Diễn văn và… nắng nóng
Chị Phan Hoa Lê (Q.Đống Đa, Hà Nội) có con trai năm nay lên lớp 1. Con trai chị dù đã được đến trường từ giữa tháng 8 để làm quen bạn mới, cô mới, nhưng nhắc đến ngày khai giảng, cu cậu vẫn rất phấn chấn.
“Con đi học về luôn hỏi là khai giảng sẽ có những hoạt động gì, có được vui chơi không, có được hát múa không… Tôi chưa rõ trường con sẽ tổ chức những gì, nhưng cứ nghĩ cảnh các con ngồi giữa sân trường, “chết nắng” chỉ để nghe diễn văn là đã thấy oải và không dám kể với con!”- chị Hoa Lê nói.
Nữ phụ huynh chia sẻ, đối với học sinh lên lớp 1, một năm mở đầu quan trọng cho quãng thời gian 12 năm phổ thông, lễ khai giảng đầu tiên sẽ là dấu ấn không quên trong ký ức con trẻ. Không kỳ vọng nhiều vào việc sẽ có một lễ khai trường hoành tráng, tưng bừng, điều mà chị mong là các tiết mục lễ nghi nên rút ngắn thời gian, bớt những bài diễn văn lý thuyết, báo cáo thành tích.
Thay vào đó, chị muốn nhà trường gửi gắm những lời động viên, nhắn nhủ học trò trong năm học mới, để học trò cảm nhận được ý nghĩa thật sự của ngày lễ mang tính dấu mốc này. Sau phần lễ ngắn gọn, có thể có một số hoạt động giao lưu giữa thầy cô, học sinh tùy điều kiện, không gian của từng trường.
Còn với chị Phan Thu Hồng (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội), lễ khai giảng năm ngoái của con gái chị khiến chị thở dài vì mệt mỏi. Trường con chị (không tiện nêu tên) đón lãnh đạo Bộ GD&ĐT về dự nên nhà trường yêu cầu học sinh tập dượt rất nhiều ngày giữa trời nắng nóng. Đúng ngày 5/9, các con phải có mặt từ… 6h sáng để đảm bảo mọi công đoạn được hoàn hảo nhất.
“Khai giảng mà tập dượt thì còn gọi gì là khai giảng đúng nghĩa? Hai mẹ con tha lôi nhau dậy từ 5h sáng để sửa soạn. Mãi gần 9h, sau khi các con chờ 3 tiếng chỉ để đón một vị cán bộ cấp cao trong sự mệt mỏi, buồn ngủ. Liệu đó có được coi là niềm vui khai trường của con trẻ?” - nữ phụ huynh thở dài nói.
Những nỗi lo rất… con gái
Chia sẻ trên confession một trường THPT ở quận Hoàn Kiếm, nữ sinh V.T lo lắng: “Anh chị cho em hỏi khai giảng khối 10 có phải vẫy tay đi vào như lớp 1 và lớp 6 không? Nữ không mặc áo dài thì có làm sao không ạ? Tại em béo nên không mặc được áo dài!”.
Nhiều nữ sinh có thân hình hơi “quá khổ”, việc mặc áo dài vào ngày khai giảng sẽ khiến các em lo lắng. Nữ sinh V.T rầu rĩ: “Giá như nhà trường chỉ cần quy định mặc đồ trắng, có thể chọn váy hoặc áo dài thì có phải tốt không! Quy định cứng nhắc trong ngày khai giảng làm tụi em mất tự tin khủng khiếp!”.
Điều nữ sinh này mong muốn là ngày khai giảng có cảm giác thoải mái, tự tin nhất, không quá gò bó về trang phục, hình thức. “Tựu trường mà chỉ để đẹp đội hình, chỉ để thấy mỗi hoa, bóng bay hay những nghi thức khuôn mẫu thì không còn ý nghĩa nữa! Chúng em muốn có sự đột phá riêng trong cách thể hiện, giá như không bị phụ thuộc vào sự có mặt của khách mời thì càng tốt, vì kiểu gì khách càng vip, không khí khai giảng càng căng thẳng!” - em này chia sẻ.
Tổ chức một lễ khai giảng đúng nghĩa, ngắn gọn, không hình thức, không diễn văn dài dòng… là chỉ đạo khá quyết liệt của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong năm học vừa qua. Tuy nhiên, số trường tiếp thu tinh thần này không nhiều. Điều mà học sinh, phụ huynh mong muốn là cảm thấy phấn chấn khi nhắc đến ngày khai trường, thay vì tâm lý mệt mỏi, lo lắng như hiện tại.
* Tại hội nghị tổng kết năm học, phương hướng năm học mới 2017-2018, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, cần xem xét kỹ việc tựu trường trước, khai giảng sau, vì như thế khiến ngày khai giảng mất hẳn ý nghĩa. |