Phụ huynh giám sát bữa ăn bán trú: Những đề xuất rơi vào im lặng

08:00 | 19/03/2019;
Từng có phụ huynh đề xuất đứng lên giám sát luân phiên bữa ăn bán trú của con, song đề xuất ấy bị rơi vào im lặng. Không ai dám làm, không ai muốn làm, phó thác niềm tin cho nhà trường, hoặc quá bận rộn… là những lý do khiến việc giám sát bữa ăn bán trú của con trở nên khó khăn hơn.

Rùng mình khi nghĩ "nếu đó là con mình"!

Khi đọc vụ việc về hàng trăm trẻ ở trường mầm non Thanh Khương (Thuận Thành, Bắc Ninh) trở thành nạn nhân của thực phẩm bẩn và sự vô trách nhiệm đến khó hiểu của Ban Giám hiệu, không ít phụ huynh cảm thấy rùng mình. Bất chợt họ nghĩ, nếu đó là con mình thì sao? Lâu nay, bữa ăn của con dù vẫn nằm trong mối quan tâm thường trực nhưng chưa bao giờ được sâu sát đến mức thịt, cá con mình ăn hàng ngày liệu có đảm bảo an toàn 100%.

Trên nhiều diễn đàn làm cha mẹ, ý kiến của phụ huynh rất sôi nổi xoay quanh vấn đề này. Nhiều ý kiến mạnh mẽ đưa ra, đơn cử như ý kiến của Trương Hồ Nam Anh – một nữ phụ huynh có con học mầm non.

Chị này chia sẻ: “Tôi muốn hỏi các anh chị là trong các cuộc họp phụ huynh có đề xuất, hoặc tổ chức độc lập ra một nhóm phụ huynh để kiểm tra định kỳ và kiểm tra đột xuất bếp ăn, thức uống tại trường mà con em mình đã và sẽ hàng ngày ăn uống vào người chưa? Riêng tôi, nhiều năm rồi chưa thấy năm nào thấy hội phụ huynh lớp, phụ huynh trường chỗ mình có ý nghĩ về vấn đề này”.

 

bbuqtho.jpg
Thịt bẩn vào trường mầm non Thanh Khương gây hậu quả nghiêm trọng 

Theo chị Nam Anh, tâm tư của chị rất nhiều, mấy lần định đứng ra đề xuất nhưng đều vướng. Có cuộc thì phụ huynh “ào ào”, nhưng có lần phụ huynh cứ ngần ngại kiểu như không tin nhà trường. Đặc biệt, đã có lần chị gặp phải Hội trưởng cha mẹ học sinh theo đúng nghĩa “cánh tay nối dài” của nhà trường, người này lập tức “đánh lạc hường” khi ý kiến đưa ra.

Mong muốn của nữ phụ huynh là cha mẹ được thành lập một nhóm giám sát độc lập, thay nhau luân phiên khoảng 1 – 2 lần/ tháng, hoặc đột xuất. Các nơi kiểm soát là kiểm tra thực phẩm, bếp ăn và thức uống của các con.

“Nếu không, lúc xảy chuyện như Bắc Ninh hôm nay và bao vụ trước đây rồi, hãy tự trách mình trước là đã không “cứng”, hoặc không biết kiểm soát đồng tiền mình phải đóng, là quyền lợi của mình, là sinh mạng của con em mình” – chị này đưa ý kiến.

Mặc dù rất đồng tình, nhưng nhiều phụ huynh cho rằng, việc này hoàn toàn bất khả thi. Theo một phụ huynh khác, anh và nhiều người từng đề xuất rồi nhưng khi hỏi ai sẽ xung phong làm thì tất cả… im lặng. “Vị trí này chả ai muốn làm đâu nên bạn đưa ra cái giải pháp đó phải dựa trên thực tế là phần đa chúng ta không có thời gian để tham gia hội. Thứ nữa là việc kiểm tra đột xuất (nếu có) chúng ta cũng không có đủ công cụ, không có đủ kiến thức để biết được thức ăn có an toàn hay không, chúng ta chỉ kiểm tra được phần nổi về vệ sinh nề nếp thôi” – anh Trần Huỳnh Giao, một phụ huynh ở Hà Nội cho hay.

Một số phụ huynh khác thậm chí còn cho biết, chưa bao giờ thấy nhắc đến việc cho các phụ huynh kiểm tra bếp ăn hoặc cơ sở cung cấp thực phẩm bao giờ. “Phụ huynh vẫn mang gánh nặng đi làm, khó có thời gian để quản lí việc giám sát. Gửi con ở trường cũng lo cái này cái kia lắm nhưng cũng chỉ biết mong sao nhà trường làm việc có hiệu quả thôi chứ cũng khó lắm”.

Giám sát tận gốc

Có con học ở trường mẫu giáo nổi tiếng trong địa bàn quận Đống Đa (Hà Nội), mặc dù nhà trường cam kết là nhập thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ, đơn vị cung ứng có tư cách pháp nhân, song chị Phạm Thu Hà (Ngụ ở phố Nguyễn Trãi, Q. Thanh Xuân, Hà Nội) có lần phát hoảng khi tận mắt chứng kiến cảnh thực phẩm được tuồn vào trường học.

“Có một lần tôi đưa con đi học muộn, lúc quay ra thì thấy có một xe máy chở thực phẩm vào trường, tất cả đựng trong một chiếc thùng nhựa cáu bẩn, thịt gà thịt lợn đều không được bảo quản cẩn thận, không thấy xuất xứ từ đâu. Rau thì tệ hơn, vừa dập nát vừa không có nguồn gốc”.

Khi chị này hỏi anh tài xế là thực phẩm từ đâu ra, anh này chỉ nói nhõn một câu khiến chị giật mình, đó là anh được phân công chở vào từ chợ đầu mối. “Biết được điều này nhưng tôi không dám trao đổi trực tiếp với Hiệu trưởng, vì quả thật là rất ngại. Mình cũng không quay, chụp lại nên không có dẫn chứng. Rõ ràng, không ai giám sát tận gốc được những thức ăn đó đã vào đến bếp ăn từ những đâu?” – chị Hà chia sẻ trong vô vọng.

 

hanoistar_an_thu_mon_an_moi_10.jpg
Bao giờ phụ huynh mới được vào tận bếp ăn để trực tiếp giám sát từng công đoạn? Ảnh minh họa

Chia sẻ về điều này, bà Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội khóa 13, cho rằng, việc tuồn thực phẩm bẩn vào trường học là một tội ác, điều đó đồng nghĩa với việc hàng trăm, hàng nghìn học sinh sẽ bị “đầu độc” mỗi ngày.

Theo bà, các vụ thực phẩm bẩn tuồn vào trường học cần được điều tra và xử lý nghiêm minh để tạo sự răn đe, lấy lại niềm tin cho phụ huynh và xã hội. Sau những vụ này, trách nhiệm của nhà trường là cần công bố công khai danh tính đơn vị cung cấp thực phẩm, chấm dứt hợp đồng. “Người ký hợp đồng với đơn vị cung ứng thực phẩm cũng phải chịu trách nhiệm. Phải điều tra việc có lợi ích nhóm trong câu chuyện này hay không”, bà An nhấn mạnh.

Nữ đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, phụ huynh cần được quy chế hóa rõ hơn vai trò giám sát của mình. “Phụ huynh là người bỏ tiền để mua thức ăn, nước uống cho con em mình tại trường, vì thế họ có quyền giám sát. Mặt khác, vì sức khỏe của con em mình, phụ huynh chính là người sẽ quan tâm, sát sao nhất với vấn đề chất lượng thực phẩm. “Một trường học có hàng nghìn phụ huynh và việc giám sát sẽ được các phụ huynh thực hiện luân phiên. Vì thế, nếu họ quyết tâm, tôi tin rằng họ sẽ có thể thay phiên kiểm tra thực phẩm trường học mỗi ngày” - bà An nói.

Thông tư 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT ngày 12/5/2016- Thông tư liên tịch của Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT quy định về công tác y tế trường học để đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh. Theo đó, đối với Trường học có bếp ăn nội trú, bán trú thì phải bảo đảm các điều kiện cơ sở vật chất về an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định pháp luật và yêu cầu vệ sinh đối với hoạt động bảo quản, chế biến thực phẩm theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN 07:2010/BYT) phòng chống bệnh truyền nhiễm trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân ban hành kèm theo Thông tư số 46/2010/TT-BYT; Đối với các trường học không có bếp ăn nội trú, bán trú ký hợp đồng với các cơ sở có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm để cung cấp thức ăn cho học sinh; căng tin của nhà trường cũng phải bảo đảm yêu cầu như trên. Đặc biệt, hành vi Sử dụng nguyên liệu không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ; hết hạn sử dụng, không bảo đảm an toàn để chế biến thực phẩm có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân vi phạm, mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 2 lần cá nhân. 

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn