Hằng có cảm giác như mình bị mẹ chồng đoạt mất con (Ảnh minh họa) |
Ai cũng vui cho bà Hà khi có được một cô con dâu ngoan hiền, chăm chỉ như Hằng. Từ ngày có con dâu bà Hà có thêm một người tâm sự, bầu bạn. Con dâu bà ít nói nhưng luôn biết cách lắng nghe và chia sẻ. Hằng hiểu rõ sở thích của từng thành viên trong gia đình và nấu ăn rất khéo.
Rồi Hằng có thai. Bà Hà là người vui mừng hơn cả. Tuy vậy bà lại vẫn thể hiện bình thường như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Bà quan niệm rằng cái thai dưới 3 tháng thì không nên cho nhiều người biết cũng như nhắc đến nhiều. Bà sợ ảnh hưởng không tốt đến cả mẹ lẫn bé. Nhưng biểu hiện của bà lại như một gáo nước lạnh dội thẳng vào lòng Hằng. Cô cứ nghĩ mẹ sẽ mừng ra mặt, sẽ dặn dò cô này kia, sẽ quan tâm cô hơn chút nữa, nhưng nào ngờ... “Chẳng lẽ mẹ không vui khi có đứa cháu này?”, Hằng thầm nghĩ. Ý nghĩ ấy cứ ám ảnh trong lòng khiến Hằng chẳng lúc nào được thoải mái vui vẻ. Khoảng cách giữa cô và mẹ chồng ngày càng xa hơn 1 chút.
Qua 3 tháng “kiêng cữ”, bà Hà bắt đầu hỏi han Hằng và dặn dò đủ mọi thứ. Đáp lại thái độ quan tâm, nhiệt tình của mẹ chồng, Hằng thờ ơ vâng dạ. Cô tự hỏi tại sao mẹ chồng lại nhắc nhở cô nhiều như vậy. Trước đây không hề đả động gì đến sao giờ lại quan tâm? Cảm giác khó chịu dần bủa vây quanh cô.
Vốn tính gần gũi, thân thiện, bà Hà không cho rằng con dâu đang trách mình mà chỉ nghĩ là do Hằng mang thai mệt mỏi. Thấy con dâu ăn những đồ không tốt, bà lên tiếng nhắc nhở. Bà đâu ngờ sự quan tâm của mình ngày càng trở thành cái gai trong mắt con dâu.
Đứa con trai chào đời khiến Hằng hao tốn không ít sức lực. Nhưng điều đó chẳng thấm vào đâu so với niềm hạnh phúc được làm mẹ. Cô yêu con. Cô có thể nhìn ngắm con hàng giờ đồng hồ. Cô muốn được gần gũi, được tự tay chăm sóc bé. Ấy vậy mà mỗi khi bé tỉnh ngủ, ọ ẹ là bà Hà chạy ngay vào phòng, giành lấy phần bế và dỗ cháu. Bà bảo, phụ nữ sau sinh cần nghỉ ngơi nhiều, tránh ngồi bế con lâu kẻo sau này dễ đau lưng, ê xương.
Ban đầu Hằng cảm thấy biết ơn mẹ chồng lắm nhưng càng ngày cô càng cảm thấy khó chịu. Mỗi lần con khóc, cô muốn dỗ con, nhưng bị mẹ chồng “giành” mất. Tắm cho con, ru con ngủ, thay tã cho con mẹ chồng cũng không để cô đụng tay vào. Cảm giác là một người mẹ thất bại, cảm giác bị đoạt mất con cứ lớn dần trong lòng. Cô ngày càng tỏ ra khó chịu với bà. Đôi khi nhìn thấy bà buồn bà, lầm lũi làm việc một mình cô chột dạ “Phải chăng mình hơi quá đáng?”.
Ngày hôm ấy sau khi cho con đi tiêm phòng về, buổi chiều con sốt li bì, người nóng ran, không chịu bú sữa. Thấy cháu quấy khóc, bà Hà vội bỏ công việc chạy vào ôm lấy cháu rồi cưng nựng. Được mà nội dỗ thằng bé nín dần và chìm vào giấc ngủ. Hằng ghen tị và cảm thấy thất bại. Khi cô đòi bế con thì bà Hà bảo để bà ôm cháu cho chứ giờ cháu mệt, đặt xuống nó không chịu. Như giọt nước tràn li khiến cô bùng phát mọi ấm ức từ trước tới nay. Cô giằng lấy con từ tay bà rồi nói những lời lẽ nặng nề. Bà Hà như chết sững. Bà lặng lẽ quay đi, âm thầm gạt nước mắt.
Đêm hôm ấy một mình Hằng “vật lộn” cùng con. Thằng bé ngủ được một lúc lại dậy rồi đòi bế, đòi ru. Hằng chỉ được ngủ những giấc ngắn, chập chờn. Ngồi bế con đau lưng, mỏi tay lại buồn ngủ khiến cô mệt nhoài. Nghĩ tới những khi được bà giúp đỡ cô mới biết mình may mắn đến nhường nào. Ấy vậy mà cô còn nghĩ xấu cho mẹ chồng.
Lặng lẽ ôm con vào phòng mẹ, Hằng nói lời xin lỗi. Thì ra bà Hà vẫn chưa ngủ. Nghe tiếng cháu thức giấc, bà muốn sang nhưng lại đành dằn lòng xuống. Thấy Hằng bà mỉm cười: “Mẹ hiểu cảm giác của một người mẹ như con. Mẹ cũng xin lỗi vì đã không chia sẻ để con hiểu rõ hơn. Trong lòng mẹ, các con vẫn luôn rất quan trọng”. Nghẹn ngào đến không nói thành lời, Hằng chỉ biết nắm thật chặt tay mẹ mà khóc.