Có mặt ở phòng khám sản khoa tại quận Phú Nhuận sau giờ làm việc, chị Vân cùng chồng ngồi đợi đến số thứ tự để được kiểm tra tình trạng sức khỏe thai kỳ.
Sau gần 1 tiếng, cuối cùng chị cũng được gặp bác sĩ, tuy nhiên khác với những câu hỏi mọi ngày về chế độ ăn, tăng cân, khó ngủ… vấn đề khiến chị Vân quan tâm hơn cả là virus Zika. Sau khi được bác sĩ tư vấn và nhận được mọi kết quả kiểm tra đều tốt, chị Vân mới thở phào nhẹ nhõm.
Chị Vân chia sẻ: “Tôi tìm hiểu rất nhiều tài liệu về loại virus này, dù không phải ai mang bầu cũng bị nhiễm bệnh, không phải thai phụ nào nhiễm bệnh cũng sinh con bị dị tật đầu nhỏ, nhưng vợ chồng tôi rất lo lắng. Không hiểu sao TPHCM lại bùng phát bệnh”.
Chị Vân lo lắng cho quá trình mang thai của mình khi TPHCM khi nhận nhiều ca nhiễm virus Zika |
Cũng theo lời kể của chị Vân, mặc dù trong người luôn trong tình trạng “bốc hỏa” do đang mang thai, nhưng để tránh muỗi chích, mỗi ngày chị đều chủ động mặc quần áo dài, thoa kem chống muỗi, hạn chế đến các khu vực ẩm thấp, cây cối rậm rạp để tránh muỗi.
“Ngoài việc xịt thuốc chống muỗi mỗi ngày, tôi còn phải ngủ trong mùng, cẩn trọng theo dõi mọi dấu hiệu trong cơ thể, nếu có gì bất thường như nhức đầu, sổ mũi, nhức mỏi chân tay… thì phải đến bác sĩ ngay”, chị Vân nói.
Cùng tâm trạng như chị Vân, chị Nguyễn Thị Thúy Hồng (34 tuổi), ngụ tại quận 7 cũng ở trong tình trạng “đứng ngồi không yên” mỗi khi đọc thông tin thấy TPHCM ghi nhận thêm các ca nhiễm virus Zika mới.
Theo chia sẻ của chị Hồng, chị vốn không thích kết hôn, nhưng lại mong muốn được thực hiện thiên chức làm mẹ để cùng con chia sẻ cuộc sống. Vì vậy, năm 2015, chị đã thực hiện thụ tinh nhân tạo tại một trung tâm hỗ trợ sinh sản và may mắn đậu thai ngay ở lần bơm tinh trùng đầu tiên.
“Bác sĩ dự sinh cho tôi là 2 tuần nữa, dù vậy, tôi vẫn không tránh khỏi lo lắng. Từ ngày TPHCM ghi nhận ca nhiễm virus Zika đầu tiên, tôi cẩn trọng trong mọi sinh hoạt của mình, quan trọng nhất là tránh bị muỗi chích và đến gặp bác sĩ nếu có bất kỳ dấu hiệu gì bất thường. Tôi nghe nói virus Zika chỉ gây nguy hiểm với thai phụ ở những tháng đầu tiên, tuy nhiên tôi vẫn rất sợ, phải chờ đến khi nào sinh con xong mới an tâm được”, chị Hồng phân trần.
Theo ThS.BS Nguyễn Hữu Trung, Giảng viên khoa Phụ sản, trường ĐH Y Dược TPHCM, Trưởng phòng khám Phụ sản Hoàng Gia, trong thời gian qua, khá nhiều thai phụ tìm đến phòng khám trong tâm lý hoang mang bởi không biết họ có nhiễm virus Zika hay không. Tuy nhiên, vấn đề chính của nhiễm virus Zika là có thể gây nên tình trạng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh, nhưng không phải thai phụ nào nhiễm virus cũng sinh ra con bị dị tật đầu nhỏ, bởi theo nghiên cứu chỉ có dưới 10% mẹ bị nhiễm loại virus này, nhất là trong 3 tháng đầu thai kỳ, có nguy cơ sinh ra con bị dị tật đầu nhỏ.
Vì vậy, theo BS Trung, vấn đề quan trọng nhất vẫn là biện pháp dự phòng, ngăn ngừa loại virus này bằng các biện pháp chống muỗi đốt, vệ sinh sạch sẽ nơi ở, ngủ mùng chống muỗi…
“Virus này chỉ gây nguy hiểm với thai phụ trong 3 tháng đầu. Đối với 3 tháng cuối, hiện chưa có khuyến cáo cụ thể, tuy nhiên về lý thuyết, khi thai đã lớn, mức độ ảnh hưởng đối với thai là không nhiều”, BS Trung cho biết.
Còn theo ThS.BS Trần Mộng Thúy, Phòng khám Phụ Sản, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, mặc dù virus Zika rất nguy hiểm nhưng không hẳn bệnh đầu nhỏ chỉ do một mình virus Zika gây nên, mà còn do nhiều nguyên nhân khác. Vì vậy, việc đi làm xét nghiệm sẽ là không cần thiết nếu thai phụ không có các triệu chứng sốt phát ban, sổ mũi, viêm kết mạc, người trở về từ vùng dịch hoặc sống chung quanh trong vùng dịch.
“Đi làm xét nghiệm siêu âm vì sợ bị lây nhiễm virus Zika quá nhiều có thể dẫn đến quá tải ở các bệnh viện, thêm đó là tốn chi phí cá nhân và tăng thêm chi phí xã hội không cần thiết. Chỉ những phụ nữ mang thai 3 tháng đầu, ở vùng có dịch, có biểu hiện sốt, viêm kết mạc, nổi ban thì mới đến cơ sở y tế để làm xét nghiệm”, BS Thúy chia sẻ.