Những người phụ nữ Nam Sudan thà chết đói còn hơn vào rừng kiếm củi

18:19 | 23/10/2018;
Cuộc nội chiến diễn ra suốt 5 năm qua tại Nam Sudan đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng và hàng chục nghìn người khác phải sơ tán nhà cửa. Ngoài ra còn có những vấn đề nhức nhối người dân phải đối mặt nữa là nạn đói, nạn tấn công tình dục. Tổ chức Ân xá quốc tế cho biết, hàng nghìn phụ nữ và trẻ em gái, thậm chí là cả đàn ông, đã bị hãm hiếp trong cuộc xung đột tại Nam Sudan.
Tội ác chiến tranh
Tổ chức Ân xá quốc tế mới đây đưa ra cảnh báo rằng tình trạng tấn công tình dục tại quốc gia châu Phi này đã đạt đến quy mô lớn và trở nên phổ biến. Nhiều nhà hoạt động xã hội khẳng định, đây không khác gì một tội ác chiến tranh và là sự vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.
 
Binh lính của chính phủ và các nhóm đối lập đều đối mặt với cáo buộc vi phạm luật nhân đạo quốc tế bao gồm giết người, hãm hiếp và các hình thức tấn công tình dục khác. Các vụ tấn công tình dục càng nghiêm trọng khi đi kèm sự kỳ thị sắc tộc. Thế nhưng, thay vì được đồng cảm và giúp đỡ, nạn nhân phải sống trong sự kỳ thị của xã hội và không biết phải nương tựa vào đâu.
a2-sudan-2.jpg
Bà Nykeer Mut bị hãm hiếp khi vào rừng lấy củi

 

Một người Nam Sudan trở về nhà sau khi chạy trốn lực lượng chính phủ đã phát hiện cảnh tượng kinh hoàng: người mẹ bị làm cho mù mắt còn cha bị chặt đầu. Người mẹ tìm cách ngăn binh sĩ chính phủ cưỡng hiếp người con gái 17 tuổi nhưng không thành. 17 binh sĩ sau đó đã làm nhục cô bé.
 
Đó là một trong số nhiều vụ việc kinh khủng được đề cập trong báo cáo mới nhất về những vi phạm nhân quyền trong cuộc nội chiến kéo dài 5 năm qua ở Nam Sudan của Liên hợp quốc. Báo cáo còn kể lại những tội ác kinh hoàng tại Nam Sudan thời gian qua như cưỡng hiếp tập thể, bạo lực sắc tộc... khiến phần lớn quốc gia nghèo khổ này lâm vào cảnh tuyệt vọng. Ngoài ra, báo cáo lần đầu tiên xác định danh tính hơn 40 quan chức quân sự cao cấp và 3 thủ hiến bang đối mặt cáo buộc phạm tội ác chiến tranh và chống lại con người.
a3-sudan-3.jpg
Con gái bà Nykeer Mut chứng kiến nỗi đau của mẹ

 

Trước những bất công đó, những nạn nhân đáng thương của nạn đói, nạn tấn công tình dục vẫn phải sống trong sự vô vọng không biết tới bao giờ mới kết thúc.
 
Nỗi sợ hãi khi vào rừng lấy củi
Tại Nam Sudan, phụ nữ đứng trước hai lựa chọn khó khăn: Vào rừng để kiếm củi nấu ăn đồng nghĩa với việc có thể bị cưỡng hiếp nhưng nếu không đi, họ và gia đình sẽ chết đói.
 
Bên ngoài trại tị nạn lớn nhất Juba, thủ đô Nam Sudan, phụ nữ trong những chiếc váy dài tới mắt cá chân tụ họp thành các nhóm ít nhất 5 người trước khi vào rừng kiếm củi. Họ nói rằng đi cùng nhau sẽ yên tâm hơn. Nếu bất kỳ chuyện gì xảy ra trong rừng, một người trong số họ có thể chạy thoát để báo cho ai đó biết. Sau 4-5 tiếng đồng hồ, họ sẽ trở lại trại nếu “Chúa trời bảo vệ”.
a5-sudan-5.jpg
Phụ nữ và trẻ em ở trại tị nạn

 

Trong 5 năm nội chiến tại Nam Sudan, 1,9 triệu người đã chạy đến các trại tị nạn trong nước, nơi Liên hợp quốc bảo vệ họ và cung cấp thực phẩm. Nhưng để nấu ăn, phụ nữ phải đi kiếm củi. Bà Nykeer Mut, trưởng nhóm phụ nữ tại một khu vực trại, cho biết khi phụ nữ vào rừng, binh lính quân đội đã chờ sẵn sau những bụi cỏ cao và cây cối để cưỡng hiếp họ. Nếu đàn ông vào rừng, họ có nguy cơ bị giết hơn là bị cưỡng hiếp. Ngay cả khi không có nguy cơ trên cho đàn ông, định kiến xã hội tại Nam Sudan vẫn đẩy việc lấy củi cho phụ nữ nhiều hơn.
 
Liên hợp quốc ước tính số phụ nữ tại trại tị nạn bị cưỡng hiếp khoảng 70%. Từ khi mâu thuẫn nổ ra năm 2013, quân đội Nam Sudan vướng phải nhiều cáo buộc sử dụng tình dục như một thủ đoạn trong chiến tranh. Ngày bà Mut trở thành nạn nhân, nhóm của bà tập trung gom củi để mau chóng trở về trại sớm nhất có thể. Khi binh lính nhảy ra khỏi bãi cỏ, họ cố gắng chạy thoát nhưng con gái 10 tuổi của Mut dễ dàng bị bắt. “Tôi không thể để con lại”, bà kể. Khi lính trói tay bà sau lưng, họ bảo nhau rằng con của bà trông còn quá bé và quyết định “hãy chỉ cưỡng hiếp người mẹ”. Bé gái bị ép phải chứng kiến cảnh tượng hãi hùng khi mẹ bị đẩy ngã xuống đất.
 
“Không chỉ có cưỡng hiếp, chúng tôi còn ghi nhận được các vụ bắt cóc và sát hại”, Christine Ayoo, người đứng đầu Ủy ban Cứu trợ Quốc tế, nói. Chính phủ Nam Sudan hiện chưa phản hồi yêu cầu bình luận.
 
Trận đói hoành hành tại Nam Sudan đang đe dọa tính mạng của khoảng 5,7 triệu người, trong lúc các tổ chức nhân đạo loay hoay tìm cách cứu trợ khẩn cấp. Trong năm nay, 20.000 người đã chạy tới quốc gia láng giềng Ethiopia để trốn cái đói và bất ổn trong nước. Theo Mut, Ayoo và nhiều người khác, nếu các gia đình được cấp than hoặc củi, không ai sẽ phải mạo hiểm đi ra ngoài nữa.
a6-sudan-6.jpg
Phụ nữ Nam Sudan đi lấy củi

 

Tuy nhiên, Liên hợp quốc mới chỉ nhận được 1/5 số quỹ mà tổ chức này kêu gọi. “Chúng tôi hoàn toàn thiếu nguồn lực để cứu mạng sống của mọi người”, Andrea Cullinan - Điều phối viên về bạo lực giới của Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Nam Sudan, nói. Ông Cullinan cho biết thêm các tổ chức xã hội có thể tìm các biện pháp thay thế như dạy người dân tạo chất đốt từ phân động vật hoặc cỏ. Dù vậy, các biện pháp này không giải quyết được vấn đề cốt lõi của nạn hiếp dâm. “Đó là bất bình đẳng giới. Nếu phụ nữ không phải chịu những định kiến truyền thống thì bạo lực giới đã không xảy ra”, ông Cullinan nhận định.
 
Đối với các bé gái tại Nam Sudan, việc đi học gặp rất nhiều khó khăn. Trên thực tế, vào tuổi thiếu niên, các em có thể đã lấy chồng thay vì đi học bậc tiểu học. Phụ nữ được kỳ vọng trở thành những người chị, người vợ vâng lời với nghĩa vụ chăm con và nấu ăn. Đó là lý do phụ nữ vào rừng kiếm củi. Nữ giới chịu gánh nặng phải tự bảo vệ bản thân. Họ được dặn là cẩn thận với những hành động của mình, để ý xung quanh và nếu có thể thì không mạo hiểm ra khỏi trại.
 
Buổi chiều, phụ nữ trở về trại với những bó củi nặng tới 60 kg trên đầu, nhưng sức nặng này không thấm vào đâu so với gánh nặng tâm lý họ phải chịu mỗi khi vào rừng. Bà Mut không còn tới rừng nữa kể từ vụ tấn công. Bà dùng số tiền tiết kiệm ít ỏi để mua củi từ những phụ nữ khác. Khi được hỏi chuyện gì sẽ xảy ra khi hết tiền, bà nhìn đăm đăm vào mảng tường của ngôi nhà đất. Mut chỉ biết chắc chắn bà và con gái sẽ không bao giờ vào rừng lần nữa. “Tôi thà chết đói”, bà Mut nói.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn