Nữ nghệ sĩ cải lương được ái mộ một thời
Nghệ sĩ Trang Thanh Xuân tên thật là Đào Thị Thanh Xuân sinh ra tại Sài Gòn trong một gia đình nghệ sĩ nghèo có ba mẹ đều theo gánh hát. Ngay từ nhỏ, Trang Thanh Xuân đã đam mê cải lương khi cùng cha mẹ đi theo các gánh hát lưu diễn khắp nơi. Vì vậy, tài năng của bà nở rất sớm, mới 20 tuổi đã hát đào chính.
Ở thời đỉnh cao cách đây hơn 40 năm, tên tuổi Trang Thanh Xuân chỉ đứng sau những nghệ sĩ nổi tiếng như Minh Vương, Bạch Lê, Thanh Kim Huệ... Bà còn được diễn chung với nghệ sĩ tài danh Thanh Sang.
Vai diễn gắn liền với tên tuổi Trang Thanh Xuân, được nhắc đến nhiều nhất là vai Bạch Thanh Nga trong vở Máu nhuộm sân chùa, hát chung với nghệ sĩ Minh Tâm, Vũ Linh.
Nữ nghệ sĩ từng đi diễn ở đoàn cải lương Hoa Thế Lệ, đóng chính thay cho nghệ sĩ Phượng Mai. Sau đó, bà chuyển sang đoàn Thái Dương rồi đi nhiều đoàn khác nhau.
Trang Thanh Xuân cũng được lên nhiều báo chí thời bấy giờ, như một hiện tượng được khán giả chú ý nhờ ngoại hình xinh đẹp, giọng hát truyền cảm. Nhiều người ái mộ Trang Thanh Xuân, một ngày có tới vài chục lá thư của khán giả gửi về xin ảnh bà.
Bà còn có một người em gái tên Trang Thanh Đào, cũng theo nghiệp hát cải lương nhưng không nổi bằng. Hai chị em mải miết đi hát tới mức quên cả chuyện kết hôn, lập gia đình.
Tuổi già khó khăn, cơ cực, phải đi bán vé số, ở phòng trọ 6m2, nhiều bệnh tật
Sau này, nghệ thuật cải lương đi xuống khiến các nghệ sĩ gặp nhiều khó khăn. Chỉ những nghệ sĩ nổi tiếng hàng đầu như Bạch Tuyết, Lệ Thủy, Ngọc Giàu, Phượng Liên… mới trụ lại được với nghề. Tên tuổi Trang Thanh Xuân chưa đủ nổi danh nên bị rơi vào quên lãng.
Vì vậy, nữ nghệ sĩ không bám trụ lại được Sài Gòn do các đoàn ở thành phố trả lương rất thấp. Không được hát chính trên sân khấu lớn, bà phiêu dạt theo những gánh hát tỉnh lẻ, kiếm tiền nuôi gia đình. Do phải lo chữa bệnh cho cha mẹ nên Trang Thanh Xuân gặp nhiều khó khăn, cát xê không đủ sống. Gia đình bà phải bán căn nhà nhỏ ở quận 3 là tài sản duy nhất để có tiền sinh hoạt.
Kể từ đó, Trang Thanh Xuân phải đi ở trọ. Bà cũng nghỉ hát vì không còn show, đi bán bắp luộc, bánh chuối chiên để nuôi cả gia đình. Cuộc sống vất vả, phải lo cho cha mẹ khiến Trang Thanh Xuân không còn nghĩ tới chuyện chồng con.
Vài năm sau đó, cha mẹ Trang Thanh Xuân qua đời, em trai lấy vợ và ở rể. Bà cùng em gái Trang Thanh Đào dắt nhau đến chợ Rạch Ông sống bằng nghề bán vé số và nhặt ve chai.
Nữ nghệ sĩ từng tâm sự rằng, ngày trẻ bà hát chỉ vì đam mê nên không biết cách tích lũy cho tuổi già. Trước kia, tiền lương đi hát đều do mẹ quản lý, rồi tiền bạc và nhà cửa dần ra đi vì việc chữa bệnh.
Thời con gái, Trang Thanh Xuân trải qua vài mối tình nhưng không tiến được đến hôn nhân. Cũng như bà, em gái Thanh Đào chọn lối sống độc thân, nương tựa vào chị gái sau sự ra đi của cha mẹ.
Cả hai chị em nữ nghệ sĩ dù tuổi đã cao nhưng không chồng con, ở với nhau trong một căn nhà trọ chật hẹp, rộng 6m2, không kê nổi giường, đi lại cũng khó, không có chỗ để ngồi. Cả hai phải kê bìa giấy lên tấm phản nhỏ để ngủ.
Tuy nhà trọ chỉ có 6m2 nhưng cũng mất tới 1 triệu 700 ngàn tiền thuê mỗi tháng. Trong khi đó, thu nhập của hai chị em chưa đến 70 ngàn đồng mỗi ngày.
Sống trong cảnh khó khăn, nghèo đói, Trang Thanh Xuân và em gái còn chịu cảnh bệnh tật đau đớn. Nữ nghệ sĩ bắt đầu bị rối loạn tiền đình và hở van tim vào năm 1983. Sau nhiều đợt điều trị cộng thêm bệnh thái hóa khớp, giãn tĩnh mạch khiến bà đi lại khó khăn, phải bó chân lại mới đi bộ được, nếu không bó thì chân sưng lên, không đi nổi.
Vì bệnh tật, bà đau nhức thường xuyên và không thể làm thêm những công việc khác như bưng bê, rửa chén bát, giặt quần áo thuê... để có thêm thu nhập, chỉ bán vé số với số tiền ít ỏi là 50 nghìn đồng một ngày.
Ngày ngày vào chùa ngủ bên bài vị em gái cho đỡ buồn
Khó khăn, bệnh tật là vậy nhưng nghệ sĩ Trang Thanh Xuân vẫn không ngày nào quên sân khấu.
Dù đã rời xa cải lương từ lâu nhưng bà vẫn nhớ nghề da diết và giữ được giọng hát truyền cảm, nội lực. Thi thoảng, bà vẫn tự hát và mỗi lần hát như vậy thì rất nhớ sân khấu, nên chỉ ngồi khóc một mình chứ không biết làm gì khác.
Vì nghèo và mặc cảm nên Trang Thanh Xuân thường lẩn tránh mỗi khi có người quen nhận ra. Đặc biệt, bà không bao giờ muốn nhờ đến sự giúp đỡ từ các đồng nghiệp năm xưa.
Năm 2022, em gái Trang Thanh Xuân là cô Thanh Đào qua đời, khiến bà mất đi chỗ dựa tinh thần duy nhất.
Được biết, lúc em gái qua đời, Trang Thanh Xuân còn không có tiền mua quan tài cho em, phải nhờ một người phụ nữ ngoài hẻm thương tình lo toan giúp. Đám tang cũng chẳng có ai, 1 giờ liệm thì 2 giờ đã phải đem đi thiêu.
Bà để tro cốt em gái trong chùa rồi tối đến lại đi xe bus vào chùa, ngủ bên bài vị của em cho đỡ buồn, sáng dậy lại về nhà trọ lấy vé số đi bán.
Em gái là tri kỷ và chỗ dựa duy nhất của Trang Thanh Xuân, hai chị em tuy khổ nhưng vẫn có người bầu bạn, chia sẻ. Vì vậy, việc em gái qua đời là nỗi đau lớn nhất bà phải chịu đựng. Nữ nghệ sĩ cũng gặp nhiều khó khăn vì phải đi bán vé số một mình, không có ai đỡ đần, đi lại ngày một khó khăn. Bà luôn trăn trở rằng đêm hôm có làm sao cũng không biết kêu ai.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn