Tập thể dục là một ý kiến tốt giúp cơ thể cảm thấy dễ chịu hơn khi đang có những vấn đề về sức khỏe như bị cảm cúm. Tuy nhiên, việc luyện tập cần phải cẩn thận và có những hạn chế nhất định hơn so với khi sức khỏe bình thường. Vậy việc tập thể dục, thể thao khi bị cảm cúm có nên không và các bài tập cho người bị cảm cúm là gì?
Việc giữ và tăng cường sức khỏe thông qua các bài tập thể dục là rất quan trọng. Tuy rằng khi bị bệnh, hoạt động quá nhiều không phải là một ý tưởng tốt, nhưng khi bị cảm cúm thì các bài tập với cường độ từ nhẹ đến trung bình thực sự có thể khiến cơ thể cảm thấy tốt hơn.
Khi đang bị cảm cúm, việc tập thể dục sẽ không gây bất kỳ vấn đề nghiêm trọng nào cho cơ thể của mình nếu như bạn tập luyện đúng cường độ phù hợp và đề phòng thật kỹ một số tình huống rủi ro nhất định có thể xảy ra. Một trong số đó là việc tăng nhịp tim khi hoạt động thể chất.
Như chúng ta đều biết, khi hoạt động thể chất, nhịp tim sẽ tăng cao, và một vài loại thuốc điều trị cảm cúm cũng như vậy. Sự kết hợp này đôi khi có thể khiến tập đập rất mạnh gây khó thở. Do đó cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tập luyện.
Những bệnh nhân mắc các bệnh hen suyễn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ và chuyên gia trước khi thực hiện bất kỳ bài tập thể dục nào. Điều này là do nếu cơ thể không đủ thích nghi với chương trình tập luyện, họ có thể bị căng thẳng nhiều hơn, tim đập nhanh gây ho và khó thở. Đồng thời có thể dễ tái phát cơn hen ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.
Ngoài ra, nếu đang sốt do cảm cúm, bạn cũng nên hạn chế tập thể dục. Hãy quay trở lại luyện tập khi cơ thể đã khỏe hơn. Không làm việc hay tập luyện quá sức vì chúng có thể làm chậm quá trình phục hồi của cơ thể.
Cơ thể cần có thời gian để nghỉ ngơi và phục hồi ngay cả khi bạn đang khỏe mạnh. Do đó việc lạm dụng các bài tập cho người bị cảm cúm cũng có thể gây hại đến sức khỏe, đặc biệt là khi tập những bài tập có cường độ cao hay luyện tập quá sức.
Thực tế, các nhà khoa học đã chứng minh được rằng hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ hoạt động tốt nhất nếu chúng không phải chịu bất kỳ áp lực nào. Một vài nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng những người tập luyện với cường độ cao mà không có thời gian để cơ thể phục hồi sẽ có nhiều nguy cơ mắc bệnh cảm cúm hơn so với những người khác.
Điều này được lý giải như sau: khi lạm dụng các bài tập nghĩa là việc tập luyện đang quá sức với mức chịu đựng của chính bản thân. Lúc này số lượng các tế bào bạch cầu chống nhiễm trùng trong cơ thể có thể giảm xuống. Đồng thời, các hormone gây căng thẳng trong cơ thể có thể tăng lên làm cản trở khả năng hoạt động bình thường của một số tế bào miễn dịch.
Chính vì vậy, việc tập các bài tập cho người bị cảm cúm cần phải tuân thủ theo đúng nguyên tắc, có thể tham khảo thêm ý kiến của chuyên gia hoặc bác sĩ chuyên khoa nếu bạn còn phân vân. Ngoài ra, trong lúc luyện tập nếu gặp bất kỳ một trong các dấu hiệu dưới đây, nên tới gặp bác sĩ càng sớm càng tốt:
- Cảm thấy tức ngực, nhịp tim thay đổi bất thường.
- Ho và khò khè nhiều hơn.
- Khó thở, choáng váng hay chóng mặt.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn