Mẹ lo sốt vó khi con 6 tuổi chưa biết chữ. Ảnh minh họa |
Chị Linh cho biết, sau Tết, chị bắt đầu kèm con học bảng chữ cái, bảng số đếm. Thế nhưng, dạy con, con chăm chú, tập trung, vậy mà khi hỏi lại thì con không trả lời được. Nhiều lúc không kiềm chế được, chị đã mắng, thậm chí đánh con, chửi con là đồ ngu dốt. Những lúc ấy, con chỉ biết khóc và nói lời xin lỗi.
Nhìn thấy những đứa trẻ khác cùng tuổi với con dù chưa đọc lưu loát, chưa ghép vần được nhưng ít ra đã thuộc bảng chữ cái khiến chị Linh vô cùng sốt ruột. Với sự chậm chạp này, chắc chắn con gái chị sẽ không theo kịp được các bạn trong lớp, không theo kịp được bài giảng của cô. Mà học sinh sắp đi học lớp 1, có mấy bé “mù chữ” như con chị đâu.
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất (Công ty Tư vấn tâm lý An Việt Sơn), mẹ hãy bớt chú tâm quá mức về việc dạy con học. Có như vậy, mẹ mới có thể quan sát để nhận biết liệu con có đang sợ hãi, bất an mà kìm nén cảm xúc hay không? Trong quá trình nuôi dạy con, mẹ nên kiềm chế, đừng đe dọa.
Việc mẹ hay nói “con mà không chịu học thì lớn lên chỉ thành đồ ngốc mà thôi”, hoặc “không học chỉ có nước đi ăn mày”,… Thực tế, lời nói đó có thể đúng nhưng cũng có rất nhiều trường hợp trẻ không chăm chỉ học khi còn ngồi trên ghế nhà trường nhưng sau này vẫn có cuộc sống tốt đẹp. Điều lạ là trẻ đều ghi nhớ những câu nói này của bố mẹ. Khi lớn lên, bé sẽ thấy những lời của bố mẹ không hẳn chính xác và bắt đầu nghi ngờ về mọi lời nói của bố mẹ.
Hãy cứ âu yếm ôm con vào lòng và chậm rãi đọc sách cho con nghe. Đây là phương pháp để giúp con mở rộng vốn từ và phát triển khả năng ngôn ngữ. Ảnh minh họa |
Việc ép con học bằng cách gieo rắc nỗi sợ hãi vào đầu con sẽ chỉ càng khiến con học không vào và lo lắng hơn mà thôi. Vì bố mẹ vẫn luôn nhắc đi nhắc lại rằng, không học được sẽ không có cuộc sống tốt đẹp, do đó trong trường hợp đã cố gắng học mà kết quả vẫn không tốt, hoặc nỗ lực mà không được như ý, trẻ sẽ có tâm lý chán nản. Trẻ sẽ không muốn cố gắng thêm nữa và lảng tránh các vấn đề trong cuộc sống.
Việc học do bị mối bất an thúc ép sẽ khiến con không thể học được như ý muốn, cũng không thể bật ra những suy nghĩ sáng tạo mà con sẽ chỉ học vì người lớn yêu cầu và làm theo ý người lớn mà thôi. Khi con chưa sẵn sàng học tập đúng nghĩa, hãy kiên nhẫn chờ đợi thêm. Đừng so sánh con với đứa trẻ khác. Đến ngay cả bố mẹ cũng so sánh, áp đặt sẽ khiến con không thể chịu đựng nổi.
Hãy âu yếm ôm con vào lòng và chậm rãi đọc sách cho con nghe. Đây là phương pháp để giúp con mở rộng vốn từ và phát triển khả năng ngôn ngữ. Hãy chơi cùng con và tương tác với con. Cảm nhận được sự ấm áp, dần dần con sẽ vơi bớt nỗi bất an và có thể tự tin tạo nên cuộc sống riêng của mình.