Cứ thứ bảy, Chủ nhật hàng tuần, hội viên phụ nữ huyện Gia Lâm lại ra quân thu gom rác thải, bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật, giữ gìn vệ sinh đồng ruộng. Song song với việc ra quân thu gom rác thải làm sạch đồng ruộng, hội viên phụ nữ còn đi đến từng ngõ, từng nhà vận động người dân chung tay giữ gìn vệ sinh đồng ruộng.
Chị Lê Thị Thuý, hội viên phụ nữ tại huyện Gia Lâm chia sẻ: "Đợt đầu ra quân, phải rất vất vả chị em mới thu gom được hàng tạ vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Có cái vùi sâu dưới mương, cái chui vào cống, cái nổi trên mặt nước, cái vương vãi trên mặt ruộng..."
Nhờ vậy, nếu trước đây, ao hồ, kênh mương nổi đầy chai lọ, vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật thì nay tình trạng này cơ bản được khắc phục. Trên đồng ruộng, rác thải độc hại vương vãi cũng ít dần.
Để tiếp tục xử lý rác thải nông nghiệp góp phần tích cực trong việc cải thiện môi trường, bà Nguyễn Thanh Hương, Chủ tịch Hội LHPN huyện Gia Lâm cho biết, năm 2022, UBND huyện và Hội LHPN đã ban hành kế hoạch tổ chức thí điểm mô hình "Thu gom, phân loại, xử lý rác thải tại nguồn" trên địa bàn 5 xã, trong đó 3 xã Phù Đổng, Cổ Bi và Dương Xá áp dụng mô hình xử lý rác thải sinh hoạt hộ gia đình, 2 xã Đặng Xá và Văn Đức áp dụng mô hình xử lý rác thải nông nghiệp góp phần tích cực trong việc cải thiện môi trường, đáp ứng các tiêu chí môi trường trong bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025. Đồng thời giảm tải áp lực trong thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt chung trên địa bàn Thành phố, tạo môi trường sống xanh, sạch cho người dân.
Trước đây, sau khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, các hộ dân tại xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, Hà Nội vẫn có thói quen vứt bừa bãi các vỏ chai, bao bì… ra các đồng ruộng, chưa có sự thu gom, dẫn đến vừa ô nhiễm môi trường vừa độc hại. Từ năm 2016, Hội phụ nữ xã đã đề xuất mô hình thu gom các dụng cụ chứa thuốc bảo vệ thực vật để bảo vệ môi trường. "Ban đầu, việc thu gom này gặp nhiều khó khăn vì người dân lo sợ độc hại nhưng hiểu ý nghĩa của việc thu gom rác ngay tại nguồn góp phần bảo vệ môi trường, các chị em phụ nữ là người tiên phong nhận nhiệm vụ này và đã triển khai suốt nhiều năm qua" - chị Đinh Thị Ngọc, Chủ tịch Hội LHPN xã Vạn Phúc cho biết.
Để đảm bảo an toàn trong quá trình thu gom, chị em mặc đồ bảo hộ, đeo khẩu trang, găng tay và đi bao chân cẩn thận, được chia thành từng nhóm nòng cốt từ 12 đến 15 người đi thu gom rác thải là vỏ bao bì các loại thuốc bảo vệ thực vật.
Phụ nữ 18/18 huyện, thị xã tại Hà Nội đã triển khai mô hình "Sạch đồng ruộng"
Không những thế, trên các cánh đồng ở xã Vạn Phúc có hàng trăm thùng chứa bao bì, túi đựng thuốc bảo vệ thực vật được đặt tại các đầu ruộng để người dân chủ động bỏ rác vào đúng nơi quy định. Các chị còn đến từng hộ dân tuyên truyền người dân bỏ bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép trong quá trình sản xuất rau, cây trồng… Nhờ đó, người dân bắt đầu có ý thức hơn trong sản xuất nông sản và giữ vệ sinh đồng ruộng.
Thời gian qua, Hội LHPN Hà Nội đã triển khai thực hiện hiệu quả mô hình "Sạch đồng ruộng" nhằm phát huy vai trò của phụ nữ trong công tác bảo vệ môi trường, tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Mô hình nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên phụ nữ trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, không vứt vỏ chai, vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng… giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, bảo vệ môi trường.
Theo thống kê, hiện phụ nữ 18/18 huyện, thị xã trên địa bàn thành phố đã triển khai mô hình "Sạch đồng ruộng", vận động cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân đóng góp tiền, ngày công lao động, nạo vét kênh mương. Từ đầu năm 2022 đến hết quý III, các cấp Hội đã thu gom hơn 20 tấn bao bì, rác thải trên đồng ruộng. Các huyện tổ chức tuyên truyền thu gom rơm rạ sau thu hoạch, dùng EMMO xử lý rác thải hữu cơ tại nguồn... góp phần giảm ô nhiễm môi trường do khói bụi vì đốt rơm, rạ, giúp hội viên phát triển kinh tế, tăng thu nhập.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn