Như đã nói, mật độ ruồi vào mùa hè thường dày hơn so với thời tiết lạnh của mùa đông. Vì thế mà nguy cơ mắc các bệnh lây từ ruồi cũng cao hơn. Phổ biến là các bệnh truyền nhiễm như lỵ trực trùng, lỵ amíp, tả, thương hàn, giun đũa, giun tóc, nấm da,...
Theo Wikipedia, Ruồi là côn trùng thuộc bộ Diptera (theo tiếng Hy Lạp di có nghĩa là "hai" và pteron là "cánh"). Chúng có một cặp cánh đơn trên đốt ngực giữa và một cặp bộ phận thăng bằng ở cánh sau, trên đốt ngực cuối. Một số con ruồi không có cánh như trong họ Hippoboscoidea.
Ruồi thuộc nhóm biến thái hoàn toàn, tương tự như muỗi.
Theo các nhà khoa học, mỗi một vùng miền khác nhau thì ruồi cũng có những phương thức tồn tại, phát triển và vòng đời khác nhau.
Chẳng hạn như chúng ta thường thấy các con ruồi trưởng thành thường "mất tích" vào mùa lạnh và xuất hiện khi trời nắng ấm trở lại. Cụ thể, ở miền Bắc, ruồi sống qua mùa đông dưới hình thức là con nhộng. Còn ở miền Nam, thời tiết ấm hơn thì ruồi sống ở dạng ấu trùng trưởng thành khi vào mùa lạnh. Sau đó, khi trời nắng ấm chúng sẽ tiếp tục phát triển theo vòng đời và trở thành ruồi trưởng thành.
Vào mùa hè, khi mức nhiệt dao động từ 20 - 25oC là bạn đã có thể thấy ruồi xuất hiện với mật độ nhiều hơn. Và nhiều nhất là ở nền nhiệt 35 - 40oC.
- Chu kì phát triển của ruồi bao gồm 4 giai đoạn: trứng --> giòi --> nhộng (ấu trùng) --> ruồi trưởng thành.
Ruồi đẻ trứng ở các nơi chứa chất hữu cơ phân hủy như phân bón, rác. Trứng sẽ nở thành con giòi trong khoảng vài giờ
Từ giòi, sẽ lột xác 3 lần và trở thành nhộng
Từ nhộng, sau 2 - 10 ngày sẽ phát triển thành ruồi non và trở thành ruồi trưởng thành.
Ruồi cái sẽ tiếp tục đẻ trứng sau vài ngày. Một con ruồi trưởng thành có thể sống từ 2 - 3 tuần, nhưng nếu trong điều kiện thời tiết thuận lợi chúng có thể sống tới 90 ngày.
Ruồi có tập tính liếm - hút thức ăn, bao gồm cả thực phẩm ôi thiu, rác thải của người, động vật, các bãi đờm, dãi, chất nôn, máu, các cơ quan tổ chức cơ thể hoại tử.
Đặc biệt, trên thân ruồi có nhiều tổ chức lông nhỏ có thể khiến virus hay vi khuẩn bám dính vào. Như vậy, ruồi được coi là vận chuyển mầm bệnh từ người bệnh sang người lành hay từ môi trường sang cơ thể con người.
Vậy ruồi có thể lây bệnh gì, có các bệnh lây từ ruồi sang người nào? Như đã nói ở trên, do tập tính tìm thức ăn mà ruồi trở thành vật vận chuyển mầm bệnh sang người - các bệnh truyền nhiễm. Có thể kể đến các bệnh phổ biến như:
- Bệnh đường tiêu hóa: lỵ, tả, thương hàn
- Bệnh sán - ấu trùng giun: giun tóc, sán lợn, bệnh giun mắt Thelazia
- Bệnh về mắt: đau mắt hột, nhiễm khuẩn mắt
- Các bệnh ngoài da ví dụ như viêm da cấp tính, nấm da, hủi (hay còn gọi là bệnh phong,..)
Không chỉ vào mùa hè, kể cả các mùa khác bạn vẫn có nguy cơ mắc các bệnh lây từ ruồi. Dưới đây là một số biện pháp phòng chống ruồi mà bạn có thể tham khảo:
- Loại bỏ môi trường đẻ trứng của ruồi
Chú ý vệ sinh nhà cửa, chuồng trại, vườn sạch sẽ. Đặc biệt là có biện pháp xử lý chất thải của người và động vật hợp lý
Với rác thải sinh hoạt cần được thu gom và xử lý bằng các biện pháp như vận chuyển tới nơi tập kết rác xa khu dân cư, chôn lấp,...
Cống, rãnh thoát nước thải nhiều chất hữu cơ chẳng hạn như nước thải từ chợ, từ các lò mổ,.. cần được nạo vét làm sạch thường xuyên
- Che đậy thức ăn kĩ càng bằng lồng bàn, các dụng cụ che đậy khác, tránh cho ruồi đậu vào
- Khi ngủ nên mắc màn, nhất là nhà có trẻ em hay người đang bị ốm để tránh tiếp xúc với ruồi
- Các biện pháp diệt ruồi:
Các biện pháp vật lý: Vỉ đập ruồi, bẫy ruồi, máy bắt ruồi bằng điện, nước bẫy ruồi,...
Các biện pháp hóa học: phun thuốc tiêu diệt ấu trùng ruồi, tiêu diệt giòi hay hóa chất tiêu diệt ruồi trưởng thành.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn