Mấy ngày hôm nay, tôi liên tục nhận được tin nhắn từ chị Hoài, người giúp việc quen của cả khu. Chị thở ngắn than dài kêu giãn cách ở nhà chán quá: "Cô có ngại không, nếu chị vẫn có thể lén đến làm cho nhà cô? Trước chị làm 2 tiếng một ngày thì giờ chị chỉ làm 1 tiếng rồi về thôi! Cô yên tâm, vì chị chỉ ở nhà không tiếp xúc với ai nên không lo nhiễm Covid-19".
Chị nhắn rất nhiều tin, dù trước đó tôi đã thẳng thắn nói rõ quan điểm: "Em cảm ơn chị! Nhưng đợt này em cũng làm việc ở nhà nên có thể tự thu xếp được. Hết giãn cách, đi làm, em sẽ lại nhắn chị!".
Rồi trong nhóm chat của mấy chị em cùng khu, mọi người cũng chung thắc mắc, không biết sao chị Hoài lại tha thiết đi làm trong thời gian giãn cách như vậy? Tôi lờ mờ nhận ra lý do vì sao chị lại muốn đi làm.
Chị Hoài làm giúp việc theo giờ, tháng nào cũng kiếm được hơn chục triệu đồng, chưa kể đồ ăn, đồ uống, hoa quả, thực phẩm khô... chủ nhà cho hàng ngày. Chồng chị làm bảo vệ ở siêu thị, tháng cũng thêm được vài triệu đồng. Thu nhập gần hai chục triệu mỗi tháng, hai vợ chồng và một đứa con nên gia đình chị sống khá thoải mái. Nhìn chị, không ai biết là đang làm giúp việc gia đình bởi chị ăn diện như thể người đi làm công sở. Đến lúc đi làm, chị thay bộ đồ cũ nhìn có vẻ lam lũ nhưng trước khi ra về chị lại tranh thủ tắm rồi mặc quần áo đẹp.
Chị cũng thường xuyên kể về những bữa ăn tối tốn hơn triệu đồng: "Mình kiếm được tiền thì cũng phải tự thưởng cho mình chứ! Nhà có mỗi đứa con nên tôi cũng muốn con được ăn những món ngon cho bằng bạn bằng bè". Quan điểm sống kiểu "yêu bản thân" đó của chị được mọi người ủng hộ nhưng tôi vẫn thấy không ổn. Thậm chí, không ít lần chị còn tư vấn cho tôi cách chọn màu son và mua của hãng nào thì son nhiều dưỡng, hãng nào thì son lì màu cả ngày không trôi. "Tính ra thỏi son cũng hơn triệu đồng, cô đánh bao lâu mới hết nên lúc mua thì có vẻ đắt nhưng chia ra lại rẻ, cô công nhận không?", chị Hoài vừa nói, vừa lôi trong cái túi xách ra ba thỏi son - "Đây cô này, chị đầu tư Tom Ford đỏ, Gucci màu cam, đánh vừa sướng mà màu lâu trôi".
Lúc đó, tôi đã thầm phục độ "chịu chơi" của chị vì bản thân tôi cũng không được như chị, túi cũng chỉ có giá vài trăm nghìn đồng, son có thể cũng là hàng hãng nhưng không "xịn" như đồ của chị. Đặc biệt là khoản giày dép thì tôi không thể nào đuổi kịp chị. "Chị mê giày, nhìn thấy mà không mua ngay được là thấy bứt rứt chân tay lắm. Thế nên có tháng nhận lương xong là chị mua một lúc mấy đôi đó cô!", chị Hoài hào hứng khoe.
Giờ đến lúc giãn cách xã hội, hai vợ chồng chị Hoài đều ở nhà, không có thu nhập, mới thấy cách sống đó bất cập thế nào. Bình thường tiền công của chị được cộng dồn và trả vào cuối tháng để có một khoản cho ra tấm ra món. Trước dịch, tôi còn nợ chị hai buổi làm, tính ra là bốn trăm nghìn đồng. Hôm nghe mọi người nói chuyện chị khó khăn, tôi đã chủ động xin số tài khoản, chuyển cho chị một triệu đồng và bảo đó là số tiền ứng trước mấy buổi, hy vọng chị có thể chi tiêu hợp lý chờ đến ngày hết giãn cách.
Trong nhóm chat, mấy chị hàng xóm cũng chia sẻ, nợ buổi nào đã "bắn" tiền trả hết luôn rồi. "Dịch bệnh mới thấy những người không có thu nhập ổn định khổ thật. Chị ấy đi làm tính ra lương còn cao hơn khối người có việc ổn định mà chi tiêu bạt mạng quá nên giờ mới vậy!", chị Hà kết luận.
Tối đó, chị Hoài lại tiếp tục nhắn tin "tâm sự" với tôi. Chị nói, bình thường thu nhập của vợ chồng chị cũng khá nên ăn tiêu thật lực, không nghĩ gì đến ngày mai. "Giá mà trước đây, mỗi tháng chị chỉ cần để ra vài trăm nghìn đồng thì những lúc thế này cũng đỡ được bao nhiêu cô ạ! Nhìn mâm cơm đạm bạc, chồng con đều lắc đầu nói không muốn ăn, chị thấy có lỗi quá!".
Tôi chỉ hy vọng, sau đợt dịch này, chị sẽ thay đổi cách sống, vẫn cứ yêu bản thân nhưng sẽ biết quản lý việc chi tiêu hợp lý hơn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn