Ngày 17/5, tại Hà Nội, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam) phối hợp với Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức khóa tập huấn "Kỹ năng đưa tin về nhóm dễ bị tổn thương".
Chương trình tập huấn được tổ chức trên tinh thần nhiệt tình trao đổi, nêu ý kiến, đóng góp để các nhà báo, phóng viên tăng cường sự hiểu biết và nhận thức về các vấn đề liên quan đến các nhóm dễ bị tổn thương. Thông qua đó, đưa tin khách quan và chính xác, giúp nâng cao nhận thức của công chúng về vấn đề này.
Lớp học có sự tham gia của gần 40 phóng viên đến từ các cơ quan báo chí từ trung ương đến địa phương. Trong khuôn khổ khóa tập huấn này, các nhà báo, phóng viên thảo luận, trao đổi xoay quanh 3 nhóm đối tượng, bao gồm: phụ nữ, người khuyết tật, và LGBTI.
Trong vai trò cung cấp thông tin phù hợp, chính xác và khách quan cho người dân, các cơ quan thông tấn, báo chí và nhà báo có trách nhiệm bảo vệ mọi thành viên trong xã hội khỏi sự phân biệt đối xử.
Báo chí và các phương tiện truyền thông giúp thu hút sự chú ý của công chúng về các vấn đề phân biệt đối xử và quyền lợi chính đáng của một số nhóm nhất định trong xã hội đồng thời đóng vai trò quan trọng trong việc làm sáng tỏ những quan niệm sai lầm, xóa bỏ định kiến xã hội về các nhóm người trong xã hội.
Bên cạnh đó, việc cung cấp thông tin cần thiết về các dịch vụ và cơ hội dành cho nhóm dễ bị tổn thương, đặc biệt là những thay đổi về luật và chính sách của nhà nước, cũng là một bước quan trọng nhằm tạo điều kiện cho họ tham gia tích cực hơn vào xã hội.
Ông Lê Quốc Trung, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, cố vấn cao cấp của Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, cho biết, ở Việt Nam hiện nay, nhiều nhà báo và cơ quan báo chí nỗ lực trong việc cung cấp kịp thời cho công chúng thông tin về các nhóm dễ bị tổn thương nhằm bảo vệ, chống lại mọi sự kỳ thị, phân biệt đối xử với họ. Bên cạnh đó còn nhiều cơ quan báo chí vẫn chưa thể hiện sự quan tâm đầy đủ trong việc làm sáng tỏ các quan niệm sai lầm và xóa bỏ các định kiến xã hội về các nhóm thường hay bị gạt ra ngoài lề xã hội.
"Để khắc phục tình trạng này rất cần sự tham gia chung tay của các nhà báo, phóng viên. Các cơ quan báo chí, các nhà báo cần có trách nhiệm bảo vệ mọi thành viên trong xã hội trong vai trò cung cấp thông tin phù hợp, chính xác và khách quan cho công chúng. Việc đưa tin khách quan, chính xác sẽ giúp nâng cao nhận thức của công chúng về quyền lợi của các nhóm dễ bị tổn thương; góp phần chống phân biệt đối xử và làm giảm thành kiến của xã hội đối với họ, qua đó, thúc đẩy một xã hội Việt Nam hòa nhập và bình đẳng hơn", ông Trung nhấn mạnh.
Theo ông Trung, báo chí và phương tiện truyền thông đã góp phần quan trọng tạo nên những tiến triển tích cực trong việc thực hiện các cam kết của Việt Nam theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã phê chuẩn. Đặc biệt là Công ước quốc tế và các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) và Công ước về quyền của ngư sời khuyết tật (CRPD). Hai hiệp ước này khẳng định một nguyên tắc then chốt là "Tất cả mọi người đều bình đẳng về quyền và phẩm giá". Không khoan nhượng đối với sự phân biệt đối xử trên bất kỳ cơ sở nào, bao gồm cả giới tính, khuyết tật hoặc địa vị xã hội".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn