Nhà thơ Trường Giang, kỹ sư dầu khí ra mắt 'Tình nhật nguyệt'

06:30 | 15/03/2016;
Tập thơ đầu tay 'Tình nhật nguyệt' của nhà thơ Phạm Trường Giang gồm 70 bài thơ là những cảm xúc dạt dào, lắng đọng tình yêu quê hương, đất nước, đôi lứa, tình mẫu tử, gợi mở, gần gũi với bạn đọc.
Tốt nghiệp ĐH Mỏ - Địa chất, mê viết thơ nên Trường Giang cho biết, anh tranh thủ sáng tác ở khắp nơi. Khi cảm hứng ào tới, Giang viết thơ vào bìa bao thuốc lá, lên tờ báo đang đọc dở, sau đó mới lưu lại để dành ngẫm nghĩ đọc lại sau này.

Phạm Trường Giang sinh năm 1975, tại Quảng Bình. Anh đã dành khá nhiều tình cảm để viết về quê hương. Ở nơi ấy, quê hương cũng gắn liền với hình ảnh người mẹ. “Mẹ ơi! Tuổi thơ vụng dại/ Cũng có cái bất thường/ Tình mẹ vượt đại dương/ Mẹ rộng đường tha thứ” (Nụ cười mẹ yêu).

Bìa tập thơ Tình nhật nguyệt, NXB Văn hoá - Văn nghệ, tháng 2
Làm việc tại Vũng Tàu, sống ở Sài Gòn, Trường Giang được trải nghiệm nhiều nơi ở với niềm hứng thú. Trong sự thân thương của thành phố "đất lành chim đậu", hàng ngày được hít thở sự đô hội tấp nập, nhưng Phạm Trường Giang vẫn luôn "Thèm nhớ Sài Gòn" với các câu thơ lãng đãng, và khoáng đạt: "Ôi! Nắng Sài Gòn/ Xuyên tán lá/ Hiu hắt cơn gió thoảng/ Ban mai/ Mắt nai/ Thiếu nữ.

Dù tự nhận Vũng Tàu là quê hương thứ hai, nhưng nhà thơ vẫn dành tình cảm trên cả đặc biệt với Sài Gòn. Ở nơi ấy,  Trường Giang cảm nhận: “Chiều rực hoa nắng giữa Sài Gòn lộng gió/ Anh đón em trên chiếc xe đạp cũ/ Giỏ đầy hoa đỏ/ Mừng reo đón em về/ Thăm lại phố phường xưa…” (Chiều rực hoa nắng giữa Sài Gòn lộng gió).

Trong bài "Tình đê mê", sự thú vị của việc nhân cách hoá, ví von Thơ như Người tình đã khiến ngòi bút của nam thi sĩ bạo liệt vô cùng. Những vần thơ cũng vì thế mà ấn tượng: “Tình thơ ơi!/ Nàng hỡi!/ Nơi ấy/ Tình cháy bỏng/ Xé/ Toạc cả đêm đông/ Hừng hực/ Ngọn lửa đê mê/ Đốt rụi cả màn đêm u tối/ Niềm ngất ngây/ Điên dại/ Dẫn đôi tình đến cõi/ Ái ân/ Tột đỉnh/ Lịm cả linh hồn”(Tình đê mê)

Cách viết thơ của Phạm Trường Giang hết sức tự do. Không ép vào trong khuôn khổ của bất cứ thể loại nào, nhà thơ để mặc cảm xúc dẫn dắt đi, như cuộc đời vốn giản dị như thế.

Đọc thơ Phạm Trường Giang, những dấu ba chấm được anh sử dụng khá nhiều, như là sự gợi mở và lắng đọng. Khoảng cách giữa người đọc và người viết được kéo lại gần gũi hơn, trở thành mối quan hệ bạn bè, thấu hiểu và tri ân.

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn