Đến tuổi ăn dặm, nhiều em bé bị biếng ăn, chậm lớn khiến các ông bố, bà mẹ không khỏi sốt ruột, tìm mọi cách để con ăn uống ngon miệng hơn. Thói quen ăn uống cũng hình thành trong giai đoạn này nên bố mẹ hãy chịu khó lắng nghe, quan sát và tìm ra cách giúp con ăn ngon hơn nhé. Cùng tham khảo cách mà một số bà mẹ đã thực hiện thành công nhé.
Bà mẹ trẻ cũng đã từng trải qua những ngày tháng như thế khi con trai không chịu ăn uống gì. Không chỉ thế, bé còn có rất nhiều thói quen xấu như vừa ăn vừa xem tivi, chạy nhảy, ngậm cơm... khiến cả nhà vô cùng mệt mỏi.
Tuy nhiên, sau đó, bà mẹ trẻ quyết định sẽ thay đổi bằng cách "biến hóa" thực đơn ăn uống của con trai. Trộm vía khi nhìn thấy những món ăn đẹp mắt của mẹ, cậu bé vô cùng thích, chịu ngồi bàn cầm muỗng ăn chứ không chạy nhảy như mọi khi. Thêm vào đó, bé cũng gần như thay đổi được thói quen xấu khi ăn, không mất tập trung mỗi lần ăn nữa... Với Thu Hà, như vậy là cũng thành công rồi!
Và điều quan trọng nhất khiến cậu bé thay đổi chính là thực đơn siêu ngon mắt, đầy màu sắc và đủ chất dinh dưỡng của mẹ. Các món ăn được Thu Hà trang trí thành nhiều nhân vật hoạt hình bắt mắt đẹp như ngoài hàng, đến người lớn cũng chẳng nỡ ăn.
"Trong thời gian ăn dặm, mình cho bé ăn dặm kiểu Nhật kết hợp với BLW (ăn dặm bé chỉ huy). Khi nấu ăn thì tiêu chí dinh dưỡng cho con được mình đặt lên hàng đầu rồi tới ngon mắt. Bé rất háo hức với những bữa ăn tạo hình của mẹ, cũng chịu ngồi ăn, những món khoái khẩu con sẽ thường ăn hết phần.
Để rèn việc ngồi ăn ngoan ngoãn cũng hơi khó, ngày nào bé không cảm thấy đói lắm thì bé ăn chút xíu là nghịch cái này cái kia, khi nào đói bé sẽ tập trung ăn ngoan nên kinh nghiệm của mình là không cho bé ăn vặt trước khi ăn và để bé vận động nhiều hơn 1 chút trước bữa ăn", Thu Hà chia sẻ về bí quyết để con ăn ngon.
Khi con lười ăn, thay vì bắt ép thì việc giúp con tìm lại cảm hứng ăn uống là điều vô cùng cần thiết. Bà mẹ 9x đã chia sẻ quá trình giúp con là Hà Vũ An Nhiên (nickname Mio) ăn uống ngon miệng hơn.
Để được đồng hành cùng bé, Vũ Thảo quyết định nghỉ làm suốt thời gian con bắt đầu ăn dặm. Bà mẹ trẻ cho biết các bữa ăn của bé vào 3 buổi sáng, trưa, tối có sự khác nhau nhưng chung quy vẫn đầy đủ chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn. Chia sẻ về bí quyết để lên thực đơn ngon như vậy, bà mẹ trẻ tâm sự đó chính là thay đổi thực đơn liên tục cho bé.
"Trong hành trình làm mẹ, có quá nhiều thứ, có quá nhiều điều làm mẹ phải bận tâm, lo lắng, stress... 4 tháng ăn dặm mẹ vừa trải qua thì phải mất tới 3 tháng Mio biếng ăn sinh lý, có những hôm bỏ liên tục 3 cữ sữa, và đỉnh điểm có hôm chỉ uống 180ml sữa cho cả ngày, làm mẹ, có ai là không stress?.
Nhưng rồi sao? Mẹ sẽ làm gì?
- Ép ăn ư? Không.
- Dụ xem tivi, điện thoại ư? Không.
- Bế rong, chạy quanh khắp xóm ư? Không.
Mẹ đã nói không với tất cả những điều trên, dù trong suy nghĩ cũng không hề có, bởi sao ư? Ăn là quyền lợi, là nghĩa vụ của con, con không ăn thì con nhịn, con đói thì con khắc đòi ăn. Vì mẹ biết đấy chỉ là biếng ăn sinh lý, và nhu cầu của con chỉ có vậy, mẹ cần tôn trọng điều đó.
Và với tâm niệm đó, mẹ đã vượt qua được suốt 3 tháng đằng đẵng biếng ăn sinh lý của con, và trong thời gian ấy mẹ vẫn vui vẻ miệt mài nấu nướng để giúp con học tập kỹ năng ăn thô một cách vượt bậc. Đến hiện tại, con có thể ăn 1 suất cơm như người lớn rồi đó'', Thảo bật mí.
- Ăn quá nhiều vào bữa tối: Sau bữa tối, trẻ thường không có nhiều hoạt động, dẫn đến ít tiêu hao năng lượng. Nếu ăn quá no, đặc biệt là vào thời điểm trước khi đi ngủ sẽ khiến dạ dày phải hoạt động hết công suất, năng lượng tiêu hao thấp hơn so với năng lượng ăn vào làm tích lũy mỡ trong cơ thể, dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì.
- Lặp lại thực đơn nhàm chán: Một thực đơn lặp đi lặp lại hàng ngày sẽ khiến trẻ không muốn ăn, sau đó lại bị bố mẹ ép ăn bằng hết khiến con càng sợ hãi, tỏ ra mệt mỏi mỗi khi đến giờ ăn cơm. Bố mẹ nên chịu khó dành thời gian cho bữa cơm của con, không cần phải quá khéo tay, chỉ cần mẹ thay đổi một chút cũng sẽ khiến bé cảm thấy thích thú cho mà xem.
- Nói chuyện không vui khi ăn: Thay vào đó, bạn nên nói chuyện tích cực và vui vẻ để giờ ăn không còn là ám ảnh với con. Khi tâm trạng của bé thoải mái thì bữa ăn cũng sẽ trở nên ngon miệng hơn. Nhiều bố mẹ thấy con không ăn thì ép, la mắng hoặc dùng đòn roi khiến trẻ phải ăn trong nước mắt. Bữa cơm như vậy sẽ chẳng bao giờ ngon được cả.
- Thiếu vận động thể chất: Giữa các bữa ăn, trẻ cần được tiêu hao năng lượng bằng cách tham gia những hoạt động thể chất cần thiết. Nhiều gia đình để trẻ trong tình trạng suốt ngày "làm bạn" với tivi, điện thoại, lười vận động, vui chơi. Hoạt động thể chất chính là cách tiêu hao năng lượng đã được ăn vào giúp trẻ nhanh đói và ăn ngon. Cần kết hợp dinh dưỡng đi đôi với vận động thì trẻ mới có cảm giác đói, ăn ngon. Đây cũng chính là cách để phát triển toàn diện cho trẻ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn