Rước họa sau khi cấy phấn trị nám cho da

18:10 | 30/10/2016;
35 tuổi, chị Trần Ngọc T. (TPHCM) bị các đốm nám trên mặt nên điều trị tại một cơ sở chuyên khoa da liễu nhưng không giảm. Nóng lòng điều trị nhanh, chị tìm đến phương pháp cấy phấn để mong đánh tan vết nám nhưng kết quả là 'tiền mất, tật mang'.
Theo chia sẻ của chị T., công việc của chị chuyên về lĩnh vực thăm dò địa chất nên thường xuyên phải làm việc bên ngoài, tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng. Điều này khiến làn da của chị bị nám theo từng đốm, sạm đen mỗi khi thiếu ngủ hay mệt mỏi.

Để "giải quyết" các đốm nám, chị T. từng săn lùng các mỹ phẩm xách tay được quảng cáo tốt nhất, kiên trì dưỡng da nhưng không hiệu quả, chị đành tìm đến một cơ sở chuyên khoa da liễu để được tư vấn điều trị. Chị T. kể: "Bác sĩ kiểm tra da, rồi kê đơn thuốc uống kèm thuốc bôi vào buổi sáng và tối. Bác sĩ cũng khuyến cáo tôi không tiếp xúc với ánh nắng, nhưng đặc thù công việc là vậy, tôi chỉ có thể hạn chế chứ không ngưng được. Sau hơn 4 tháng điều trị, thấy không có gì khả quan nên tôi nản, bỏ giữa chừng".

Mong muốn những đốm nám được đánh tan nhanh chóng và dứt điểm, chị T. tìm hiểu về phương pháp cấy phấn cho da, được quảng cáo "rất hiệu quả trong điều trị nám", chị T. tìm đến một cơ sở thẩm mỹ để được tư vấn gói dịch vụ.
cayphan.jpg
 Phương pháp cấy phấn có thể gây nhiều hệ luỵ cho da
Theo tư vấn của nhân viên thẩm mỹ, cấy phấn cho da là phương pháp sử dụng tinh chất có màu, là hỗn hợp bao gồm tế bào gốc, peptide, niacinamide, adenosine... Sau khi tinh chất được thoa đều khắp vùng da mặt, kỹ thuật viên sẽ dùng loại thiết bị giống như chiếc bút, có đầu lăn, di đều nhiều lượt trên da để đưa sản phẩm vào lớp biểu bì. Không chỉ giúp điều trị nám, phương pháp này còn làm trắng da, se lỗ chân lông, đánh bay các nếp nhăn.

"Sau điều trị, màu được cấy vào đốm nám không trùng với màu da mặt. Tôi rơi vào tình trạng bấn loạn vì không biết làm cách nào, mỗi ngày đi làm phải trang điểm kem nền để làm da đều màu khắp vùng mặt, cuối cùng tôi đành tìm đến phòng khám chăm sóc da của một bệnh viện để được tư vấn", chị T. nhớ lại.
 
Sau khi được bác sĩ tư vấn tại bệnh viện, chị được biết, với tình trạng da như vậy, chị phải giải quyết triệt để các đốm màu trước đó cấy vào. Tuy nhiên, điều trị được 2 lần thì chị T. lại được một người bạn tư vấn về phương pháp chiếu laser có thể giải quyết tận gốc mọi vấn để.

"Tôi bỏ bệnh viện để sử dụng phương pháp chiếu laser, nhưng các đốm trắng vàng bỗng chuyển sang thành từng đốm đen. Sợ quá, tôi dành quay lại bệnh viện để điều trị lấy từng đốm màu ra", chị T. chia sẻ.

Theo BS Trần Thiên Tài, phòng khám Dị ứng-Miễn dịch lâm sàng, BV Đại học Y Dược TP.HCM, phương pháp cấy phấn cho da đang nhiều cơ sở chăm sóc sắc đẹp sử dụng. Tuy nhiên, phương pháp này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro vì có thể gây ra tình trạng dị ứng cho bản thân người được cấy.

"Thực tế, phấn cũng được coi như là một dị nguyên (yếu tố gây dị ứng), khi đưa phấn qua da nghĩa là chúng ta đang đưa một vật lạ vào cơ thể. Khi vật lạ này vào da sẽ đóng vai trò là một dị nguyên, kích thích hình thành các chuỗi phản ứng của hệ miễn dịch, từ đó gây ra các biểu hiện dị ứng như viêm da dị ứng…", BS tài phân tích.
benh-dau-da-day-nen-an-ntn.jpg
Tăng cường sử dụng rau, quả tốt cho da
Còn theo TS.BS Lê Thái Vân Thanh, Phòng khám Chăm sóc da, BV Đại học Y Dược TP.HCM, bản chất của cấy tế bào, phun, xăm hay cấy phấn đều giống nhau, nhằm đưa chất màu nhân tạo vào để che lấp các khuyết điểm da. Da có 3 lớp là thượng bì, trung bì, hạ bì. Khi xăm sâu qua khỏi lớp thượng bì để những hạt màu nằm trong lớp trung bì, những đại thực bào, tế bào của da sẽ “ngậm” những hạt màu đó, giữ màu tại vùng da đó được lâu dài. Trong khi đó, đối với cấy phấn cho da, chiều sâu của đầu kim được điều chỉnh xăm xuống da rất nông, những hạt màu giống màu của da, màu phấn... được đưa xuống lớp sừng, tại vị trí trên lớp màng đáy, trong lớp thượng bì. Những hạt màu nằm trong các lỗ li ti tại da. Vấn đề là tình trạng này chỉ giữ được khoảng 3 tháng, không tránh khỏi những tác dụng phụ như bít lỗ chân lông làm da dễ sinh mụn, hoặc về lâu dài da sẽ bị nám…

"Đối với lứa tuổi dậy thì, 90% đối tượng bị mụn trứng cá thì càng không nên sử dụng dịch vụ cấy phấn. Đa số người Việt Nam có làn da nhờn, da hỗn hợp (chỉ một số ít thuộc sở hữu da thường, da khô). Những tuyến bã nhờn tăng tiết liên tục có nhiệm vụ nuôi dưỡng bề mặt da. Vì vậy, khi đưa hạt màu vào da, có thể gây bít tắt lỗ chân lông, nguy cơ gây nhiễm trùng, nhiễm siêu vi…", BS Vân nói.

Để sở hữu làn da khỏe, đẹp, các chuyên gia khuyến cáo chị em không nhất thiết phải sử dụng các phương pháp đắt tiền, được quảng cáo tràn làn nhưng chưa đủ sự kiểm chứng của khoa học. Cách làm đẹp đơn giản nhất là cần có một chế độ sinh hoạt lành mạnh, ăn uống đủ chất dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý, tránh nắng, không dùng các loại mỹ phẫm không rõ nguồn gốc mà không có chỉ định của bác sĩ, kết hợp thêm các bài tập, massage giúp da giữ độ đàn hồi săn chắc…

"Trước khi sử dụng bất kỳ biện pháp can thiệp làm đẹp nào, chị em cần tham khảo ý kiến từ các bác sĩ chuyên khoa nhằm tránh các tác hại lâu dài về sau", BS Thiên Tài khuyến cáo.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn