Tác hại của tiểu đêm
Tiểu đêm ở nữ giới làm xáo trộn cuộc sống sinh hoạt, gây cảm giác tự ti, mặc cảm đồng thời khiến sức khỏe sa sút, giấc ngủ bị đảo lộn, tinh thần cũng như thể chất suy giảm trầm trọng, cơ thể xanh xao, mệt mỏi.
Bệnh cạnh đó, tiểu đêm cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh huyết áp, tim mạch và tăng tỉ lệ đột quỵ ở người cao tuổi do phải thức dậy nhiều lần ban đêm. Giấc ngủ của người cao tuổi thường khá ngắn, việc ngủ không ngon giấc vì tiểu đêm vô tình sẽ tạo thành một vòng xoắn bệnh lý khiến sức khỏe của bệnh nhân sa sút thấy rõ.
Nguyên nhân gây tiểu đêm
Nguyên nhân không do bệnh lý:
- Ở phụ nữ có tuổi, do lão hóa khiến khả năng sản xuất hormon chống bài niệu suy giảm làm lượng nước tiểu tăng lên, co thắt bàng quang suy yếu và lỏng lẻo theo thời gian khiến việc giữ nước tiểu trong bàng quang càng khó khăn hơn. Mặt khác, người cao tuổi thường có giấc ngủ ngắn, ít ngủ lại càng dễ gây buồn tiểu.
- Cơ sàn chậu và vùng chậu suy yếu do mang thai và sinh đẻ nhiều lần.
- Tác dụng phụ của thuốc: Như thuốc lợi tiểu dùng trong điều trị tim mạch.
- Uống nhiều nước, rượu, bia, trà hoặc cà phê có tác dụng lợi tiểu nhiều vào buổi tối gây kích thích bàng quang và gây ra tiểu đêm.
- Căng thẳng thần kinh, hồi hộp...
Nguyên nhân do bệnh lý:
Bàng quang rất nhạy cảm và co bóp ngay cả khi chưa chứa đầy nước tiểu, khiến người bệnh có cảm giác buồn tiểu liên tục cả ngày lẫn đêm.
Ngoài ra, viêm bàng quang, viêm thận, suy thận, tiểu đường, suy tim, Parkinson, bệnh phụ khoa cũng gây tiểu đêm.
Chế độ ăn uống khi bị tiểu đêm
- Tăng cường những thực phẩm bổ thận, dưỡng âm như: Táo đỏ, đậu đen, hạt óc chó, vừng đen, gạo nếp cẩm, nhãn, kiwi, nho, dâu tằm, cà chua...
- Với phụ nữ cao tuổi nên ăn nhiều thực phẩm có tác dụng ôn bổ cố sáp (mồ hôi, máu, nước tiểu, phân, khí hư do hư chứng mà hoạt thoát ra ngoài quá nhiều) như: Gạo nếp, màng mề gà (kê nội kim), bong bóng cá, hạt sen, lá hẹ, vừng đen, nhãn, ô mai...; thực phẩm tốt cho người gan mật hỏa vượng như: Gạo nếp, củ từ, hạt sen, màng mề gà (kê nội kim), đậu phụ, ngân nhĩ (mộc nhĩ trắng, nấm tuyết), đậu xanh, thịt gà...
- Tránh ăn những thực phẩm lợi tiểu: Lê, cải thảo, củ cải, bí đao, bầu, mướp, rau muống, các món canh, các món cháo... không uống nhiều nước, trà đặc, cà phê trước khi đi ngủ.
Những món ăn trị tiểu đêm
- Nhân hạt óc chó 30g rang chín, thêm lá hẹ và 200g tôm nõn xào chín ăn.
- Dâu tằm 30g, củ từ, gạo tẻ mỗi loại 100g, hành hoa, gừng bào nhỏ, đường đỏ. Gạo ngâm 30 phút, cho thêm dâu tằm vào ninh gần chín cho củ từ, gừng, hành hoa vào nấu đến chín, thêm đường đỏ ăn.
- Hạt sen, gạo nếp ngâm 2 tiếng, thêm củ từ nấu thành cháo, có thể ăn mặn, ngọt tùy khẩu vị.
- Xương gà 1 bộ, ngô 1 bắp thái khúc, 10 hạt dẻ bỏ vỏ cắt đôi, đổ nước vào nấu chín, nêm gia vị vừa ăn.
- Thịt chó 1kg, quế 20g hầm nhừ trong nồi gốm, rồi lấy thịt chó xào với chút muối và đổ lại nồi nấu ban đầu đun sôi ăn.
- Gan lợn, đậu đen loại hạt lớn lượng bằng nhau nấu với gạo nếp thành cơm ăn buổi tối.
- Nấm hương, táo tàu, đường phèn mỗi loại 40g nấu chín ăn sáng và tối, liên tục 1 tuần làm 1 liệu trình.
Lời khuyên
- Ngoài chế độ ăn uống, để trị chứng tiểu đêm hiệu quả bạn cần xây dựng một cuộc sống lành mạnh, ít lo nghĩ, căng thẳng cũng như stress.
- Áp dụng bài tập Kegels giúp tăng cường các cơ vùng chậu, đặc biệt là những phụ nữ sau thai sản.
- Nhiều loại thuốc sẽ gây tác dụng phụ đến thói quen đi tiểu ban đêm. Do đó, cần nói chuyện với bác sĩ về việc thay đổi thuốc hoặc uống thuốc sớm hơn trong ngày.
- Muốn kiểm soát và điều trị dứt điểm chứng trị tiểu đêm trước khi dẫn tới các biến chứng nguy hiểm thì người bệnh, đặc biệt là phụ nữ cao tuổi nên khám định kỳ thường xuyên để biết rõ được nguyên nhân, mức độ ảnh hưởng.