Gia đình Kennedy |
"Gánh nạn từ khi chào đời"
Dường như, từ khi chào đời Rosemary đã phải "gánh nạn" cho 8 người anh em. Ngày 13/9/1918 khi bà Rose Kennedy chuyển dạ sinh cô con con gái cả (hai người con trước đó đều là trai), bà đỡ bắt bà phải khép chặt hai chân lại nén đợi vì... ông bác sĩ chưa đến! Bà đỡ không dám đỡ đẻ một mình. Khi cơn chuyển dạ quá mạnh, không ngừng được nữa, bà đỡ đã nắm đầu thai nhi nhét trở lại bụng sản phụ. Cứ thế, bà đỡ giằng co với cơn chuyển dạ của sản phụ trong 2 giờ đồng hồ cho đến tận khi bác sĩ đến thì cô con gái cả của dòng họ Kennedy mới được chào đời. Một cô bé kháu khỉnh nhưng so với 2 người anh hơn cô 1 và 3 tuổi thì Rosemary chậm chạp về mọi phương diện. Đặc biệt, dường như cô bé có vẻ như không có khả năng học bất cứ cái gì! Có lẽ đó là hậu quả của việc ca đẻ bị chậm lại làm thai nhi bị thiếu ôxy. Ngay từ nhỏ, số phận đã đẩy Rosemary ra rìa trong dòng họ Kennedy đang được ông bố gây dựng từ 9 người con.
Với sự sắc sảo và quyết đoán đến nhẫn tâm, Joseph Kennedy đã xây dựng một đế chế tài chính và từ đó nảy sinh những tham vọng chính trị. Đối với xã hội, những đứa con của ông ta phải là những hình ảnh không tỳ vết, thông minh và đẹp đẽ. Không đứa con nào được quá béo hay quá gày. Bữa ăn hàng ngày trở thành giờ học. Sau này bà mẹ Rose Kennedy viết: "Chúng học để trở thành người chiến thắng".
Nụ cười thiên thần của cô gái thiểu năng
Tất cả những đứa trẻ nhà Kennedy đều ổn, trừ cô con gái lớn Rosemary. Bà mẹ đã mời những bác sĩ giỏi nhất nước đến khám. Tất cả đều kết luận, cô bé bị thiểu năng trí tuệ. Vì thế năm 10 tuổi, bố mẹ đã gửi cô vào một trường đặc biệt. Đó là một trong 5 "trường đặc biệt" cô bé phải trải qua trong đời.
Những lá thư cô bé viết đầy lỗi chính tả và đầy tâm trạng bất an muốn làm tất cả để được bố mẹ khen ngợi. Rosemary sợ nhất là làm bố mẹ thất vọng! Trong khi đó, ông bố tham vọng bắt đầu dùng những liệu pháp kỳ quặc như mời bác sĩ tiêm cho cô bé những loại thuốc đáng ngờ nào đó để "cân bằng hormone".
Tuy gặp nhiều điều không may mắn nhưng Rosemary vẫn lớn dần lên thành một cô gái trẻ tươi tắn, thích vui đùa cùng bạn bè. Năm 1937, ông bố được cử làm Đại sứ Mỹ ở London. Đó là thời kỳ đẹp đẽ nhất trong đời Rosemary. Tháng 5/1938, Rosemary lần đầu tiên được vào triều kiến. Trong bộ váy trắng muốt và nụ cười rạng rỡ trêm môi, Rosemary đã làm cả triều đình Anh quốc chú ý. Cũng tại London, cô gái tìm được công việc làm cô hạnh phúc: cô làm việc cùng với những đứa trẻ và học nghề mẫu giáo. Năm 1940, cô phải rời Anh quốc vì Đức Quốc xã bắt đầu ném bom London. Cô gái đã khóc tầm tã khi phải rời xa nơi cô đã tìm thấy việc mình yêu thích.
Rosemary với nụ cười rạng rỡ cùng ông bố độc đoán. |
Rosemary khi đã bị tàn phế hoàn toàn |
Hậu quả từ người cha tham vọng, độc đoán
Khi từ Anh trở về Mỹ, Rosemary thường xuyên bị những cơn đột phát khác thường. Nhiều đêm, cô còn ra khỏi nhà đi loanh quanh trong khu gia đình cô ở. Do quá sợ hãi, cô gái có thể sẽ ...có mang khi lang thang ngoài đường và làm ô danh gia đình, ông bố đã liên hệ với bác sĩ Walter Freeman, người tin rằng phẫu thuật não có thể chữa trị được mọi bệnh tâm thần! Trong khi đó, Hiệp hội Y học Mỹ hồi đó đã cảnh báo là không nên dùng thủ thuật này.
Tháng 11/1941 ông bố đưa Rosemary đến bệnh viện trường Đại học George Washington ở Washington để mở hộp sọ. Bác sĩ Freeman và đồng nghiệp James Watts của ông ta khoan 2 lỗ rộng khoảng 2 phân rưỡi vào hai bên thái dương Rosemary. Sau đó Watts chọc một lưỡi kim loại vào đầu cô gái 23 tuổi, cho đến khi ông ta cắt dời thùy trán khỏi phần não trung gian. Tiếp đến, Watts chuyển sang lỗ khoan bên kia và lặp lại thủ thuật kinh dị đó. Cô gái chỉ còn ú ớ được những câu dời dạc, không ai hiểu, sau đó thì câm hẳn.
Ít giờ sau, hai vị bác sĩ bịp bợm kia khám lại và bị sốc nặng. Não của Rosemary đã bị chấn thương cực kỳ nặng. Cô gái không nói, không đi lại được và không làm được những động tác đơn giản nhất. Từ nay, cô gái nổi tiếng với nụ cười rạng rỡ sẽ phải sống phần còn lại của đời mình với những tàn phế nặng nề nhất.
Joseph Kennedy để các bác sĩ mở hộp sọ con gái của mình mà không một ai trong gia đình được biết. Sau đó cô gái tàn phế biến mất khỏi gia đình. Cho đến nay, người ta vẫn không biết người bố đã giải thích với vợ con sự biến mất đó như thế nào. Cô em Jean 13 tuổi được giải thích là Rosemary đã "chuyển đến miền Tây và trở thành cô giáo ở đó".
Trên thực tế, cô gái tàn phế đã bị đưa vào một bệnh viên tâm thần ở gần New York. Tại đây, cô phải vất vả học lại cách đi lại, ăn uống và giao tiếp với mọi người. Năm 1948, ông bố chuyển cô đến một cơ sở của dòng tu Phanxico ở Wisconsin. Vì khi đó người anh của cô là John F. Kennedy bắt đầu ra nhập chính trường nên ông bố giữ cô ở một khoảng cách an toàn cho đường công danh của người con trai sau này sẽ trở thành Tổng thống Mỹ.
Rosemary khi đã bị tàn phế hoàn toàn |
Gần 60 năm, các bà sơ đã chăm sóc Rosemary. Tuy có những hạn chế về thể chất, nhưng Rosemary rất thích bơi lội, đi dạo và nghe nhạc. Khi ông bố Joseph Kennedy bị tai nạn nặng năm 1961, bà mẹ mới dám nối lại liên lạc với cô. Bà không bao giờ tha thứ cho ông chồng vì vụ mở hộp sộ cô con gái.
Cuộc gặp gỡ giữa hai mẹ con đã trở thành một thảm kịch. Khi nhìn thấy mẹ sau 20 năm, Rosemary lao đến và liên tục đánh vào mặt bà. Bà đã không ở bên cô trong những thời kỳ cô chịu đau đớn nhất. Sau này quan hệ mẹ con khá hơn. Rosemary đã nhiều lần về thăm gia đình. Cứ mỗi một lần cô con gái với nụ cười thiên thần năm xưa đến thăm, bà Rose Kennedy lại thì thầm: "Ôi, Rosie, bố mẹ đã làm gì con thế này?"
Rosemary Kennedy mất ngày 7/1/2005. Khác với ngày người phụ nữ này bị mở hộp sọ, hôm đó những người em Eunice, Jean, Patricia và Edward đã ở bên người chị xấu số của họ.