Chị Thanh Tâm kính mến!
Nhà em làm nông, chỉ đủ sống qua ngày nhưng phải đùm bọc thêm người anh trai chơi bời, cờ bạc và phụ giúp chị dâu nuôi hai đứa con nhỏ. Em đã rất vất vả và cố gắng mới học xong đại học. Ra trường, đi làm có lương, tháng nào em cũng gửi tiền về phụ giúp gia đình.
Rồi em lấy chồng. Nhà chồng em là một gia đình cơ bản, khá giả. Em vẫn duy trì thói quen gửi tiền về biếu bố mẹ hàng tháng. Chồng em biết và cũng đồng ý chuyện đó. Tuy nhiên, anh yêu cầu em phải chu toàn cả hai bên gia đình và chuẩn bị cho đứa con trong bụng. Thực sự em rất cảm ơn chồng khi anh tâm lý như vậy.
Từ ngày lấy chồng, ngoài số tiền 3 triệu hàng tháng em biếu ra, bố mẹ còn hỏi mượn thêm em để chi tiêu. Một lần, cả mẹ và chị gái đều hỏi mượn em 20 triệu. Gia đình chị gái khá giả, vả lại em cũng biết chị mượn chỉ để tiêu xài chứ không có công việc gì nên chỉ đồng ý cho mẹ mượn (vì em cũng không có nhiều). Vậy là chị giận cả mẹ lẫn em, nói em có chồng giàu thì quên mất chị. Sau đó chị còn hỏi thêm vài lần nữa, mỗi lần vài triệu. Em cũng đành cho chị mượn một ít.
Hôm vừa rồi, mẹ em gọi điện nói là khi nào sinh thì về ngoại. Nhưng kèm thêm một câu: "Về thì nhớ dành tiền để lo cơm nước chứ bố mẹ không có mà lo đâu". Tối em về nhà, mẹ liên tục gọi hỏi xem em để dành tiền riêng được bao nhiêu? Rồi bảo em ngu khi nghe chị gái nói em đưa hết tiền cho chồng giữ.
Em biết bổn phận làm con phải phụng dưỡng, báo hiếu bố mẹ. Em cũng đang cố gắng hết sức trong khả năng của mình. Nhưng em còn chồng, còn con, còn gia đình nhà chồng và các mối quan hệ khác nữa. Em chẳng dám nói với chồng chuyện này, nhưng cứ như vậy thì em mệt mỏi quá.
Nguyễn Hoài Anh (Chiến Thắng – Hà Đông – Hà Nội)
Tối về nhà, mẹ liên tục gọi hỏi xem Hoài Anh để dành tiền riêng được bao nhiêu... (ảnh minh họa)
Hoài Anh thân mến!
Rất mừng vì em có một người chồng tâm lý như vậy. Anh ấy nói đúng, là một người phụ nữ của gia đình, em cần lo chu toàn cho cả hai bên gia đình, tổ ấm bé nhỏ của mình và các mối quan hệ xã hội. Có rất nhiều thứ cần phải chi tiêu vào quỹ tiền chung của các em, em cần phải tính toán và sử dụng sao cho hợp lý. Em hãy chia nhỏ những việc cần dùng đến tiền và ưu tiên cho những khoản quan trọng, cấp thiết trước, chẳng hạn như chuẩn bị cho em bé sắp chào đời.
Từ trước tới nay, em đã tạo một thói quen ỷ lại vào mình cho mọi người trong gia đình. Họ coi việc em gửi tiền về nhà là đương nhiên, là nghĩa vụ hơn vì tình cảm. Em nên bàn bạc với chồng để có cách hỗ trợ, giúp đỡ gia đình hiệu quả và thực tế hơn. Ví dụ, thay vì gửi đều đặn mỗi tháng 3 triệu về biếu bố mẹ, em hãy dồn vào thành khoản để bố mẹ dùng vào những việc lớn, làm ăn lâu dài. Hay đừng vì lời phàn nàn của chị gái mà lại đồng ý cho chị vay nay 3 triệu, mai 1 triệu. Việc gì cần mà mình có điều kiện thì vẫn giúp đỡ. Nhưng vay ra vay, cho ra cho, mọi chuyện rõ ràng thì mọi người cũng ý thức giá trị sự giúp đỡ ấy.
Khi sinh con ai cũng muốn về ngoại bởi vì cảm thấy thoải mái, dễ chịu, thực sự được nghỉ ngơi, thư giãn. Trường hợp của em, nên chủ động trong giai đoạn mới sinh. Khi nào con cứng cáp, có thể đưa về nhà mẹ đẻ chơi vài tuần. Lúc này, ưu tiên hàng đầu là sức khỏe, tâm trạng của em và bé.
Chúc em vui vẻ.