Ngành Hóa dược luôn là một trong những ngành học có số lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển Đại học lớn. Lý do là bởi cơ hội việc làm ngành này rộng mở và có sự ổn định trong tương lai. Hiện nay, hầu hết các lĩnh vực đều có nhu cầu sử dụng các sản phẩm được chế tạo từ ngành Hóa dược. Vì thế, ngành này được nhiều người quan tâm và chú ý hơn.
Đặc biệt, đối với những bạn có đam mê với Hóa học thì việc đăng ký ngành Hóa dược chính là cơ hội lớn để các bạn có cơ hội học tập và rèn luyện trong một môi trường phù hợp nhằm nâng cao kiến thức cũng như kỹ năng chuyên môn.
Ngành Hóa dược (tiếng Anh là Pharmaceutical Chemistry) là ngành khoa học với những kiến thức được dựa trên nền tảng là hóa học và từ đó nghiên cứu các vấn đề của các ngành khoa học y học, sinh học và dược học.
Ngành Hóa dược là ngành học chuyên nghiên cứu vấn đề về thiết kế, tổng hợp dược. Hơn nữa, bạn có thể hiểu đây là ngành khoa học thể hiện sự kết hợp giữa hóa hữu cơ và sinh hóa, hóa tin học, dược lý, sinh học phân tử, toán thống kê và hóa lý. Qua đó nghiên cứu về các vấn đề tổng hợp để điều chế các loại dược phẩm phục vụ con người.
Chuyên ngành Hóa dược sẽ khơi dậy niềm đam mê điều trị bệnh cho người học. Chương trình đào tạo cung cấp cho bạn kiến thức từ cơ bản đến chuyên môn như: Dược lý và tác động của thuốc tới cơ thể con người; bào chế thuốc; phương pháp tách chiết và cô lập các hợp chất tự nhiên có tính sinh học; quản lý và cung ứng các loại thuốc; hướng dẫn, tư vấn cách sử dụng thuốc an toàn; phát hiện, sàng lọc, tổng hợp dược phẩm,…
Là sinh viên Hóa dược, bạn sẽ cần tìm hiểu về các phản ứng hóa học của các sinh vật sống trong bối cảnh y học. Thông qua thử nghiệm và thực hành, bạn sẽ áp dụng các nguyên tắc hóa sinh vào việc thiết kế các loại thuốc. Bên cạnh đó, tư duy phản biện và kỹ năng giải quyết vấn đề sẽ được mài giũa giúp bạn làm tốt công việc trong lĩnh vực y tế cũng như công nghệ dược phẩm.
Sinh viên tốt nghiệp ngành Hóa dược có thể đảm nhiệm những vị trí việc làm sau:
- Giảng viên ngành Hóa dược: Nếu bạn đam mê nghiên cứu hóa chất hóa học và yêu thích việc giảng dạy, bạn hoàn toàn có thể học Cao học để có cơ hội trở thành giảng viên ngành Hóa dược. Khi là một giảng viên, bên cạnh việc giảng dạy tại trường, bạn có thể kiêm nhiệm thêm các công việc khác như trở thành Kỹ sư hóa học, chuyên viên tư vấn các chất hóa học,… cho đơn vị chuyên phát triển và sản xuất thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược phẩm,…
- Kỹ sư hóa học: Là một kỹ sư hóa học, bạn có thể làm việc tại các công ty chuyên nghiên cứu và phát triển các sản phẩm liên quan tới công nghệ sinh học, công nghệ nano, công nghệ thực phẩm, mỹ phẩm, y sinh, dinh dưỡng, phụ gia dinh dưỡng,…
- Quản lý chất lượng tại các công ty dược – mỹ phẩm: Sau khi tốt nghiệp, sinh viên ngành Hóa dược có thể trở thành quản lý chất lượng (QA) tại các công ty dược phẩm – mỹ phẩm. Nhiệm vụ của họ là đánh giá thành phần, công thức trong sản phẩm để đảm bảo sản phẩm an toàn, đạt chất lượng trước khi đến tay người tiêu dùng.
- Nghiên cứu, phát triển sản phẩm: Có kiến thức về hóa dược, bạn hoàn toàn có thể làm việc với vai trò là một nhân viên nghiên cứu, phát triển các sản phẩm dược – mỹ phẩm. Ngoài ra, bạn có thể hợp tác với các nhóm nghiên cứu, viện nghiên cứu,… để tìm ra các hợp chất mới tốt cho sức khỏe con người.
Về thu nhập, người làm trong ngành Hóa dược khi mới ra trường sẽ có mức lương từ 8 – 10 triệu đồng/tháng khi làm nhân viên nghiên cứu, giám sát tại các công ty sản xuất dược. Sau 1 – 2 năm làm việc, mức lương tăng lên từ 10 – 15 triệu đồng/tháng, tùy thuộc vào trình độ cũng như vị trí làm việc. Nếu trở thành giảng viên, chuyên viên đào tạo tại các cơ sở giáo dục thì mức lương sẽ từ 7 – 15 triệu đồng/tháng và tăng theo quy định nhà nước.
Tùy từng trường mà điểm chuẩn ngành Hóa dược sẽ khác nhau. Với các trường top đầu thì mức điểm sẽ cao hơn. Theo thông tin tổng hợp, điểm chuẩn ngành này dao động từ 15,0 – 26,05 điểm. Các bạn có thể tham khảo và lựa chọn trường học phù hợp với năng lực, mức điểm mình đạt được để có cơ hội theo đuổi ngành học này.
Dưới đây là danh sách một số trường mà bạn có thể tham khảo:
- Đại học Dược Hà Nội.
- Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội).
- Đại học Khoa học Thái Nguyên.
- Đại học Đà Lạt.
- Đại học Trà Vinh.
- Đại học Cần Thơ.
- Đại học Bách Khoa (Đại học Quốc gia TP. HCM).
- Đại học Tây Đô.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn