- Cảm nhận của ông như thế nào với “mưa” điểm 10 năm nay?
Điểm cao có thể có nhiều nguyên nhân: Do đề thi dễ hơn, do học lực các em tốt, do cách chấm thi bài trắc nghiệm điểm thi được chấm chặt chẽ hơn bài thi tự luận. Thực ra chưa thể nói hết được bởi muốn đánh giá toàn diện chất lượng thi và chất lượng học tập của thí sinh, cần phải có thêm dữ liệu về phổ điểm. Nhiều bài thi điểm 10 chưa nói lên được tổng thể kết quả thi.
Tuy nhiên, điểm cao như vậy tôi thấy vừa mừng, vừa lo. Mừng là có thể năm nay chất lượng thí sinh tốt hơn năm ngoái nhưng lo hơn nỗi mừng vui kia chính là liệu thang điểm như vậy đã chính xác chưa, cách ra đề đã đánh giá được thực chất năng lực của các em hay chưa. Đây là những băn khoăn mà Bộ GD&ĐT cần ghi nhận để phân tích những mặt được và chưa được của một kỳ thi với quá nhiều điểm mới như năm nay.
- Ông có cho rằng, nhiều điểm cao quá cũng không ổn, có thể thấy chất lượng ảo của thí sinh?
Ảo hay không thì phải xem xét kỹ lại cách ra đề, cách chấm thi. Đặc biệt cách chấm thi tự luận hoàn toàn khác với chấm thi bài trắc nghiệm. Chấm tự luận thì thường chấm cả cách diễn giải, cả logic phát triển, chấm cả quá trình lập luận chứ không chỉ chấm kết quả. Trong khi đó, thi trắc nghiệm chủ yếu chấm kết quả. Hơn nữa, xác suất may rủi của bài thi trắc nghiệm là 25%. Đây cũng là yếu tố khiến cho mặt bằng điểm cao hơn.
- Chính vì may rủi đến 25% nên ông có nghĩ rằng học sinh giỏi sẽ cảm thấy thiệt thòi khi chưa chắc điểm cao hơn những em ăn may?
Đây cũng là điều tôi băn khoăn. Tuy nhiên, nếu đã áp dụng một kỳ thi trắc nghiệm, cần chấp nhận nguyên tắc này. Có lẽ chúng ta không nên đặt quá nặng yếu tố may rủi ở đây. Vì dù sao, những em đạt điểm 10 tuyệt đại đa số vẫn là “hạt giống” tốt nhất, thể hiện thành quả của sự quyết tâm, phấn đấu trong cả quá trình học tập. Anh thông minh nhưng anh không kỹ lưỡng, không chăm chỉ mà “ẩu” thì điểm vẫn thấp như thường.
May rủi trong thi cử là vấn đề muôn thuở, đặc biệt là với thi theo hình thức trắc nghiệm. Chúng ta cần làm quen với cách thức này và thấy rằng dù sao đây vẫn là một cách thi cử tích cực, vừa nhẹ nhàng nhưng đồng thời vẫn tuyển lựa được hạt giống thật sự.
Năm nay có thể là năm đầu tiên chuyển từ chấm tự luận sang chấm trắc nghiệm nên cách ra đề chưa thể hiện rõ điều này. Đây là điều mà Bộ GD&ĐT cần lưu ý và rút kinh nghiệm cho năm tới, cần phải đầu tư kỹ lưỡng hơn ở khâu ra đề, câu hỏi phải thể hiện được sự phân hóa thật sự.
- Nếu ở vị trí là đơn vị tuyển lựa, ông có thấy có băn khoăn nhiều nếu "đầu vào" có điểm quá cao như vậy không?
Tôi nghĩ không có vấn đề gì lớn vì các trường vẫn theo nguyên tắc lấy điểm cao từ trên xuống cho đến khi đủ chỉ tiêu. Nếu nhiều điểm cao quá thì có thể lọc bằng cách nhân đôi hệ số điểm môn thi chủ đạo. Có nhiều cách để các trường tuyển lựa. Tuyển đầu vào dù sao cũng chỉ là một mắt xích trong quá trinh đào tạo bởi sinh viên ra trường chất lượng như thế nào là chuyện khác, ở đó các em phải tuân thủ quy luật đào thải.
- Vậy theo ông, đâu là những điều mà Bộ GD&ĐT cần rút kinh nghiệm sau kỳ thi này?
Bộ GD&ĐT cần thẳng thắn nhìn nhận những thiếu sót hạn chế trong năm nay trong khâu ra đề, xem lại tính phân hóa đề thi để rút kinh nghiệm cho năm sau. Đặc biệt là sự tương đồng giữa các mã đề cũng là vấn đề cần xem xét kỹ lưỡng và đưa ra những thẩm định khách quan nhất để năm tới làm tốt hơn, đảm bảo đúng công bằng của điểm thi.
Một điều nữa cần đặc biệt lưu ý là cách chấm thi và công tác coi thi. Để đảm bảo khách quan nhất khi giao quyền lực hoàn toàn cho các Sở GD&ĐT là cần có sự vào cuộc gắt gao của thanh tra thi, sự giám sát của các lực lượng xã hội để việc chấm thi đạt được sự công minh.
Về lâu dài, tôi thấy thay đổi thi cử theo hướng nhẹ nhàng, giảm áp lực, giảm tốn kém là hướng đi đúng, trên cơ sở hoàn thiện hơn từng khâu, từng công đoạn và cách thực hiện. Từ thay đổi thi cử, để có những điều chỉnh hợp lý hơn trong giảng dạy, viết giáo trình, tránh ôm đồm kiến thức, tăng các kỹ năng, tư duy sáng tạo cho học sinh. Đây là điều không thể làm được một sớm một chiều mà cần hoàn thiện dần qua mỗi năm.
- Xin cảm ơn ông!