Trà My (SN 1992, sống tại Hà Nội) cho biết, bình thường, khi gối bẩn, chị chỉ lột ra giặt vỏ ngoài, không để ý bên trong ruột gối. “Nhưng hôm nay, do bị đổ nước vào gối nên ngoài việc giặt vỏ gối, mình cũng lấy kéo rạch đường chỉ của lớp vải trắng (vỏ bọc ruột gối được may kín) để tháo bông ra mang đi phơi, đồng thời mang lớp vải trắng đi giặt, thì bỗng phát hiện bên trong ruột gối tòan vải vụn, xốp, miếng mút bọc hoa quả...".
Trà My cho biết đã mua chiếc gối này cách đây hơn 1 năm, ở một cửa hàng chăn ga gối đệm bình dân nhưng không nhớ mua hết bao nhiêu tiền.
Trà My phát hiện ruột gối bông của mình tòan vải vụn, xốp, miếng mút bọc hoa quả... |
Hiện mọi người trong gia đình Trà My đã chuyển sang dùng gối hơi nhưng vì cô không nằm được gối cao nên vẫn dùng gối bông. "Cầm chiếc gối này thấy nặng nặng nhưng mình lại nghĩ chắc tại gối bông nên nặng hơn gối hơi, chứ không nghĩ là do trong gối... toàn rác thế này" - Trà My phân trần.
Lâu nay, Trà My thường bị nổi mụn hai bên má. "Có thể việc dùng chiếc gối này là nguyên nhân khiến mặt mình bị nổi đầy mụn" - Trà My nói.
TS Nguyễn Duy Hưng, Bệnh viện Da liễu TƯ, Tổng thư ký hội Da liễu Việt Nam cho biết, ông từng gặp khá nhiều bệnh nhân bị dị ứng do chăn, gối kém chất lượng. Biểu hiện của các bệnh nhân thường là ngứa da đầu, nổi mụn nước ở đầu hoặc mặt.
Theo TS Nguyễn Duy Hưng, những chiếc gối được làm bằng chất liệu bông, vải phế liệu kém chất lượng, chứa nhiều vi khuẩn nấm mốc, sau một thời gian sử dụng bị thấm mồ hôi nên nấm mốc, vi khuẩn càng sinh sôi, nảy nở, dễ lây nhiễm qua da đầu của người sử dụng. Chưa kể những loại bông này còn có thể bị nhuộm bằng các hóa chất độc hại như chất formaldehyde, gây nhiễm độc cho da, thần kinh và phủ tạng. Những người có sức đề kháng tốt ít bị ảnh hưởng nhưng với trẻ em, phụ nữ, người già... thì nguy cơ nhiễm nấm là rất cao.
Vỏ gối thêu tên Sweet Dreams |
TS Hưng kể về một trường hợp mà ông từng gặp. Đó là ông Nguyễn Văn Hải (trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội) có biểu hiện nổi các mụn nước ở da đầu. Bệnh nhân này đã phải quay lại bệnh viện điều trị nhiều lần. Các bác sĩ sau đó đã phát hiện “hung thủ” gây bệnh cho ông Hải chính là chiếc gối.
Chiếc gối được làm bằng chất liệu bông kém chất lượng, đen sì, chứa nhiều vi khuẩn nấm mốc. Sau khi được phát hiện, ông Hải bỏ hẳn chiếc gối này đi, trị liệu thêm thì bệnh đã thuyên giảm dần và khỏi hẳn.
Chiếc gối chứa... đầy rác bên trong của Trà My khiến nhiều chị em tỏ ra hoang mang về chất lượng chăn, gối bông hiện tại. Rất nhiều chị em cho biết, họ sẽ về "mổ xẻ" chiếc gối đang dùng để kiểm tra chất liệu bông bên trong.
Chị Trần Thị Thu (45 tuổi, phố Pháo Đài Láng, Hà Nội) cho rằng: "Khi mua gối, chúng ta nên chọn những loại gối mà có khóa ở vỏ ruột để có thể kéo khóa ra và kiểm tra được nguyên liệu bên trong ruột gối, không nên mua những loại ruột gối và vỏ ruột được may kín lại".
Còn chị Nguyễn Lan Hương (30 tuổi, ở Ô Chợ Dừa, Hà Nội) nói: “Tốt nhất là cứ vào các cửa hàng chính hãng mà mua, yên tâm dùng bông trắng tinh, nguyên khối”.
Phương Hà (sinh viên Đại học Hà Nội) suy nghĩ: “Dù mua hàng chính hãng hay không, chị em trong quá trình sử dụng cũng nên kiểm tra, giặt, phơi bông gối thường xuyên, không nên để tình trạng dùng 1 năm rồi mới biết gối của mình chứa toàn... rác”.