Những thầy cô làm bạn với học trò

18:19 | 30/10/2017;
“Lúc đầu tôi chọn ngành sư phạm không hẳn vì yêu. Nhưng vài năm đi dạy, tôi nhận ra rằng, chơi và làm bạn với trẻ con thật thú vị", thầy Lê Đức Dũng, Hiệu trưởng trường Tiểu học Xuân Đường (H.Cẩm Mỹ, Đồng Nai) chia sẻ.

Vị hiệu trưởng được học trò gọi là ông

Hiệu trưởng trường tiểu học Xuân Đường, thầy Lê Đức Dũng, người có gần 40 năm đi dạy, trên đầu đã hai thứ tóc, nhưng nụ cười luôn thường trực trên môi khi nhắc đến học sinh, khiến người đối diện càng hiểu hơn tình yêu nghề, yêu học trò rất đáng quý của thầy.

“Cho đến bây giờ, thi thoảng xuống dạy tụi nhỏ, tôi vẫn được các em gọi là ông. Tôi thấy không vấn đề gì, thậm chí là vui. Chơi với trẻ con bao giờ cũng vui và thú vị, chính sự thú vị này khiến tôi cảm thấy luôn gắn bó với nghề!” - thầy Dũng nói.

Thầy Lê Đức Dũng hóm hỉnh vui tươi khi nói về học trò của mình. Ảnh: T.Hùng

Sự thú vị được thầy Dũng dẫn chứng, đó là trẻ con – những học trò tiểu học của thầy, thì không cần phải đề phòng. Hơn nữa, trẻ con luôn hướng thượng, điều tốt đẹp dễ được các em tiếp thu. “Lỡ mà làm mất lòng trẻ con thì các em cũng là cái cớ để mình… “núp” tội nữa” – thầy hóm hỉnh.

Các câu chuyện của thầy, kể cả sự sáng tạo mà thầy được nhận giải thưởng cao quý của Bộ GD&ĐT, đều xuất phát từ chính học trò. Đó là ý tưởng “vận dụng một số đểm tích cực của mô hình trường học mới (VNEN) vào hoạt động giáo dục”.

Bằng cách đặt mình vào vị trí của học trò, thầy Dũng nhận ra rằng, lớp học thường có 3 đối tượng: HS thông minh thầy cô không cần nói nhiều cũng hiểu, HS vừa đủ thông minh để thầy cô nói đâu hiểu tới đó và HS dù thầy cô nói đến đâu cũng không hiểu được nội dung bài học.

Từ cách nhìn nhận này, thầy Lê Đức Dũng đã vận dụng một điểm tích cực nhất của mô hình VNEN, đó là vận dụng bộ SGK đã được soạn bài sẵn để HS tiếp cận. Từ cách phân nhóm trên, thầy chia ra có khoảng 2/3 HS học được rồi có thể tự đọc để làm bài, GV chỉ cần “liếc mắt” kiểm tra bài. 1/3 số HS  còn lại không thể tự học được từ SGK thì GV sẽ tập trung hỗ trợ số này. Như vậy, cách làm này đã giúp GV dồn lực cho HS có học lực kém hơn để hỗ trợ tốt, giúp các em tiến bộ.

“Có một lần cha mẹ đến lớp xem cách các con học theo mô hình liền nói với tôi: Con tôi giờ hơn chúng tôi rồi! Tôi hỏi hơn điểm gì, họ bảo: Ngày xưa tôi cũng đi học, giao cho tôi “chỉ đạo” một nhóm chắc tôi ú ớ luôn.

Nhưng bây giờ nhìn các em học theo nhóm, trong nhóm đó các em tự biết ai có thể làm việc gì, biết lắng nghe nhau. Đó chính là các em có kỹ năng mềm! Kỹ năng mềm này theo tôi là có giá trị lớn hơn việc học đạt điểm tốt rất nhiều! Một em nếu học tốt dến đâu nhưng ra ngoài thụ động thì tôi nghĩ đó là thất bại” - thầy Lê Đức Dũng chia sẻ.

Sau hai năm áp dụng dạy SGK của mô hình VNEN, như một cách “lội ngược dòng” khi mô hình này gặp không ít phản ứng, bản thân nhiều GV khác trong huyện Cẩm Mỹ thừa nhận rằng, cách này có thể làm được và mang lại hiệu quả thật sự chứ không hề hình thức.

Với tình yêu học trò, tâm huyết với nghề, thầy Dũng đã chọn cách làm bạn với HS của mình như vậy. Dù tóc đã hoa râm, vị hiệu trưởng thân thiện vẫn ngày đêm ấp ủ những ý tưởng mới để nâng cao chất lượng dạy và học của trường.

Chào và “seo phi” với học trò

Đó chính là thầy Nguyễn Quốc Bình- Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức (Hà Nội), vị hiệu trưởng chọn cách làm bạn với học sinh khi xóa tan khoảng cách giữa một lãnh đạo cao nhất trường và các học trò thân yêu.

Cách làm của thầy không có gì cao siêu, đó là trong suốt 20 năm qua, mỗi khi rảnh, thầy Nguyễn Quốc Bình lại ra đứng ở cổng trường, chào và nhắc nhở học trò trước khi vào lớp cũng như lúc tan học. Đó có thể là buổi sáng sớm khi chỉ lác đác vài bóng HS đi học sớm, đó cũng có thể là buổi tối nhá nhem, khi nhà nhà đã lên đèn và quây quần bên mâm cơm. Học trò vẫn thấy thầy Bình đứng đó, đưa tay chào với nụ cười gần gũi.

Thầy Bình luôn chào học sinh và dặn dò các em ở cổng mỗi lúc rảnh rỗi, trong suốt 20 năm qua.
 

Năm 1994, thầy Bình kiêm nhiệm vụ giám thị và thường đứng ở cổng trường để dặn dò, nhắc nhở HS. Khi trở thành phó hiệu trưởng, thầy vẫn duy trì thói quen này.  Ban đầu, thầy đứng nhắc nhở các bạn trẻ chấp hành nội quy về trang phục, đầu tóc, đội mũ bảo hiểm hay ngăn các em đánh nhau.

Khi đã là Hiệu trưởng của một trường THPT có tiếng ở Hà Nội, thầy Bình vẫn giữ những thói quen từ trước. Lễ khai giảng, thầy còn hào hứng cầm máy ảnh chụp “seo phi” với học trò khiến các em vô cùng thích thú.

“Từ lúc còn chưa là HS của trường, em đã được thầy chào đón ở cổng rồi. Lúc đó, em không biết thầy là hiệu trưởng đâu. Thầy em tâm lý lắm” -  nữ sinh Nguyễn Trang Linh, lớp 11 của trường tự hào khi nói về người thầy của mình.

Hình ảnh gần gũi của thầy Bình khi "seo phi" cùng học trò. Ảnh: Anh Tuấn

Nói là giản đơn, nhưng có thật sự giản đơn? Ở Hà Nội, có được mấy Hiệu trưởng có hành động gần gũi với học trò nhưng khiến các em xúc động, biết ơn đến vậy?

Thực ra, việc chào HS của những lãnh đạo trường ở Hà Nội vài năm gần đây bỗng… nở rộ. Từ trường hợp của một trường học, nhiều trường nhận thấy hiệu quả và học hỏi cách làm, từ đó nâng dần số lượng những hình ảnh đáng yêu này.

Tại trường mẫu giáo Hữu nghị Việt Triều (Hà Nội), mỗi buổi sáng đều có các cô giáo của trường đón HS từ rất sớm ở cổng. Trời mưa, các cô còn dùng ô để che cho HS, đưa các em vào lớp.

Có con học tại trường suốt 3 năm học, chị Thu Hà – một phụ huynh của trường cho biết, con chị luôn muốn đi học sớm chỉ để được các cô đón.

“Thi thoảng, tôi thấy cô Hiệu trưởng đón các con ở cổng, hỏi han phụ huynh, cười rất tươi. Dù không phải thường xuyên, bởi tôi biết cô rất bận, nhưng mỗi lần như thế tôi lại thấy ấm lòng. Tôi tin là con tôi cũng có cảm nhận giống mình khi nhìn thấy hình ảnh ấy!” – chị chia sẻ.

Chắc chắn, những GV chọn cách làm bạn với học trò, xóa tan khoảng cách trịnh thượng, được các em xem như những người bạn lớn, vừa gần gũi thân thiện, nhưng cũng đầy sự nể trọng, sẽ góp phần tạo nên một môi trường giáo dục đầy nhân văn.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn