Chứng ợ chua khi bị trào ngược dạ dày thực quản có thể gây nguy hiểm rất lớn đối với bệnh nhân. Trào ngược trong khi ngủ có thể gây ra viêm phổi sặc và làm khó thở. Bên cạnh đó, tình trạng ợ chua không được điều trị có thể làm bệnh cao huyết áp trở nên trầm trọng hơn, góp phần gây ra các đợt suyễn hay dị ứng.
Nó còn có thể dẫn tới tổn thương tế bào, một số trường hợp nặng có thể gây loét chảy máu hay ung thư thực quản. Tuy nhiên, tình trạng này có thể thuyên giảm và kiểm soát tốt nếu sử dụng các loại thuốc chữa ợ chua đúng và hợp lý.
Một số người bị mắc trào ngược dạ dày thực quản là do họ không có đủ acid trong dạ dày, do đó, khả năng tiêu hóa của bệnh nhân rất kém và đường tiêu hóa bị mất cân bằng vi sinh.
Trao đổi với bác sĩ để tìm hiểu liệu tình trạng ợ chua của bạn có thể liên quan tới hiện tượng thiếu acid dạ dày hay không. Từ đó có thể sử dụng các enzym tiêu hóa và thực phẩm bổ sung probiotic như một loại thuốc chữa ợ chua hiệu quả.
Các thuốc kháng acid như Tums hay Alka-Seltzer có thể làm giảm triệu chứng của tình trạng khó tiêu không thường xuyên. Nếu tình trạng ợ chua diễn ra thường xuyên hoặc ở mức độ nặng, bạn nên đi khám ở các cơ sở y tế uy tín.
Các loại thuốc kháng acid có thể ảnh hưởng tới khả năng hấp thụ các loại thuốc khác của cơ thể. Hãy uống các loại thuốc khác trước thời điểm uống thuốc kháng acid ít nhất 1 giờ hoặc tốt nhất là sau 4 giờ. Nên trao đổi với bác sĩ về sự tương tác của thuốc kháng acid với các loại thuốc khác trước khi sử dụng.
Các thuốc chặn H2 như các loại thuốc chứa ranitidine (Zantac), cimetidine (Tagamet) và famotidine (Pepcid) có tác dụng kháng các thụ thể histamine, là nơi phát tín hiệu để dạ dày sản sinh acid. Dùng thuốc kháng H2 trước khi ăn để ngăn chặn triệu chứng trào ngược axít, hoặc sau khi ăn để trị ợ chua, ợ nóng. Thuốc kháng H2 là loại thuốc không kê đơn và được bán ở các hiệu thuốc.
Các thuốc ức chế bơm proton như omeprazole (Prilosec, Nexium) có thể ngăn dạ dày không sản sinh acid. Dùng thuốc PPIs trong 2 tuần không chỉ giảm chứng ợ chua mà còn khắc phục các tổn thương trên vách thực quản. Một số thuốc chữa ợ chua PPIs được bày bán không cần đơn, nhưng một số khác đòi hỏi phải có bác sĩ chỉ định mới có thế sử dụng.
Nếu bạn muốn dùng phương pháp tự nhiên thay thế các loại thuốc chữa ợ chua thì nên thử các cách sau đây để có thể giảm ợ chua:
- Uống một thìa canh bột baking soda hòa tan trong nước.
- Ăn quả hạnh nhân tươi giúp cân bằng pH trong dạ dày và giảm ợ chua.
- Mỗi ngày uống vài thìa cà phê giấm táo, giúp hệ tiêu hóa làm việc tốt hơn.
- Uống trà hoa cúc La Mã hoặc uống nước ép cây lô hội.
Từ lâu, con người đã biết dùng thảo dược thay thế các loại thuốc chữa ợ chua để giảm tiết acid trong dạ dày. Trước khi phát minh ra các thuốc chữa ợ chua hiện đại ngày nay như thuốc kháng H2, thuốc ức chế bơm proton, con người chỉ dùng thảo dược để trị chứng trào ngược dạ dày thực quản.
Các loại thảo dược như cam thảo, thiên môn chùm, cây đàn hương, củ gấu, thiến thảo, lá đa tròn, fumaria parviflora (một loại cây thân thảo), ban trắng, xoài Mangifera indica có tác dụng khá hiệu quả trong việc giảm acid dạ dày, chữa lành các vết loét trên màng nhầy của dạ dày và thực quản, giảm các triệu chứng ợ chua do trào ngược.
Tuy nhiên, cần lưu ý luôn hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng phương pháp thảo dược thay thế cho thuốc chữa ợ chua. Một số loại thảo dược có thể tương tác với các loại thuốc khác hoặc gây ra phản ứng phụ không mong muốn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn