Theo cáo trạng, vào năm 2014, Micheal qua mạng xã hội Facebook quen biết với Huỳnh Hạ Bình (ngụ TPHCM), sau đó, thuê nhà chung sống với nhau như vợ chồng tại thủ đô Phnompenh (Campuchia).
Trong thời gian này, họ biết Landlord (chưa rõ lai lịch, bạn của Micheal) đang tham gia vào nhóm lừa đảo chiếm đoạt tiền của người khác qua mạng xã hội Facebook. Tháng 3/2015, Bình và Micheal đề nghị Landlord cho cả 2 tham gia vào nhóm lừa đảo trên và được Landlord đồng ý.
Thủ đoạn của nhóm lừa đảo này chủ yếu là: Landlord và nhiều người nước ngoài khác tạo tài khoản trên Facebook với thông tin cá nhân là những người đàn ông, thanh niên ở nhiều quốc gia như Anh, Newzeland, Mỹ... thành đạt nhưng cuộc sống hôn nhân kém may mắn, hoặc những kỹ sư dầu khí, sỹ quan đang công tác ở những đất nước có chiến tranh, thông qua Facebook để tìm kiếm, kết bạn với những phụ nữ Việt Nam.
Bước tiếp theo, khi đã nắm bắt một số thông tin cơ bản của những người phụ nữ quen trên mạng, các đối tượng ngỏ lời muốn tiến tới hôn nhân, cho biết sẽ tặng quà gồm tiền mặt cùng những đồ vật có giá trị lớn. Cẩn thận hơn, họ còn chụp hình các “tặng phẩm” này để những phụ nữ kia tin tưởng.
Sau đó, các đối tượng này thông báo quà đã đến sân bay ở Việt Nam, nhưng bị “kẹt” về thủ tục, nhiều lần yêu cầu những “người được nhận quà” phải chuyển những món tiền lớn đến một tài khoản để “giải phóng” lô hàng. Cũng chính những kẻ lừa đảo này đã “nhập vai” cán bộ hải quan để liên lạc với các nạn nhân. Các bị cáo đã thuê người mở hàng chục tài khoản tại nhiều ngân hàng khác nhau để thuận tiện cho việc nhận tiền từ các bị hại. Khi người bị hại đã chuyển tiền thì cả nhóm lập tức cắt liên lạc.
Ngoài ra, Micheal có bạn là Diogu Chukwudum Camillus và bạn gái Diogu tên Nguyễn Trần Quỳnh Nhi cũng thực hiện những chiêu thức lừa đảo nói trên, nhưng vì không “hiệu quả” nên Biogu nhờ Bình “huấn luyện” cho Nhi.
Bằng thủ đoạn trên, từ tháng 3/2015 đến ngày 31/3/2016, Micheal, Bình, Uyển, Diogu và Nhi đã chiếm đoạt của 37 phụ nữ số tiền gần 5,3 tỉ đồng.
Thật ra, những “chiêu thức” nói trên chính là “ngón lừa Nigeria” đã từng được nhiều tội phạm đến từ quốc gia châu Phi này sử dụng ở nhiều nước trên thế giới, và cũng đã từng xuất hiện tại Việt Nam khoảng 7-8 năm trước, không phải chỉ một vài kẻ hoạt động đơn lẻ mà có dấu hiệu hoạt động theo băng nhóm, có tổ chức hẳn hoi.
Khi ấy lãnh đạo Công an TPHCM đã lên tiếng cảnh báo nghiêm khắc, nhưng vì lòng tham khiến cho “mờ mắt” nên suốt trong những năm qua vẫn có không ít phụ nữ Việt Nam bị mắc lừa.
Đầu năm 2015, Micheal quen với một phụ nữ ở Cần Thơ và xưng là sĩ quan quân đội, đang công tác ở nước đang xảy ra chiến sự. Micheal hứa hẹn sau khi rời quân ngũ sẽ sang Việt Nam và gửi thùng quà “ra mắt” bạn gái. Micheal thông báo cho đồng bọn liên hệ, dụ nạn nhân gửi tiền. Từ ngày 9/3 đến 27/3/2015, nạn nhân đã chuyển hơn 310 triệu đồng vào số tài khoản do Bình cung cấp.
Một lần nạn nhân trực tiếp sang Campuchia, đưa số tiền 330 triệu đồng cho Micheal. Tổng số tiền nạn nhân bị chiếm đoạt là 644 triệu đồng. Sau đó, Micheal và Bình cắt đứt liên lạc với nạn nhân.
Từ trình báo của bị hại nói trên, Công an TP.Cần Thơ đã vào cuộc điều tra. Cuối tháng 3.2016, Micheal, Bình, Uyển và Nhi bị bắt giữ tại TPHCM. Riêng Diogu bỏ trốn. Cảnh sát thu giữ của nhóm lừa đảo gồm tiền Việt Nam, USD, điện thoại di động, máy tính bảng, laptop, USB, sim, card điện thoại…
Tại phiên toà (có sự tham gia của đại diện Lãnh sự quán Nigeria tại Việt Nam), thông qua người phiên dịch, đại diện Lãnh sự quán Nigeria đã đề nghị xin hoãn phiên toà để có thời gian nghiên cứu hồ sơ.
Sau phần thẩm tra, thư ký phiên toà thông báo phiên toà phải tạm hoãn do nhiều bị hại và những người liên quan không đến theo giấy triệu tập. Một số bị hại khác cũng có đơn gửi HĐXX xin vắng mặt.