Ngừa ung thư gan trong 24 giờ sau sinh

10:49 | 18/12/2015;
Theo Bộ Y tế, tại Việt Nam tỉ lệ người nhiễm virus viêm gan B rất cao, chiếm từ 10% đến 20% dân số. Virus gây viêm gan này có nguy cơ cao dẫn tới ung thư gan.
PGS.TS Ngô Quý Châu, Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Bạch Mai (Hà Nội), cho biết, thống kê tại BV cho thấy, khoảng 80% bệnh nhân ung thư gan có tiền sử viêm gan virus B, C. Riêng với bệnh viêm gan B là nguyên nhân hàng đầu của ung thư gan. Các chuyên gia ước tính, 25% bệnh nhân nhiễm virus viêm gan B sẽ diễn tiến biến chứng xơ gan, ung thư gan nếu không được điều trị. Hầu hết ung thư gan ở trẻ em là do biến chứng của viêm gan B.

Tiêm vaccine viêm gan B cho trẻ trong vòng 24 giờ sau sinh là cần thiết (Ảnh minh họa) 

Virus viêm gan B chủ yếu lây qua đường máu, lây từ mẹ sang con trong khi sinh hoặc quan hệ tình dục không an toàn; dùng chung đồ dùng cá nhân như bàn chải đánh răng, dao cạo với người bệnh. Khả năng lây nhiễm viêm gan B cao hơn HIV từ 50 đến 100 lần. Phương thức lây truyền phổ biến nhất là lây nhiễm trong khi sinh: Trẻ sơ sinh có nguy cơ lây nhiễm khi sinh từ 10% đến 90% nếu mẹ bị nhiễm viêm gan B. 90% số trẻ bị nhiễm virus viêm gan B sau khi sinh hoặc trong những năm đầu đời có nguy cơ chuyển thành nhiễm virus viêm gan B mạn tính, hậu quả lâu dài là dẫn đến xơ gan và ung thư gan. Tại Việt Nam, khoảng 10-12% phụ nữ mang thai bị nhiễm virus viêm gan B mãn tính.
 
Theo TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TƯ, mọi lứa tuổi đều có thể nhiễm virus viêm gan B nhưng nhiễm virus viêm gan này ở độ tuổi càng trẻ thì nguy cơ bị viêm gan mạn tính hoặc ung thư gan càng cao. Tuy nguy hiểm nhưng viêm gan B hoàn toàn có thể dự phòng, tốt nhất là tiêm vaccine từ khi mới sinh. Theo Bộ Y tế, tiêm vaccine viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu sau khi sinh là thời gian vàng để phòng bệnh. Lý do là tiêm vaccine càng sớm thì hiệu quả càng cao, với mũi tiêm trong 24 giờ sau sinh có khả năng phòng được 85-90% các trường hợp lây truyền từ mẹ sang con. Hiệu quả phòng ngừa sẽ giảm dần theo từng ngày từ 50% đến 57% và không đạt được nếu tiêm sau 7 ngày.

Ngoài tiêm vaccine, phụ nữ mang thai nên xét nghiệm sàng lọc viêm gan B để có biện pháp phòng tránh lây truyền cho con (nếu có bệnh); hạn chế sử dụng chung dụng cụ với người có bệnh…

Bệnh diễn tiến âm thầm

Hầu hết trường hợp viêm gan mạn tính không có triệu chứng đặc biệt trong nhiều năm. Nguyên nhân là bệnh diễn tiến âm thầm, không có biểu hiện rõ rệt ở giai đoạn đầu nên bệnh nhân không chú ý đi khám để phát hiện sớm bệnh. Vì thế, virus gây viêm gan âm thầm tấn công lá gan. Khi có các triệu chứng như vàng mắt, vàng da, bụng to, phù chân, nổi mẩn ở da thì đã vào giai đoạn muộn và việc điều trị thường kém hiệu quả, lại rất tốn kém. Đa phần bệnh nhân trong số này bị xơ gan và ung thư gan.

Các chuyên gia y tế cho rằng, viêm gan B cần được phát hiện và điều trị sớm để tránh biến chứng nguy hiểm. TS Nguyễn Văn Kính khuyến cáo, để phát hiện sớm nhiễm virus viêm gan B, mọi người cần đi khám, xét nghiệm máu. Nếu nhiễm virus gan B, có thể sử dụng các thuốc kháng virus nhằm ức chế sự nhân lên của virus, hạn chế biến chứng của bệnh. Tuy nhiên, khi bệnh được phát hiện ở giai đoạn sớm, chưa diễn biến đến xơ gan thì việc điều trị mới mang lại hiệu quả.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn