Những bước ngoặt khiến Mỹ và Triều Tiên chuyển từ đối đầu sang đối thoại

18:39 | 25/02/2019;
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai được kỳ vọng sẽ tập trung vào việc thúc đẩy Triều Tiên triển khai các giải pháp phi hạt nhân hóa để đổi lấy những ưu đãi từ Mỹ và khơi thông quan hệ liên Triều. Để có thể đi đến được những bước tiến tích cực sau 65 năm đối đầu, hai nước đã vượt rào cản chông gai, cải thiện quan hệ vì hòa bình trong khu vực, vì sự thịnh vượng của người dân.
Những giai đoạn căng thẳng trong quan hệ Mỹ- Triều Tiên
 
Sau khi Thế chiến thứ II kết thúc vào năm 1945, cùng với sự thất bại của phe phát xít, bán đảo Triều Tiên được giải phóng khỏi sự chiếm đóng của Nhật và bị chia làm hai, lấy vĩ tuyến 38 làm ranh giới, theo hiệp định giữa các cường quốc đồng minh thắng trận. Mỹ quản lý phần lãnh thổ phía Nam bán đảo và Liên Xô quản lý phần phía Bắc còn lại. Sự phân chia này ban đầu chỉ được dự tính như là một tình thế tạm thời cho đến khi một chính quyền thống nhất được thành lập. Tuy nhiên, sự đối đầu về ý thức hệ giữa hai cường quốc đang chiếm đóng đã dẫn tới sự hình thành hai chính quyền tách biệt ở hai miền: Đại Hàn Dân Quốc (Hàn Quốc) và CHDCND Triều Tiên.
 
Đỉnh điểm căng thẳng là cuộc chiến tranh Triều Tiên nổ ra năm 1950 và tạm dừng bằng hiệp định đình chiến giữa hai miền Triều Tiên ở Bàn Môn Điếm năm 1953, từ đó khu phi quân sự dọc vĩ tuyến 38 được hình thành. Chính sách Đông Bắc Á của Mỹ kể từ đó đến nay coi Triều Tiên là một mối đe dọa. Năm 1988, sự kiện máy bay số hiệu 858 của Hàn Quốc bị đánh bom khiến 115 người thiệt mạng càng “châm dầu vào lửa” mối quan hệ giữa Washington và Bình Nhưỡng. Mỹ xếp Triều Tiên vào danh sách đen những nước tài trợ cho khủng bố. Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt Triều Tiên.
 
Một trong những vấn đề được nhắc đến thường xuyên và dai dẳng nhất trong mối quan hệ Mỹ- Triều là chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Năm 1985, Triều Tiên tham gia Hiệp ước không phổ biến hạt nhân (NPT), liền sau đó là tuyên bố phi hạt nhân hóa năm 1992 giữa hai miền được thông qua. Tuy nhiên, đầu năm 1993 Mỹ cho công bố những hình ảnh nghi là cơ sở hạt nhân ở Triều Tiên và khi Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) yêu cầu thanh tra Triều Tiên, nước này đã từ chối và dọa rút khỏi hiệp ước.
 
jimmy-carter.png
Cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter (áo đen, giữa) chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh tụ Triều Tiên Kim Nhật Thành trong chuyến đi tới Triều Tiên năm 1994

  

Tháng 6/1993, Mỹ và Triều Tiên bắt đầu những đàm phán về vấn đề hạt nhân nhưng đều không đạt được kết quả. Nguy cơ của một cuộc chiến tranh Mỹ- Triều nổ ra khi Triều Tiên tháo dỡ các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng từ lò phản ứng Yongbyon. Lầu Năm Góc thời điểm đó đã bắt đầu lên kế hoạch tấn công phủ đầu Triều Tiên và tiến hành diễn tập quy mô lớn với Hàn Quốc. Phía Triều Tiên cũng cho biết họ đã sẵn sàng chiến tranh. Giữa tình trạng căng thẳng đó, cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter bất ngờ đề nghị Tổng thống đương nhiệm Bill Clinton cho mình đến Triều Tiên để tìm cách phá vỡ bế tắc vào tháng 6/1994. Chuyến đi của ông đã tháo ngòi nổ căng thẳng, ngăn được một cuộc chiến nguy hiểm.
 
Năm 1994, Mỹ- Triều đạt được thỏa thuận khung. Triều Tiên nhất trí đóng băng và cuối cùng sẽ tháo bỏ các cơ sở hạt nhân để đổi lại bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Triều Tiên cũng sẽ nhận dầu và được hỗ trợ xây dựng các nhà máy điện sử dụng lò phản ứng nước nhẹ với mục đích tránh để hạt nhân bị vũ trang hóa. Quan hệ Mỹ- Triều được cải thiện với các chuyến thăm qua lại, điển hình như phó nguyên soái Jo Myong-rok tới Mỹ và ngay sau đó nữ Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright tới Triều Tiên năm 2000.
 
Năm 1997, bắt đầu khởi động đàm phán 4 bên giữa Hàn Quốc, Triều Tiên, Mỹ và Trung Quốc nhằm tìm kiếm hiệp ước hòa bình mới thay thế hiệp định đình chiến năm 1953 để chấm dứt chiến tranh Triều Tiên. Thế nhưng, năm 1998, việc Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo tầm xa lần đầu tiên khiến đàm phán giữa các bên sụp đổ. Đến năm 2002, Tổng thống Mỹ George W. Bush đưa Triều Tiên cùng với Iran, Iraq vào danh sách các nước thuộc “Trục ma quỷ” với cáo buộc hỗ trợ khủng bố và tàng trữ vũ khí hủy diệt hàng loạt. Ngược lại, Triều Tiên chỉ trích Tổng thống Bush là độc tài. Thỏa thuận năm 1994 sụp đổ sau khi Mỹ cáo buộc Triều Tiên có chương trình vũ khí hạt nhân bí mật.
 
bill-clinton-kim-jong-il.jpg
Cựu Tổng thống Bill Clinton chụp ảnh chung cùng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il trong chuyến đi của ông đến Triều Tiên năm 2009

  

Năm 2005, lần đầu tiên, Triều Tiên tuyên bố sở hữu vũ khí hạt nhân. Năm 2006, Triều Tiên lần đầu tiên thử hạt nhân. Đến năm 2009, Triều Tiên thực hiện vụ phóng tên lửa tầm xa, thử hạt nhân lần thứ hai, vấp phải sự chỉ trích nặng nề, cấm vận từ phía Mỹ và Liên hợp quốc. Tháng 8/2009, ông Bill Clinton, lúc này là cựu Tổng thống Mỹ, đã có chuyến thăm đầy bất ngờ đến Bình Nhưỡng nhằm thương lượng với các quan chức chủ nhà về vấn đề hai nữ nhà báo Mỹ bị Triều Tiên kết án 12 năm cải tạo lao động. Chuyến đi diễn ra trong thời điểm căng thẳng giữa Triều Tiên và Mỹ lên cao sau các cuộc thử hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên và lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc.
 
Khi ông Kim Jong-un chính thức lãnh đạo Triều Tiên năm 2011, Bình Nhưỡng theo đuổi mạnh mẽ chính sách hạt nhân. Từ tháng 5/2009 đến tháng 9/2017, Triều Tiên thử hạt nhân thêm 5 lần. Đó là lý do Mỹ đã áp dụng tới gần 250 biện pháp trừng phạt với Triều Tiên.
 
hwasong-15.jpg
Lãnh đạo Kim Jong-un bên tên lửa Hwasong-15

  

Năm 2017, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đã leo thang cực độ với những tuyên bố mang tính đối đầu của hai bên nhằm vào nhau, đẩy bán đảo Triều Tiên cận kề "miệng hố chiến tranh". Cả thế giới “nín thở” trước những màn đáp trả qua lại giữa lãnh đạo hai nước Mỹ- Triều, lo sợ viễn cảnh chiến tranh hạt nhân nổ ra trên bán đảo Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân lần thứ 6 với tầm bắn có khả năng vươn tới Mỹ. Về vụ thử nghiệm tên lửa vào ngày 29/11/2017, số liệu chính thức của Triều Tiên cho thấy tên lửa có tầm cao nhất lên tới 4.475 km, tầm bắn là 950 km.
 
Trong cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an LHQ, Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa “hủy diệt hoàn toàn” Triều Tiên nếu nước này vẫn tiếp tục có những động thái gây lo ngại về an ninh khu vực. Quan hệ Mỹ- Triều tưởng chừng đi vào giai đoạn bế tắc, đứng trước viễn cảnh phải dùng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn.
 
ten-lua-trieu-tien.jpg
Triều Tiên đã nhiều lần phóng tên lửa hạt nhân

  

Những cú bắt tay đối thoại lịch sử
 
Quan hệ Mỹ-Triều trải qua 65 năm đối đầu đã được tháo gỡ khi bước sang năm 2018, cả hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên bất ngờ thay đổi thái độ từ thù địch sang bày tỏ thiện chí đối thoại và hợp tác. Ông Kim Jong-un đồng ý thương thuyết với ông Trump và cam kết từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, hướng tới hòa bình. Tháng 3/2018, Triều Tiên gửi lời mời ông Trump tham dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều. Tổng thống Mỹ nhanh chóng nhận lời và cuộc gặp được tổ chức tại Singapore ngày 12/6/2018. Đây là lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ đương nhiệm gặp một lãnh đạo Triều Tiên. Hai nhà lãnh đạo tươi cười bắt tay nhau trên thảm đỏ với cú bắt tay “lịch sử” kéo dài 12 giây. Ông Trump nói cả hai phía đã “xây dựng được một liên kết đặc biệt”, trong khi ông Kim cho biết hai nước đã sẵn sàng “bỏ lại quá khứ phía sau” nhằm tìm giải pháp cho một nền hòa bình và ổn định lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên. Mỹ tuyên bố sẽ ngừng tập trận chung với Hàn Quốc.
 
donald-trump-kim-jong-un-2.jpg
Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore năm 2018

  

Cuộc gặp đã mở ra 4 trụ cột trong các chương trình đàm phán hai nước, bao gồm: Thiết lập mối quan hệ mới giữa Mỹ và Triều Tiên; Xây dựng cơ chế hòa bình lâu dài và ổn định trên bán đảo Triều Tiên; Phi hạt nhân hóa - phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên; Tìm hài cốt quân nhân hy sinh và mất tích trong chiến tranh Triều Tiên vì Mỹ còn ít nhất hơn 7500 hài cốt binh sĩ.
 
Ngày 19/9/2018, tại cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba giữa Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, nhà lãnh đạo Triều Tiên lần đầu tiên vạch ra một lộ trình cụ thể hơn về phi hạt nhân hóa, trong đó đề cập khả năng đóng cửa vĩnh viễn cơ sở hạt nhân Yongbyon, đồng ý để các thanh sát viên quốc tế tới bãi thử tên lửa của nước này. Đây được xem là một bước tiến dài so với Tuyên bố chung tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều tại Singapore tháng 6/2018.
 
Trong thông điệp Năm mới 2019, Chủ tịch Kim Jong-un cho biết sẵn sàng gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump bất cứ lúc nào, đồng thời kêu gọi Mỹ có những biện pháp phù hợp đối với đàm phán phi hạt nhân hóa. Sau khi bàn thảo, hai bên quyết định đi đến cuộc gặp thượng đỉnh lần 2 tại Hà Nội trong ngày 27 và 28/2/2019 tới. Kết quả hội nghị lần này sẽ có những tiến bộ, nuôi dưỡng ngọn lửa đối thoại, tránh căng thẳng giữa hai bên. Tại cuộc gặp lần này, ông Trump sẽ thảo luận với ông Kim về việc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân để đổi lấy việc cộng đồng quốc tế gỡ bỏ thế bao vây cấm vận kinh tế nhằm vào Bình Nhưỡng. Theo ông Trump, mọi thứ đang diễn ra rất tốt đẹp.
 
Nền kinh tế Triều Tiên sẽ được hồi sinh nhờ sự cải thiện mối quan hệ với Mỹ. Gần đây, các biểu ngữ và bảng hiệu nhấn mạnh tầm quan trọng của xây dựng kinh tế được đưa ra, nhấn mạnh sự nghiêm túc của Triều Tiên về việc thúc đẩy nền kinh tế quốc gia thay vì tăng cường khả năng vũ khí. Rodong Sinmun - Tờ báo của Đảng Lao động Triều Tiên có ảnh hưởng nhất ở nước này - cho biết, Triều Tiên sẵn sàng "bắt tay và tạo ra một lịch sử mới" ngay cả với một quốc gia có sự thù địch trong quá khứ nếu bây giờ họ có ý định cải thiện mối quan hệ. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn