Nút rối khó gỡ của Tổng thống Park Geun-hye

19:51 | 03/11/2016;
Nữ Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đang chịu áp lực từ các đối thủ chính trị lẫn công chúng đòi bà phải từ chức vì bê bối liên quan tới người bạn thân Choi Soon-sil. Bà Park còn đối mặt với nguy cơ bị điều tra…
“Trăm dâu đổ đầu tằm”
park-geun-hye-3.jpg
Tổng thống Park Geun-hye đối mặt với vụ bê bối được gọi là "Choigate"
Bê bối “Choigate” khiến tỉ lệ ủng hộ Tổng thống Park Geun-hye tuột dốc không phanh từ 34,2% xuống 9,2%. Ông Shin Yul - Một giáo sư cánh hữu tại Đại học Myongji gọi đây là cuộc khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử Hàn Quốc. Ở nước này từng có nhiều vụ bê bối nổ ra dính líu chính trị - giới làm ăn nhưng chưa có tổng thống nào bị buộc từ chức hoặc bị luận tội.

Thế nhưng, trong lần này, các đối thủ chính trị lẫn công chúng đều đòi bà Park phải từ chức và bị điều tra. Nghị sĩ Park Jie-won, lãnh đạo lâm thời của đảng Nhân dân đối lập, kêu gọi một cuộc điều tra mở rộng nhằm vào Tổng thống Park Geun-hye. “Một cá nhân hay là một sự cải tổ nội các cũng sẽ không xoa dịu được búa rìu dư luận. Cách duy nhất để giảm nhiệt là bà Park sẵn sàng hợp tác điều tra”.

Trong khi đó, ông Park Kyung-mee - Phát ngôn viên của Đảng Dân chủ Hàn Quốc cho rằng những báo cáo mới công bố gần đây là bằng chứng cho thấy Tổng thống Park Geun-hye có dính líu nhiều hơn tới bà Choi Soon-sil chứ không đơn thuần là để người bạn lâu năm này chỉnh sửa các bài phát biểu tổng thống. “Không ai có thể chấp nhận kết quả điều tra mà không có thẩm vấn Tổng thống Park”, ông Kyung-mee nói. Tuy nhiên, bên công tố và Nhà Xanh (dinh tổng thống) cho rằng việc điều tra tổng thống vì bất cứ cáo buộc nào cũng chưa từng có tiền lệ.
park-geun-hye-4.jpg
Tân thủ tướng Kim Byong Joon lau nước mắt sau khi khóc tại buổi họp báo ngày 3/11 về việc xem xét liệu có điều tra bê bối đối với Tổng thống Park Geun-hye 
Trước sự việc này, tân thủ tướng Kim Byong-joon cho biết cuộc điều tra về việc nữ Tổng thống Park có thể xảy ra song điều này phải được thực hiện một cách thận trọng vì bà Park vẫn đang là nhà lãnh đạo đương nhiệm.

Nếu người chị em Choi Soon- Sil bị công tố viên buộc tội vi phạm Đạo luật Văn khố Tổng thống và làm lộ bí mật nhà nước, bà Park cũng không tránh khỏi liên can. Tuy nhiên, điều 84 của Hiến pháp Hàn Quốc quy định: “Tổng thống sẽ không bị buộc tội hình sự trong nhiệm kỳ mà mình đang điều hành ngoại trừ tội nổi loạn hoặc phản quốc”.

Trong phiên điều trần trước Quốc hội, Bộ trưởng Tư pháp Kim Hyun Woong khẳng định điều này có nghĩa tổng thống không thể là đối tượng của một cuộc điều tra hình sự và bà Park được miễn khỏi một cuộc điều tra như vậy.

Thế nhưng, một số luật sư và học giả cho rằng việc điều tra bà Park là cần thiết. Trong một tuyên bố mới đây, Đoàn Luật sư Seoul nhận định điều 84 của Hiến pháp không thể được coi là căn cứ để loại trừ một cuộc điều tra hình sự với tổng thống.
 
Bà Park bị yêu cầu từ chức

Ngày 3/11, nhiều nghị sĩ đảng Dân chủ Hàn Quốc cũng yêu cầu Tổng thống Park Geun-hye từ chức. Các nghị sĩ này cho rằng bà Park tiếp tục làm tổng thống có thể gây ra sự hỗn loạn và khiến tình hình đất nước rơi vào bế tắc. Thế nhưng, theo luật của Hàn Quốc, nếu Tổng thống Park từ chức, một cuộc bầu cử tìm người thay thế sẽ được tổ chức trong vòng 60 ngày và người thắng cuộc sẽ phục vụ cho nhiệm kỳ (duy nhất) 5 năm.

Các nhà phân tích cho rằng đảng đối lập chưa chuẩn bị tình huống để có thể đảm nhận trách nhiệm từ tay đảng cầm quyền trong một cuộc bầu cử sớm như vậy. Cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc theo kế hoạch sẽ diễn ra vào tháng 12/2017. “Nếu bà Park từ chức, điều này sẽ khiến mọi người rối loạn do vẫn đang tập trung trí lực vào việc chuẩn bị cho cả một năm vận động tranh cử", ông Kim Man Heum, người đứng đầu Học viện Chính trị và Lãnh đạo Hàn Quốc, nhận định.
park-geun-hye-1.jpg
Những giọt nước mắt buồn của bà Park Geun-hye 
Bà Park hiện không đồng ý từ chức vì nhiệm kỳ 5 năm của bà Park kết thúc tháng 2/2018. Tuy nhiên, 15 tháng còn lại trong nhiệm kỳ của bà Park cũng sẽ rất nặng nề. Việc đưa ông Kim Byong Joon làm thủ tướng đồng nghĩa với việc Tổng thống Park sẽ "lui lại tuyến sau".

Đây là động thái mà bà chấp nhận trở thành nhà lãnh đạo không nắm thực quyền nhằm bù đắp những lỗ hổng trong chính quyền do vụ bê bối "Choigate" gây ra. Điều này dẫn đến sự phân quyền trong chế độ tổng thống dưới thời bà Park Geun Hye. Tân thủ tướng Kim sẽ được xem như một "tổng thống đối nội" và chịu trách nhiệm với mọi quyết sách trong nước, trong khi bà Park phụ trách lĩnh vực đối ngoại.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn