Ngậm ngùi với những phụ nữ da màu trong phim 'Người giúp việc'

21:38 | 30/10/2018;
“Người giúp việc” (The Help) là bộ phim của đạo diễn Tate Taylor, được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Kathryn Stockett xuất bản năm 2009.
Ở Mỹ, vào những năm 1960, khi nạn phân biệt chủng tộc đang diễn ra hết sức mạnh mẽ, The help là tiếng nói sâu sắc về số phận bi kịch của những người phụ nữ da màu, với công việc giúp việc cho các gia đình da trắng. Họ không có quyền lợi và luôn đứng bên bờ vực của những nguy hiểm. Câu chuyện xoay quanh ba nhân vật phụ nữ với tính cách và số phận khác nhau nhưng lại có mối quan hệ vô cùng đặc biệt.
 
Trở về quê nhà Jackson, Mississippi, sau khi tốt nghiệp đại học, Skeeter, một cô gái đam mê viết lách, được nhận vào làm việc tại tờ Thời Báo Jackson. Được nhận vào chuyên mục mẹo vặt và quét dọn, Skeeter phải nhờ cậy tới sự giúp đỡ của Aibileen, người giúp việc ở nhà cô bạn thân của mình. Skeeter là một cô gái tử tế, luôn khao khát viết một cuốn sách về những người giúp việc, bởi chính bản thân cô cũng từng được nuôi dưỡng bởi một người giúp việc da đen thân cận. Cô có tình cảm đặc biệt với người vú nuôi này nhưng lại bị mẹ cô cho nghỉ việc khi cô vắng nhà.
 
0809_thehelp2.jpg
Cảnh trong phim 
 
Tiếp xúc với Aibileen, cô thực sự thấy cần phải viết cuốn sách của mình. Bà đã nuôi nấng 17 đứa trẻ da trắng trong khi con trai mình ở nhà phải gửi cho người khác nuôi. Con trai Aibileen bị sát hại năm 24 tuổi. Bi kịch này khiến bà đau buồn một thời gian dài và chỉ có thể đứng lên nhờ lòng tin của chính mình và sự giúp đỡ của người bạn thân Minny.
 
Sự tình cờ đưa đẩy Aibileen và Minny trải lòng với Skeeter về cuộc đời họ, bất chấp việc đó có thể dẫn tới những hành động trả thù nguy hiểm. Cả ba viết nên cuốn sách “Người giúp việc”, nói về thân phận của những người giúp việc da màu, gây chấn động nước Mỹ.
 
“Người giúp việc” không phải là bộ phim có thể khiến người xem khóc, nhưng lại mang đến sự ngậm ngùi, chua chát và những suy nghĩ miên man sau khi xem xong. Yếu tố lạc quan cũng được thể hiện rất rõ nét qua hành động, cảm xúc của các nhân vật. Đây chính là điểm khác biệt khiến câu chuyện của “Người giúp việc” gây được ấn tượng mạnh mẽ sau khi ra mắt.
 
Đạo diễn Tate Taylor đã kể một câu chuyện giản dị, chân thực, tinh tế về nhân quyền với một ngôn ngữ điện ảnh rất riêng. Tate Taylor từng tâm sự rằng: “Giữ im lặng là con đường dễ dàng nhất. Bạn nghĩ sẽ chẳng ích lợi gì khi nói ra mọi thứ hoặc bạn có thể sống cuộc sống bình yên. Nhưng đôi khi, chỉ một thay đổi nhỏ cũng tạo nên bước ngoặt”.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn