Dù sát đến ngày thi học kỳ I nhưng bé Bông (con chị Thu) vẫn… bình chân như vại. Phần ôn tập cô giao, bé vẫn chưa có một chữ vào đầu. Mẹ bắt ngồi vào bàn học thì bé viện đủ cớ như đau bụng, tìm thứ nọ thứ kia, đi vệ sinh…
Bông thường xuyên không hoàn thành bài tập ở nhà bởi đến 10, 11 giờ đêm, con mới làm được 1/3 bài cô giao. Với Bông, điểm thi không quan trọng, học dốt cũng chẳng sao. Không ít lần, để con làm xong bài, chị Thu phải ngồi cạnh đọc cho con chép, phải nhắc con từng li từng tí. Những hôm chị Thu về muộn hay đi công tác, bé Bông cũng bỏ bê luôn việc học.
Thế nhưng, ngoài giờ học, Bông như một con người khác. Con năng động, xông xáo, nhanh nhẹn, linh hoạt. Con vui vẻ, hòa đồng, gắn kết được bạn bè trong các trò chơi. Cứ nói đến chơi, con cực kỳ hào hứng và bảo làm việc gì cũng được. Con cũng là người gây được thiện cảm với nhiều người khi sẵn sàng giúp đỡ người khác, thoải mái chia sẻ đồ chơi, bánh kẹo cho bạn bè.
Thế nên, cứ nói đến việc học của con lại khiến chị Thu đau đầu. Không ít lần, không thể kiềm chế, chị Thu mắng con: Giá như con học cũng giỏi như chơi thì tốt biết bao. Mẹ ít thấy đứa trẻ nào dốt như con.
Trên các diễn đàn, không ít cha mẹ cũng chia sẻ có con ham vui, ghét học. Nhiều cha mẹ thú nhận từng mắng nhiếc con rất thậm tệ như: "Đồ ngu, dốt"; "học dốt thế thì sau này đi nhặt rác"... Họ không thể kiềm chế được cảm xúc khi những phép tính rất đơn giản con cũng làm sai, bài toán không lắt léo con cũng không hiểu…
Có lẽ do “quen” với việc bị phê bình nên bé Bông không có ham muốn và niềm say mê với học tập, luôn muốn trốn tránh việc học. Hơn nữa, bé cũng có thói quen ỉ lại, dựa dẫm việc học vào mẹ mà không chịu động não suy nghĩ…
Theo chuyên gia giáo dục Trung Quốc Tôn Thiếu Thu, với những đứa trẻ có kết quả học tập kém, sợ học bài thì cha mẹ không nên mắng chửi con, không được nói các từ “ngốc, ngu” với con. Bởi, những đứa trẻ rất phản cảm với ánh mắt lạnh nhạt của người khác, không muốn nói chuyện với người coi thường mình.
Để khắc phục tâm lý quá ỉ lại trong học tập của con, cha mẹ nên dần dần giảm thời gian ngồi học cùng con. Cha mẹ có thể trực tiếp nói với con rằng, những kiến thức này cha mẹ cũng không hiểu, con phải tự tìm hiểu, lên lớp phải chú nghe giảng. Đồng thời, cha mẹ cần giúp trẻ hiểu rõ những nguy hại của việc không tập trung chú ý, lấy những ví dụ và trường hợp cụ thể để chứng minh.
Đối với những thói quen không tốt của trẻ, cha mẹ cần đưa ra những mục tiêu thích hợp để tiến hành theo thứ tự. Cha mẹ có thể đưa ra yêu cầu như sau: Ghi nhớ toàn bộ các bài tập, tranh thủ thời gian ở trường để làm xong các bài tập đó. Hằng ngày, cha mẹ cần kiểm tra số lượng bài tập hoàn thành của trẻ ở trường, nếu có tiến bộ trẻ sẽ được khen thưởng.
Cha mẹ cần tích cực liên hệ với thầy cô giáo để phối hợp dạy dỗ trẻ hiệu quả. Cha mẹ và thầy cô cần chú ý đến những điểm mạnh của trẻ, kịp thời biểu dương, thúc đẩy những nhân tố tích cực và ổn định ở trẻ, để trẻ cảm nhận thấy niềm vui học tập, từ đó có quyết tâm và sự tự tin để học tốt.
Cha mẹ cần tăng độ khó trong học tập để trẻ biết cách tự suy nghĩ, tìm tòi và giải quyết vấn đề; dạy trẻ phương pháp và kỹ năng học tập, bồi dưỡng trẻ có ý thức tìm tòi và tinh thần ham hiểu biết.