Hiện nay, dịch Covid-19 trên thế giới vẫn đang diễn biễn phức tạp, với số ca mắc tăng cao. Theo thống kê, tính đến hết ngày 16/8, trên thế giới đã có khoảng 207 triệu người mắc, trong đó 4,37 triệu người tử vong. Tại Việt Nam, kể từ khi xuất hiện Covid-19 đến nay, cả nước ghi nhận 283.696 ca nhiễm, đứng thứ 77/222 quốc gia và vùng lãnh thổ. Chỉ tính riêng trong đợt dịch thứ 4, từ ngày 27/4/2021 đến nay, số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 279.681, trong đó 6.141 trường hợp tử vong và 104.203 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến kinh tế- xã hội của tất cả các quốc gia trong gần 2 năm qua. Chính phủ các nước đã xác định, chỉ khi có thuốc điều trị và vaccine ngừa Covid-19 thì cuộc sống mới người dân mới có thể trở lại bình thường. Cũng vì thế, ngay từ khi có dịch, các hãng dược phẩm trên thế giới đã chạy đua sản xuất vaccine ngừa Covid-19. Đến nay, đã có một số vaccine được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và FDA cấp phép sử dụng khẩn cấp như vaccine của hãng Astrazeneca, vaccine của Pfizer-BioNTech, Moderna,…
Tuy nhiên, tất cả các vaccine ngừa Covid-19 đang được sử dụng hiện đều là vaccine dạng tiêm. Trong khi đó, không ít người cảm thấy không thoải mái với kim tiêm hoặc "sợ tiêm" nên còn do dự khi đi tiêm vaccine. Những người này cho rằng, nếu có vaccine ngừa Covid-19 dạng nén (qua đường uống) thì họ sẵn sàng tiếp nhận. Nắm bắt được nhu cầu ấy, một số hãng dược đang nghiên cứu để đưa ra thị trường vaccine ngừa Covid-19 dạng viên. Mới đây nhất, hãng dược Oramed của Israel đã chuẩn bị những bước cuối cùng để tiến hành thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa Covid-19 dạng viên từ giữa tháng 8/2021.
Để nghiên cứu, phát triển vaccine ngừa Covid-19 dạng viên, hãng dược Oramed đã sử dụng công nghệ viên nang (từ sản phẩm insulin dạng uống mà hãng đã sản xuất). Ứng viên vaccine ngừa Covid-19 dạng viên uống của Oramed nhắm vào nhiều cấu trúc của virus hơn so với các vaccine dạng tiêm hiện nay, gồm cả các cấu trúc chính ít bị biến đổi, để giúp chống lại nhiều biến thể hơn. Hiện ứng viên vaccine của Oramed đã được cấp phép thử nghiệm quy mô nhỏ tại Tel Aviv với 24 người. Oramed dự kiến sẽ bắt đầu các thử nghiệm lâm sàng trên người ngay sau khi được Bộ Y tế Israel phê duyệt.
Một loại vaccine ngừa Covid-19 dạng viên khác do Viện Khoa học Ấn Độ (IISc) và Startup công nghệ sinh học Mynvax cũng đang nghiên cứu, phát triển. Theo đó, tháng 5/2021, ứng viên vaccine này đạt kết quả thử nghiệm Giai đoạn 1 đầy hứa hẹn, cho thấy phản ứng của tế bào CD8+ T mạnh hơn so với các vaccine của Pfizer và Moderna. Đây là một loại tế bào bạch cầu chịu trách nhiệm tạo ra phản ứng miễn dịch. Nếu suôn sẻ, đơn vị nghiên cứu, phát triển hy vọng có thể nộp đơn xin phê duyệt sử dụng khẩn cấp vaccine dạng viên trong vòng một năm tới. Đồng thời, hướng đến sản xuất hàng triệu, thậm chí hàng tỷ liều vaccine mỗi năm với giá cả hợp lý.
Nhiều lợi ích
TS. Dược sĩ Nguyễn Thị Hòa (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, so với các loại vaccine dạng tiêm hiện nay thì việc phát triển công thức vaccine ngừa Covid-19 dạng viên có nhiều lợi ích. Theo TS. Hòa, các loại vaccine ngừa Covid-19 đang được sử dụng phổ biến trên thế giới hiện đều phải bảo quản trong nhiệt độ thấp hoặc rất thấp. Ví như, vaccine của AstraZeneca cần phải được bảo quản ở trong nhiệt độ từ 2-8 độ C, hay của vaccine của Pfizer là -70 độ C. Điều này đã đặt ra thách thức lớn về cơ sở hạ tầng về bảo quản vaccine, nhất là khi triển khai tiêm chủng ở những nơi vùng sâu, vùng xa.
Trong khi đó, nếu thành công thì vaccine dạng viên sẽ không cần các kho bảo quản lạnh như vaccine dạng tiêm, công tác vận chuyển nhanh chóng, dễ dàng hơn. Đặc biệt, cũng không cần tốn nhiều nhân lực cho quá trình di chuyển, vận chuyển và bảo quản vaccine so với dạng tiêm hiện nay. Ngoài ra, nếu vaccine dạng viên nén được sản xuất thành công thì sẽ giảm được một khối lượng lớn xylanh và rác thải nhựa tại các quốc gia, đồng thời có thể giảm các tác dụng phụ của thuốc hay các biến chứng sau tiêm.
Dù vậy, theo TS. Hòa, việc sản xuất vaccine dạng viên uống cũng gặp một số trở ngại. Theo đó, loại vaccine dạng uống hiện vẫn chưa được nhiều hãng dược quan tâm mà vẫn tập trung sản xuất dạng tiêm. Nguyên nhân chính cũng là bởi tới thời điểm hiện tại không có nhiều loại vaccine dạng viên uống được phát triển thành công, bởi các thành phần hoạt tính khó có thể tồn tại trong suốt quá trình tiêu hóa.
Ngoài ra, việc vaccine dạng uống sẽ khiến người dân tiếp cận dễ dàng hơn dẫn đến rủi ro khi người dân tự mua và uống mà không cần tới cơ quan y tế để được tiêm và được giám sát phản ứng sau tiêm. "Tôi cho rằng, việc sản xuất vaccine ngừa Covid-19 sẽ tạo nên sự cạnh tranh giữa vaccine dạng nén và dạng tiêm. Chắc chắn, giá vacacine dạng nén sẽ giảm hơn bởi chi phí thấp và người dân sẽ là đối tượng hưởng lợi", TS. Hòa chia sẻ.
Liên quan tới vaccine ngừa Covid-19 tại Việt Nam, ngày 7/8 Hội đồng đạo đức Quốc gia đã họp khẩn cấp để đánh giá kết quả thử nghiệm Vaccine ngừa Covid-19 Nano Covax. Đây là vaccine của Công ty Cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen và Học viện Quân Y nghiên cứu, phát triển.
Tại cuộc họp, Hội đồng đạo đức Quốc gia đã thống nhất nghiệm thu kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vaccine Nanocovax với dữ liệu theo dõi đến tháng thứ 6 và giữa giai đoạn 2. Hội đồng chưa nhận được hồ sơ, báo cáo chính thức liên quan đến giai đoạn 3 nên không có cơ sở xem xét, đánh giá. Hội đồng đạo đức Quốc gia quyết định tiếp tục cho phép triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 với mức liều 25mcg theo đề cương nghiên cứu đã được phê duyệt.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đề nghị các đơn vị nhận thử nghiệm như Học viện Quân y, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh và đơn vị độc lập là Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ kết hợp với nhà sản xuất sau khi được nghiệm thu kết quả giai đoạn 1 và giữa kỳ giai đoạn 2 phải khẩn trương hoàn thiện, đồng thời gửi báo cáo pha 3a. Trên cơ sở đó, Hội đồng tiếp tục họp để đánh giá kết quả giai đoạn 3a.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cũng cho biết, Bộ Y tế đề nghị cân nhắc xem xét có tiến hành thêm 1 nghiên cứu bổ sung về việc tiêm mũi 3 vaccine Nanocovax hay không. Bên cạnh đó xem xét bổ sung các chủng mới của virus Corona (như chủng Delta) vào nghiên cứu ở thời điểm thích hợp.
Đối với thông tin các tỉnh, thành có công văn xin phép tiêm thử vaccine Nanocovax, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết Bộ Y tế rất ủng hộ, tạo mọi điều kiện để các tỉnh tham gia thử nghiệm lâm sàng. Tuy nhiên, việc thử nghiệm phải tuân thủ đúng theo các quy trình, quy định. Bộ Y tế rất không đồng ý việc lợi dụng ưu tiên thử nghiệm lâm sàng vào mục đích thương mại./.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn