Hiểu lầm về khái niệm “thịt mát”
Thời gian gần đây, chị em thường kháo nhau về việc nên lựa chọn thịt mát trong siêu thị hơn là thịt tươi - loại thịt vẫn được bán thường ngày ở ngoài chợ. Chị Lương Thu Thủy (Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội) kể: “Tôi vẫn hay mua thịt lợn được bày bán ở ngoài chợ vì nghĩ thịt mới mổ xong là loại thịt tươi ngon nhất. Tuy nhiên, mới đây, tôi lại thấy bạn bè nói thịt tươi mua ngoài chợ dễ bị nhiễm vi khuẩn, nên mua thịt được để ở ngăn mát trong siêu thị”.
Bàn về chuyện này, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản - Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), giải thích: Hiện thị trường có 3 dòng sản phẩm riêng biệt: Thịt nóng (hay còn gọi là thịt tươi), thịt mát, thịt đông lạnh. Việc rã đông thịt lạnh mà gọi là thịt mát là không đúng. Người tiêu dùng rất dễ hiểu lầm và người bán hàng dễ đánh lừa khái niệm đối với người tiêu dùng.
Ông Tiệp giải thích thêm, hiện nay, để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, hầu hết các nước phát triển trên thế giới đều giết mổ công nghiệp. Thịt sau khi giết mổ phải qua khâu xử lý làm mát để đạt nhiệt độ tâm sản phẩm 0-4 độ C trong thời gian từ 16-24 giờ trước khi đem tiêu thụ. Điều này giúp bảo đảm an toàn thực phẩm cũng như kéo dài hạn sử dụng của thịt. Tuy nhiên, hiện Việt Nam chưa có nhà máy nào sản xuất sản phẩm thịt mát đúng nghĩa.
Mỗi năm Việt Nam tiêu thụ gần 4 triệu tấn thịt lợn chưa an toàn
Mới đây, tại hội thảo “Góp ý tiêu chuẩn quốc gia về thịt mát” đối với mặt hàng thịt lợn do Bộ NN&PTNT tổ chức, các chuyên gia cho biết, mỗi năm Việt Nam tiêu thụ trên 3,36 triệu tấn thịt lợn nhưng chủ yếu dưới dạng thịt nóng ngay sau khi giết mổ, ẩn chứa nhiều nguy cơ mất an toàn.
Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trên thế giới còn sử dụng thịt nóng. Đây là loại thịt dễ bị giảm chất lượng sau khi giết mổ do không kìm hãm được sự hoạt động của vi sinh vật, khó kiểm soát tình trạng an toàn vệ sinh. Số liệu giám sát trên diện rộng những năm gần đây cho thấy dù mẫu vi phạm có giảm nhưng tỉ lệ vi phạm về chỉ tiêu E.Coli (gây bệnh tiêu chảy), Salmonella (gây bệnh thương hàn) còn ở mức tương đối cao.
Cuối năm 2017, Viện Pasteur TPHCM công bố kết quả đáng giật mình: 150/150 mẫu thịt lợn, gà, vịt nhiễm vi khuẩn E.coli vượt ngưỡng cho phép rất cao. Mẫu được lấy từ 8 đến 9 giờ tại các điểm bán lẻ trong chợ ở 5 tỉnh, thành phía Nam. Nguyên nhân chủ yếu là do khâu giết mổ, bảo quản, bày bán lạc hậu, chưa áp dụng chuỗi lạnh. Hiện các cơ quan chức năng đang tạo hành lang pháp lý và chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển thịt mát có chất lượng cao và an toàn hơn để dần thay thế thịt nóng.
Theo dự thảo, quy trình kỹ thuật làm mát thịt được chuẩn hóa như sau: Lợn sau khi được giết mổ, làm sạch sẽ được đưa vào kho lạnh để hạ nhiệt độ thân thịt xuống còn khoảng 0-4 độ C trong thời gian 16-24 giờ. Sau đó, thịt mới được tiến hành pha lóc, sơ chế trong phòng lạnh không quá 7 độ C. Bộ tiêu chuẩn cũng yêu cầu nhiệt độ bảo quản thịt trong suốt quá trình vận chuyển, bảo quản, bày bán sau đó phải duy trì 0-4 độ C; thời hạn sử dụng được khuyến nghị là 7 ngày (đối với thịt bao gói không kín) và 12 ngày (đối với thịt bao gói kín) kể từ khi giết mổ. Hiện dự thảo tiêu chuẩn thịt mát vẫn đang trong giai đoạn cuối lấy ý kiến góp ý để hoàn thiện, dự kiến đến tháng 9 sẽ được ban hành chính thức.
Xây dựng tiêu chuẩn thịt mát không đồng nghĩa với việc loại bỏ hình thức kinh doanh thịt nóng. Tiêu chuẩn này áp dụng cho các doanh nghiệp sản xuất thịt mát - một phân khúc cao cấp trong các dòng sản phẩm đang lưu hành. Các loại thịt khác như thịt tươi (thịt nóng), thịt đông lạnh vẫn được lưu hành bình thường với điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm. |