Sai lầm của cha mẹ khi suốt ngày 'rủa' con

10:28 | 19/04/2016;
Cha mẹ thường gầm lên, chửi rủa khi con bị điểm kém mà không biết rằng điều đó càng khiến con tự ti.

 

conhockem2.jpg
Không tập trung học, kết quả học của trẻ không cao. Ảnh minh họa internet

Bé Nguyễn Phương Huyền (Trung Tự, Hà Nội) không có hứng thú học tập, không tập trung học nên kết quả học tập không cao. Mỗi lần thi học kỳ, cố gắng lắm, con chỉ được điểm 6-7, trong khi gần như cả lớp đạt loại giỏi. Nghe các đồng nghiệp khoe thành tích cao của con họ, chị Phạm Thu Hoài (mẹ bé Phương Huyền) cảm thấy bức bối trong lòng.

Hễ con làm việc gì hay con mắc sai lầm nào, chị Thu Hoài cũng đay đả con: “Sao con vừa ngu, vừa dốt thế hả?” Tối nào, ngồi kèm con học, chị cũng mắng chửi, dè bỉu con: “Ngu thì ngu vừa thôi chứ, bài tập đơn giản thế này mà cũng không biết làm à?” Thấy con đòi đồ chơi hay một món quà nào đó, chị Thu Hoài không quên kèm lời mắng nhiếc: “Dốt như con thì không có quyền đòi hỏi gì đâu. Cố gắng học giỏi đi đã”.

Ngày nào cũng được mẹ “ban tặng” cho những “mỹ từ” ngu, dốt khiến bé Phương Huyền luôn luôn mặc cảm, tự ti... và kết quả học càng học kém.

conhockem1.jpg
Cha mẹ cần tìm hiểu những vấn đề của con để tìm ra phương pháp học tập hiệu quả nhất cho con. Ảnh minh họa internet

Theo các chuyên gia giáo dục, cha mẹ phải trở thành người quan sát, chú ý tới những việc có thể là động lực giúp con vươn lên cũng như những điều có thể cản trở con học tập. Phải hiểu rõ khả năng của con, cha mẹ mới có thể đưa ra phương pháp thích hợp giúp con học tập tốt hơn. Việc kích thích khả năng tư duy, ham học hỏi của con là quá trình đòi hỏi sự kiên trì rất lớn của cha mẹ.

Cha mẹ cũng cần tìm hiểu nguyên nhân tại sao con học kém. Nếu con ham chơi, cha mẹ có thể điều tiết lại, động viên con học nhiều hơn, đưa ra những phần thưởng xứng đáng để khuyến khích con chăm học. Cha mẹ cũng cần để ý xem con có dấu hiệu mệt mỏi để kịp thời tăng cường thể lực, giúp trẻ hào hứng hơn.

conhockem5.jpg
Việc giúp một đứa trẻ học kém trở nên tiến bộ không phải ngày một ngày hai. Ảnh minh họa internet.

Nếu con học kém vì kiến thức quá nặng, khả năng tiếp thu của con hạn chế, cha mẹ cần động viên con cố gắng hết sức. Nếu con có vấn đề về tâm lý, cha mẹ cần tìm hiểu rõ nguyên nhân, quan tâm, dành nhiều tình cảm cho con hơn. 

Cha mẹ cũng cần bình tĩnh vì việc giúp một đứa trẻ từ học kém thành học giỏi không thể thực hiện trong ngày một ngày hai. Cha mẹ có thể chia những thử thách của con thành những nhiệm vụ nhỏ để khuyến khích con hoàn thành. Khi hoàn thành được những thử thách nhỏ đó, con sẽ tự hào về việc mình làm, từ đó có động lực để tiếp tục cố gắng.

Với những trẻ không tập trung, khả năng tiếp thu kém, cha mẹ nên hạn chế cho con sử dụng thiết bị công nghệ. Đặc biệt, cha mẹ cần dành thời gian học cùng con để biết con đang gặp khó ở phần nào và tìm cách lấp chỗ hổng kiến thức cho con. Khi trẻ tự tin, chúng sẽ cảm thấy hào hứng với việc học hơn - đây là điều cha mẹ nên nhớ để thay vì chửi bới hãy kịp thời động viên con.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn