Nữ phóng viên chiến trường: Cuộc dấn thân nơi máu lửa

11:10 | 21/06/2017;
Với lòng yêu nghề và nhiệt huyết, họ đã vượt qua bao hiểm nguy để bám trụ nơi những mảnh đất máu lửa, truyền tin nóng cho thế giới hiểu rõ hơn bản chất của chiến tranh. Tin bài của họ được viết bằng máu và nước mắt...
Nhưngx bản tin nơi chiến địa

Từng giành giải thưởng “Can đảm trong báo chí’ gương mặt phóng viên Arwa Damon của hãng tin Mỹ CNN. Gần 15 năm qua, Arwa Damon đã lăn lộn qua các chiến trường Trung Đông, có mặt trong các cuộc biểu tình, chiến tranh, xung đột và các cuộc tấn công khủng bố. Cô là người đã chứng kiến cảnh điêu tàn, đổ nát vì bom đạn ở Libya, Ai Cập, Syria và Iraq.
arwa-damon-4.jpg
Phóng viên Arwa Damon

Chính cô đã nhiều lần thoát khỏi làn đạn, pháo kích. Trong bộ phim tài liệu “Tại miền đất chết: Những người phụ nữ Iraq”, Damon cho hay: “Việc tất cả người Mỹ đều mệt mỏi với cuộc chiến này đã không còn là bí mật. Điều này khiến công việc của những người đưa tin chúng ta càng trở nên quan trọng và cần thiết”. Bằng những con chữ mượt mà mà đanh thép, cô đã kể lại câu chuyện, tâm sự chân thật của những nhân chứng sống sót sau xung đột, nỗi đau chiến tranh vẫn còn hiện diện trên thân thể của những nạn nhân vô tội. 

Xúc động nhất là câu chuyện về một cậu bé Youssif 5 tuổi bị đốt cháy trong một cuộc tấn công tàn bạo ở Iraq. Khuôn mặt của Youssif đã bị biến dạng với những vệt sẹo chằng chịt như hàng trăm vết chém ngang dọc. Nhờ các bài viết của Damon, Youssif đã được các tổ chức từ thiện biết đến và đưa sang Mỹ phẫu thuật, trải qua hành trình tìm lại nụ cười. Youssif mong ước sẽ làm bác sĩ để giúp đỡ mọi người trên quê hương mình.

arwa-damon-3.jpg
Arwa Damon tiếp xúc với phụ nữ địa phương

 Nữ phóng viên chiến trường Clarissa Ward cũng của đài CNN cũng không kém phần can trường. Cô đã giành được giải thưởng báo chí Peabody. Chị đã 14 lần có mặt tại đất lửa Syria. Khi được hỏi có sợ hãi không khi làm phóng viên chiến trường ở Syria, Ward thừa nhận: “Nếu nói không sợ là ngốc nghếch và có lẽ không nên đến đó. Sự kiện xui khiến tôi làm công việc này là vụ khủng bố 11/9 khi tôi đang học ở Trường Đại học Yale. Tôi nghĩ rằng sự ngạo mạn là điều nguy hiểm nhất đối với phóng viên chiến trường. Thế nhưng, tôi cảm thấy mình có trách nhiệm ở một mức độ nào đó là chứng nhân của sự khổ đau và nói với mọi người về điều đó, kể ra những câu chuyện của con người. Ít nhất, đó là điều nhỏ nhoi tôi có thể làm”.

clarissa-ward-1.jpg
Nữ phóng viên Clarissa Ward ở Syria

 Ward cho biết ở Syria, cô luôn mặc bộ áo dài và trùm khăn kín mít như phụ nữ Hồi giáo. “Tôi sẽ bị bắt cóc nếu người ta biết tôi là nhà báo phương Tây và khi tôi ăn mặc như vậy thì chẳng ai thèm nhìn 2 lần. Ngay cả ở các nước khác, nơi ăn mặc giống như thế sẽ bị coi là kỳ quặc, tôi sẽ luôn mặc trang phục... rất bảo thủ. Tôi cảm thấy làm công việc của mình tốt hơn nếu không là tâm điểm chú ý của mọi người” - Ward kể về chuyện ăn mặc khi tác nghiệp ở Syria.

Để thực hiện chương trình “60 phút”, có lần Ward đối mặt một thủ lĩnh thánh chiến với đoạn băng video quay cảnh thuộc hạ y hành quyết các binh sĩ Syria sau khi y lặp đi lặp lại rằng bọn họ không làm điều đó. Ward chợt cảm thấy hoảng sợ vì lúc đó cô đang ở trong nhà y. Ward đã nảy ra một số phương án tự bảo vệ trước tình huống nguy hiểm. Thế nhưng, cô đã may mắn thoát thân do tay thủ lĩnh tỏ ra kinh ngạc khi được cho xem đoạn băng video trước khi y kịp làm một điều gì đó vì nổi giận.
clarissa-ward-2.jpg
Clarissa Ward giữa mảnh đất đổ nát vì xung đột ở Syria

Với Ward, cô tự hào cho biết nữ phóng viên có thể tiếp cận 50% dân số Syria mà các đồng nghiệp nam không thể. Theo cô, phụ nữ thường cởi mở hơn và trò chuyện về ảnh hưởng thực sự của cuộc chiến tranh cũng như về nỗi mất mát. "Tôi cảm thấy may mắn khi là phụ nữ. Điều đó giúp đỡ tôi trong công việc và đã cho tôi cơ hội tiếp cận với khía cạnh thương tâm của câu chuyện", cô chia sẻ. 

iryna-khalip.jpg
Nữ nhà báo Iryna Khalip nhận giải thưởng " Nhà báo can đảm"

 Thế giới còn dõi mắt theo những nhà báo can trường khác như Iryna Khalip. Với tư cách phóng viên-biên tập viên tờ Novaya Gazeta, Khalip đã lăn lộn với nghề hơn 15 năm tại Belarus. Từng bị bắt, bị dựng dậy nửa đêm để thẩm cung, bị cảnh sát đánh bầm dập và bị theo dõi thường xuyên, cô vẫn không run tay khi cầm bút. Khalip vẫn yêu đời, hy vọng thế giới là nơi “bạn không phải sợ hãi, mà là nơi để yêu thương, để sinh đẻ, để đi ngủ mỗi đêm, để nói chuyện cởi mở và chống lại bất công, để sống và nuôi dạy con cái trong đất nước của mình, để trở thành người có chuyên môn và trở thành công dân. Và thế giới thật sự không phải là nơi bạn phải sợ hãi vì mình là phụ nữ”.

 
Đấu tranh vì nữ quyền 
Sống trong một đất nước nhiều nguy hiểm bởi các cuộc xung đột sắc tộc, của Afghanistan, nữ phóng viên Farida Nekzad vẫn ngày đêm điều tra về các vụ việc nổi bật trong xã hội, đưa chúng ra ánh sáng công lý. Bà luôn đối mặt với sự đe dọa của các tổ chức cực đoan và nhiều lần bị bắt cóc. Với bà, còn sống là còn cống hiến, còn đấu tranh. Bà là Giám đốc Cơ quan báo chí độc lập Wakht ở Afghanistan. Bà đã giúp đào tạo gần 200 nhà báo nữ với tinh thần thép, cống hiến hết mình vì công lý.
Bất chấp những vấn đề nhạy cảm chính trị, Farida và cơ quan tin tức Wakht quyết tâm sẽ cố gắng cung cấp các thông tin nóng hổi về các sự kiện trên đất nước với sứ mạng cải thiện đời sống chính trị-xã hội, giúp khai thông nhận thức cho phụ nữ Afghanistan. Theo bà, chỉ có kiến thức mới làm thay đổi trọn vẹn tương lai của một dân tộc.
farida-nekzad.jpg
Bà Farida Nekzad - Giám đốc Cơ quan báo chí độc lập Wakht ở Afghanistan


Năm 2008, bà được trao giải Báo chí can đảm và tháng 8/2011, hãng tin CNN đã bình chọn Farida Nekzad là nữ nhà báo có tầm ảnh hưởng nhất năm 2011. Nekzad không chỉ can đảm mà còn là tấm gương cho các nhà báo nữ khắp thế giới, đặc biệt tại những nơi mà thân phận phụ nữ còn bị chà đạp và sự bình đẳng giới chỉ tồn tại như một khái niệm đẹp đẽ nhưng xa vời. Sự biểu dương tên tuổi những nhà báo nữ can đảm tương tự Nekzad còn giúp giới truyền thông thêm ý chí đi đến tận cùng của chân lý và sự thật.

lydia-cacho-ribeiro.jpg
Nhà báo Lydia Cacho Ribeiro

Đi trên tuyến đầu tranh đấu cho nữ quyền ở Mexico là nhà báo Lydia Cacho Ribeiro. Năm 2000, bà lập ra “Centro Integral de Atención a las Mujeres” (Trung tâm chăm sóc toàn diện cho phụ nữ), để chăm sóc cho các phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình và lạm dụng tình dục. Với tư cách phóng viên tạp chí Dia Siete, Cacho đã thâm nhập vào đường dây kinh doanh tình dục trẻ vị thành niên dính líu đến một ngài thống đốc. Từ đó, cô viết nên quyển sách nổi tiếng “Những con quỷ ở vườn địa đàng” tố cáo lên những mặt trái của giới quan trường. Đối mặt với nhiều lần tù tội, bà vẫn không rời tay khỏi ngòi bút diệu kỳ đấu tranh vì quyền lợi cho nữ giới.  

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn