Những cuộc trò chuyện không có tiếng nói

10:19 | 19/09/2015;
Với công nghệ hiện đại, khả năng đọc được ý nghĩ của bạn đã được tạo lập và có thể trở nên phổ biến.
Tương tác điện từ với não người
Với một công trình được thực hiện bởi nhóm chuyên gia đến từ ĐH Harvard (Mỹ), một người ở Pháp có thể tiếp nhận được ý nghĩ của một người khác đang ở khoảng cách hơn 5.000km. Công nghệ tương tác điện từ với não người, tạm được hiểu là một giải pháp giúp truyền thông tin từ não người này tới não người khác, trong đó khoảng cách về không gian gần như không có ý nghĩa.
Theo đó, một người ở Ấn Độ đeo máy điện não đồ không dây có kết nối internet được yêu cầu nghĩ về một lời chào hỏi đơn giản nào đó và máy tính sẽ chuyển suy nghĩ của người ấy thành một dạng mã nhị phân kỹ thuật số thể hiện bằng các chuỗi 0 và 1. Tin nhắn này được gửi đến Pháp và truyền cho người nhận thông qua một robot. Người này có thể thấy ánh sáng lóe lên trong tiềm thức. Chủ thể ở Pháp không được nghe hoặc thấy thông điệp mà người ở Ấn Độ gửi, song có thể nhận được tín hiệu phù hợp với tin nhắn trên thông qua một sự kích thích não và có thể giải mã nội dung thông điệp đó một cách chính xác. Hiện tại, sai số của công nghệ truyền tin “thần giao cách cảm” này chỉ ở mức 15%.

 Trong công nghệ truyền tin "thần giao cách cảm", khoảng cách không gian gần như không có ý nghĩa

Nhiều nhà khoa học đánh giá công nghệ này như một bước tiến tới hiện thực hóa giấc mơ về khả năng “thần giao cách cảm” vốn chỉ lưu truyền trong cuộc sống thông qua các câu chuyện mang màu sắc huyền bí.
Xuất phát từ những câu chuyện có vẻ “bí hiểm”, các nhà khoa học bắt đầu nghiên cứu về một khả năng đặc biệt mà cho đến giờ khoa học vẫn chưa lý giải được một cách đầy đủ và thuyết phục. Tuy nhiên, khi các nhà khoa học thần bí còn lúng túng trong việc tìm câu trả lời thì các nhà công nghệ đã đi trước một bước khi tạo ra những thiết bị có khả năng tạo lập “năng lực thần giao cách cảm”, bằng cách dùng công nghệ để tương tác điện từ với não người.
Rất có thể trong tương lai, những nghiên cứu như vậy sẽ giúp con người thay đổi phương thức giao tiếp với nhau - có thể hiểu được ý nghĩ của nhau mà không cần nói chuyện trực tiếp hoặc thông qua internet.

 Tương lai, có thể con người sẽ giao tiếp được với nhau mà không cần trò chuyện hay thông qua internet

 “Giao diện não - máy”
Năm 1997, Johnny Ray (một thợ xây tường đá 59 tuổi, người Mỹ) bị đột quị cuống não, dẫn đến hội chứng khóa trong (locked-in syndrome). Ông vẫn tư duy được như thường nhưng hoàn toàn không thể cử động bất kỳ bộ phận nào, trừ mắt vẫn còn nhìn thấy. Ông được chọn làm đối tượng thử nghiệm cho một nghiên cứu về cách “đọc” thông tin từ sóng não, bằng cách cấy trực tiếp các điện cực vào não. Thử nghiệm này do 2 nhà thần kinh học Phillip Kennedy và Roy Bakay (ĐH Emory, bang Atlanta) tiến hành.
Để đơn giản tối đa tín hiệu sóng não cần diễn dịch, các nhà nghiên cứu đã yêu cầu Ray tập trung vào những suy nghĩ nhị phân kiểu như nóng - lạnh, lên - xuống. Những suy nghĩ phân cực này tạo ra các mẫu sóng khác nhau, được một máy tính cá nhân nối trực tiếp vào các điện cực qua cổng USB xử lý và “học” dùng các phương pháp phổ dụng trong ngành xử lý tín hiệu và xác suất thống kê. Sau một thời gian tập huấn với các kiểu tập trung tư duy phức tạp hơn (như thử cố di động cánh tay), Ray đã có thể di động được… con trỏ chuột trên màn hình máy tính, gõ các ký tự trên bàn phím…
Sau đó, 2 nhà khoa học này nhận được tài trợ lớn và tiếp tục với các thử nghiệm khác. Năm 2002, Jens Neumann, một người mù không bẩm sinh, được cấy các điện cực nối với camera vào những vùng thị giác trong não. Các camera đặc biệt này gửi những tín hiệu kích thích tới các vùng thị giác trong não. Hệ thống đó đã giúp ông làm được nhiều việc, kể cả… lái xe hơi.

 Những thử nghiệm thành công của "giao diện não- máy" như mang đến phép màu cho người tàn tật

Tháng 2/2011, trung sĩ cụt tay Glen Lehman của quân đội Mỹ đã biểu diễn điều khiển cánh tay giả của mình bằng… ý nghĩ để cầm gói đồ ăn, khay thức ăn, chuyền 1 chai nước… Anh nói với các nhà báo: “Tay tôi hầu như là đồng bộ với suy nghĩ của tôi!”.
Các trường hợp nêu là 3 trong số rất nhiều thử nghiệm thành công của “giao diện não - máy”. Mặc dù ban đầu, đây chỉ là những nghiên cứu nhằm mang lại “phép màu” cho người tàn tật nhưng có thể thấy ứng dụng của công nghệ tương tác giữa bộ não với thiết bị công nghệ không dừng lại ở đó. Bước tiến mới của các nhà sáng chế công nghệ nhằm “truy cập” vào não người được tiến hành trên lý thuyết về hiện tượng điện sản sinh từ các hoạt động của não bộ, mà thiết bị mang tính sơ khai cho đến giờ vẫn đang phát huy tác dụng trong lĩnh vực y tế là máy đo điện não đồ.
Từ những ý tưởng sơ khai về công nghệ tạo sự tương tác giữa não bộ với thiết bị đến việc tạo khả năng “thần giao cách cảm” là một chặng đường dài. Tuy nhiên, đây là những thành tựu rất quan trọng để tiếp tục phát triển công nghệ nhằm phục vụ đời sống con người một cách hiệu quả và tiện ích hơn.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn