Viêm gan B là căn bệnh khá phổ biến ở Việt Nam. Con số người mắc bệnh thậm chí được dự đoán sẽ còn tăng nhanh trong những năm tới. Trong nhiều nguyên nhân thì việc thiếu hiểu biết của người dân về bệnh chính là một yếu tố quan trọng góp phần vào tốc độ lây truyền viêm gan B.
Virus viêm gan B khi xâm nhập vào cơ thể người sẽ gây ra viêm gan B cấp tính. Nếu trong vòng 6 tháng người bệnh được điều trị hoặc cơ thể người bệnh có khả năng chống lại virus thì người bệnh viêm gan B cấp tính có thể khỏi bệnh hoàn toàn.
Ngược lại, nếu virus tồn tại quá 6 tháng trong cơ thể thì bệnh sẽ tiến triển đến giai đoạn viêm gan B mạn tính. Viêm gan B mạn tính khó điều trị và gây ra rất nhiều hệ quả nghiêm trọng cho sức khỏe người bệnh như xơ gan, thậm chí là ung thư gan. Điều trị viêm gan B mạn tính là quá trình điều trị kéo dài, tốn kéo và hiệu quả cũng không quá cao.
Viêm gan B nguy hiểm ở chỗ các triệu chứng của bệnh không rõ ràng, dễ bị nhầm lẫn với những chứng bệnh thông thường. Đến khi những triệu chứng đặc trưng như vàng mắt, vàng da xuất hiện thì người bệnh đã tiến vào giai đoạn nặng.
Cũng vì lí do này mà nhiều người vô tình truyền bệnh viêm gan B cho những người xung quanh mình mà không hề hay biết. Cũng chính vì thế nên việc chẩn đoán bệnh viêm gan B chính xác đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phòng và điều trị bệnh.
Cách chẩn đoán bệnh viêm gan B chủ yếu là dựa vào các chỉ dấu xét nghiệm sinh học. Chẩn đoán bệnh viêm gan B tuy có các chỉ dấu xét nghiệm sinh học rõ ràng nhưng vẫn có thể gặp phải sai sót do nhiều nguyên nhân.
Một trong số những nguyên nhân có thể đến từ chất lượng đột ngũ nhân viên y tế yếu kém, thiếu kinh nghiệm hoặc gian lận trong quá trình thực hiện kiểm tra.
Đối với bệnh viêm gan B, để chẩn đoán bệnh viêm gan B cho một người, cần dựa vào sự tương tác của các kết quả xét nghiệm các chỉ số mới có thể đưa ra kết luận. Nếu người đọc kết quả xét nghiệm không có đủ kinh nghiệm và kiến thức thì trường hợp đọc nhầm kết quả xét nghiệm là hoàn toàn có thể xảy ra.
Nếu người bệnh bị chẩn đoán mắc viêm gan B trong khi không có thì kết quả chẩn đoán có thể khiến họ hoang mang, lo lắng, ảnh hưởng đến sức khỏe. Ngược lại nếu một người mắc viêm gan B bị chẩn đoán thành khỏe mạnh thì có thể họ sẽ bỏ qua cơ hội điều trị thích hợp nhất.
Bên cạnh đó, tại nhiều cơ sở y tế, đặc biệt ở tuyến cơ sở, các trang thiết bị xét nghiệm lạc hậu, thiếu đồng bộ cũng có thể khiến kết quả chẩn đoán bệnh viêm gan B bị sai lệch. Những trang thiết bị này thường khó mà tầm soát và phát hiện mầm bệnh tiềm ẩn trong cơ thể khi lượng virus trong máu mới chỉ ở mức rất nhỏ. Đây là thiếu hụt của trang thiết bị chẩn đoán bệnh viêm gan B cũ so với trang thiết bị mới.
Hơn nữa, các chỉ dấu xét nghiệm sinh học trong chẩn đoán bệnh viêm gan B lại không cố định mà thay đổi đa dạng theo từng giai đoạn của bệnh. Nếu bác sĩ và nhân viên xét nghiệm không đủ kinh nghiệm và kĩ năng thì khó có thể có cách chẩn đoán bệnh viêm gan B phù hợp và chính xác được.
Thế nên, để được chẩn đoán bệnh viêm gan B chính xác nhất, chúng ta nên tìm đến các cơ sở y tế uy tín với trang thiết bị xét nghiệm hiện đại. Do bệnh viêm gan B khá âm thầm nên mỗi người cũng nên có thói quen đi khám sức khỏe định kì. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng về y tế dự phòng cũng nên đẩy mạnh tuyên truyền tác hại và những biện pháp cần làm để phòng trạnh bệnh viêm gan B cho người dân hiểu và nắm được.
*Ảnh cắt từ clip của VTV24
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn