PV: Ông suy nghĩ gì về vụ nâng điểm bài thi THPT Quốc gia 2018 gây chấn động ở Hà Giang?
Ông Lê Như Tiến: Tôi quá bất ngờ, ngỡ ngàng và thấy phi lý khi được biết về vụ việc, vì trong khi rất nhiều tỉnh/thành của đô thị lớn có kết quả thi THPT Quốc gia năm nay khá khiêm tốn thì Hà Giang cho kết quả quá cao. Khi biết được kết quả ấy, tôi nghĩ chắc chắn phải kiểm tra để làm rõ sự việc.
Quả thực, nếu Hà Giang có đột biến thật trong thi cử thì mình phải công nhận. Nhưng chắc là khó, ở một địa phương với chỉ hơn 5.000 thí sinh dự thi như thế. Cần phải làm rõ để xem đằng sau đó là gì, có bàn tay nào đó can thiện vào kết quả thi của các em hay không. Rõ ràng đúng như dự đoán, Bộ GD&ĐT đã tìm ra được cá nhân can thiệp điểm.
PV: Với chỉ 1 cá nhân để có thể sửa điểm của hơn 330 bài thi của 114 thí sinh, theo ông một mình vị này (ông Vũ Trọng Lương, Phó phòng khảo thí, Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang - PV) có đủ sức để làm việc này hay không?
Ông Lê Như Tiến: Tôi khẳng định không thể một cá nhân mà có thể can thiệp được trên 330 bài thi, vì trong việc chấm thi không phải 1 người chấm mà có cả một hội đồng chám thi. Hơn nữa, kết quả thi cuối cùng không phải chỉ một người biết mà là cả hội đồng công khai.
Đằng sau vị này chắc chắn còn ai đó nữa! Tôi tin rằng phải có một nhóm cùng phối hợp với nhau để tạo nên sai lệch kết quả thi. Điều này không những vi phạm pháp luật mà còn đặt câu hỏi về lợi ích nhóm đằng sau câu chuyện này, và nhóm này đã làm việc sai phạm này trong bao nhiêu lâu rồi?
Cơ quan điều tra phải vào cuộc để trả lời công luận, đem lại sự công bằng cho không chỉ học sinh cả nước mà còn chính các em thí sinh của Hà Giang. Đã làm thì phải thực sự nghiêm minh và đến cùng.
Đó cũng là lời cảnh tỉnh để các thầy cô giáo, ngành giáo dục phải thấy đây là bài học sâu sắc, cần phải tổ chức thi cử thật tốt, công tâm thì trong GD&ĐT việc truyền đạt kiến thức mới có thể tận tâm, chứ không phải thi để nâng, sửa điểm.
PV: Vụ việc hi hữu này là “con sâu làm rầu nồi canh” trong sự nỗ lực đổi mới của ngành giáo dục, ông nhìn nhận gì về điều này?
Ông Lê Như Tiến: Nếu đánh giá chung toàn ngành thì phải khách quan mà nói, ngành giáo dục có nhiều tiến bộ, có nhiều thành quả. Đó là khách quan, chúng ta không thể "vơ đũa cả nắm".
Mặt khác, đây đó cũng có “con sâu làm rầu nồi canh”, những bảo mẫu hành hạ trẻ em, đánh đập học sinh, đâu đó có cô giáo bắt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng, bắt học sinh quỳ thâm tím cả đầu gối… Những điều đó chỉ là cá biệt thôi. Song, sự cá biệt ấy cũng làm ảnh hưởng, gây vết nhọ đối với bức tranh chung của ngành giáo dục.
Các “con sâu” đó phải bị loại trừ ra khỏi ngành. Nếu vi phạm nghiêm trọng thì phải đối mặt với việc truy tố, xử lý hình sự. Một cán bộ can thiệp mấy trăm bài thi, sửa chữa điểm thì chắc chắn phải đối mặt với trách nhiệm hình sự. Cần phải làm đến cùng để làm trong sạch đội ngũ ngành giáo dục, lấy lại niềm tin của người dân
PV: Xin cảm ơn ông!