Những điều cần biết về rối loạn giấc ngủ

10:13 | 05/07/2023;
Bà Hà Thị Thu (Bắc Giang) năm nay 58 tuổi nhưng đã bị rối loạn giấc ngủ từ 5 năm trước. Bà không thể ngủ trước 2 giờ sáng. Tình trạng khó ngủ kéo dài khiến bà mệt mỏi, sức khỏe giảm sút.

Theo bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Thị Việt Hà (Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội), thuật ngữ "rối loạn giấc ngủ" dùng để chỉ tình trạng người bệnh gặp phải các vấn đề ảnh hưởng đến chất lượng, thời gian hoặc thời lượng giấc ngủ và ảnh hưởng đến khả năng hoạt động bình thường của người đó khi thức.

Tình trạng rối loạn giấc ngủ có thể góp phần gây ra các vấn đề sức khỏe khác, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần.

Hiệp hội Rối loạn giấc ngủ Hoa Kỳ từng công bố hệ thống phân loại dành riêng cho các chứng rối loạn giấc ngủ. Theo đó, có hơn 100 loại rối loạn giấc ngủ được phân loại dựa trên nguyên nhân, triệu chứng, tác động sinh lý, tâm lý và các tiêu chí khác.

Hầu hết các rối loạn giấc ngủ thường có các dấu hiệu như: buồn ngủ nhưng khó có thể đi vào giấc ngủ; gặp khó khăn trong việc tỉnh táo vào ban ngày; bị mất cân bằng trong nhịp sinh học thức - ngủ mỗi ngày; có những hành vi bất thường làm gián đoạn giấc ngủ.

Các triệu chứng rối loạn giấc ngủ bao gồm rối loạn về tâm lý trước khi ngủ, rối loạn hô hấp lúc ngủ, chứng nghiến răng và co giật tay chân lúc ngủ, căng thẳng thần kinh…

Ở trạng thái ngủ say, người có rối loạn giấc ngủ thường có tiếng ngáy to và nhịp thở không đều, thậm chí có thể có một khoảng thời gian ngừng thở nhưng sau đó lại thở trở lại cũng với một nhịp thở không đều như bình thường. Ngủ vẫn sâu nhưng răng nghiến chặt, phát thành tiếng kêu hoặc chân tay co giật từng lúc.

Theo bác sĩ Việt Hà, rối loạn giấc ngủ có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, tuy nhiên, thông thường được xếp thành 3 nhóm: Căng thẳng thần kinh; các bệnh lý sẵn có của cơ thể có thể gây rối loạn giấc ngủ; mất ngủ và khó ngủ do ngoại cảnh.

Căng thẳng thần kinh là do áp lực về gia đình, xã hội, môi trường sống đặt cơ thể luôn ở trong trạng thái cảm xúc âm tính, dẫn đến mất ngủ. Các bệnh lý sẵn có của cơ thể có thể gây rối loạn giấc ngủ là do huyết áp cao, nhiễm mỡ xơ mạch, gây thiếu máu não.

Các trạng thái đau ở các cơ quan nội tạng như cơ xương khớp, thần kinh, dạ dày, đại tràng, đau do ung thư. Mất ngủ và khó ngủ do ngoại cảnh là do thời tiết nóng lạnh, tiếng ồn hoặc sử dụng các chất kích thích như trà, cà phê…

Vậy ngủ bao nhiêu được coi là đủ và đảm bảo chất lượng? Theo những nghiên cứu về giấc ngủ được thực hiện tại một số cơ sở bệnh viện đã thống nhất đưa ra kết luận rằng: Dù ở độ tuổi nào, con người cần có thời gian ngủ 7-8 giờ/ngày.

Một giấc ngủ được gọi là tốt khi đó là một giấc ngủ sâu, không hoặc ít bị thức giấc trong đêm, nếu có thức giấc nửa đêm thì vẫn có thể ngủ lại dễ dàng. Quan trọng để nhận biết một giấc ngủ có chất lượng tốt chính là sáng dậy, con người cảm thấy đầu óc minh mẫn và cảm nhận cơ thể mình thật sảng khoái.

Ngược lại, một giấc ngủ kém chất lượng là một giấc ngủ chập chờn, mộng mị, hay bị thức giấc, sau khi thức giấc giữa đêm thì rất khó hoặc mất nhiều thời gian để ngủ trở lại. Kết quả là vào sáng hôm sau, cơ thể sẽ cảm thấy nặng đầu, uể oải và mệt mỏi.

Theo bác sĩ Việt Hà, để có một giấc ngủ sâu, bạn cần tập và rèn luyện lối sống có hệ thần kinh vững vàng, luôn làm chủ cảm xúc trong mọi tình huống, không để tác động tiêu cực nào ảnh hưởng đến cơ thể.

Phòng ngủ phải thoáng mát, không nóng hoặc lạnh quá, nhiệt độ thích hợp với cơ thể và càng yên tĩnh càng tốt. Bạn không nên ăn uống trước khi đi ngủ từ 2 đến 3 tiếng, đặc biệt là đồ uống có chất kích thích như trà, cà phê.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn