thường, không còn đau, nhưng vẫn phải tiếp tục tái khám trong thời gian tới để theo dõi và kiểm tra.

Việc phối hợp giữa can thiệp nội mạch và vi phẫu mạch máu trong trường hợp này làm cho quá trình điều trị các thương tổn phức tạp của mạch máu trở nên dễ dàng hơn, nhờ đó bệnh nhân nhanh hồi phục và tiết kiệm được chi phí điều trị.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn