Sáng đưa con đến trường lo chiều không được đón con về

11:03 | 23/03/2017;
Những vụ học sinh bị tai nạn dẫn tới mù mắt, gãy xương đùi, tụ máu não, thậm chí... mất mạng ở trường xảy ra thời gian gần đây khiến nhiều phụ huynh nơm nớp lo âu khi gửi con đến trường.
Em Lê Huy (Hà Tĩnh) không may bị ngã từ lan can hành lang lớp học dẫn đến tụ máu não. 

Liên tiếp các vụ học sinh bị tai nạn ở trường học khiến các cha mẹ có con nhỏ thực sự cảm thấy bất an. Bởi, chỉ cần một sơ suất nhỏ, đứa trẻ bé bỏng có thể bị tai nạn, nhẹ thì ảnh hưởng đến sức khỏe, nặng thì nguy hiểm đến... tính mạng. Chỉ một cú trượt chân, đứa trẻ cũng có thể mất mạng, chỉ vô tư vui đùa trong sân trường cũng có thể bị ô tô đâm gãy chân hay nghịch ngợm cùng bạn bè ở trong lớp cũng có thể bị... mù mắt. Đây đều là những vụ việc xảy ra với học sinh ở nhiều trường trên cả nước. Nguy cơ rình rập sau cánh cửa trường học khiến cha mẹ lúc nào nơm nớp lo âu.

Những ngày gần đây, biết tin trẻ mầm non bị tử vong sau khi ngã ở lớp, chị Trần Minh Hà (phố Trần Thái Tông, Hà Nội) có đêm giật mình thức giấc. Chị lo cho cậu con trai 4 tuổi vô cùng hiếu động, nghịch ngợm không ngơi chân ngơi tay. “Lớp của con có 64 cháu, chỉ có 3 cô nên chắc chắn các cô không thể sát sao từng cháu được. Tôi chỉ lo con nghịch rồi sơ ý trượt ngã thì không biết hậu quả thế nào. Cứ nghĩ, gửi con đi lớp, là môi trường an toàn, có cô giáo trông con là hoàn toàn yên tâm, nhưng nhiều vụ việc gần đây khiến chúng tôi hoảng sợ. Sợ nhất là đang đi làm mà cô giáo của con gọi điện, vừa nghe vừa run rẩy chỉ sợ phải nghe tin dữ”.

Chị Minh Hà cũng cho biết, chính vì tâm lý sợ con không được cô giáo sát sao, để mắt tới nên đa phần các phụ huynh đều “chăm sóc” cô rất kỹ những dịp lễ, Tết. “Làm vậy để “mua” sự yên tâm cho các phụ huynh chứ thực tế với việc quá tải thì chừng ấy cô không thể trông chừng từng trẻ một”.

Cô giáo không để mắt, trẻ rất dễ gặp nạn. Ảnh minh họa internet.

Chị Minh Hà cho biết, trước khi gửi con, chị đã phải ngó nghiêng rất kỹ cơ sở vật chất của trường để kiểm tra độ an toàn với trẻ. “Với những trường công lập ở thành phố thì cơ sở vật chất không đáng lo vì ban công được xây khá cao. Nhưng với nhiều trường ở nông thôn hay không ít trường mầm non tư thục, nguy cơ xảy ra với trẻ dễ dàng hơn khi cơ sở vật chất không đảm bảo an toàn, khi trường học ở gần ao hồ, khi ban công, lan can không được xây chắc chắn, không có lồng bảo vệ... Đó thực sự là mối lo không nhỏ của các cha mẹ”.

Nhà chỉ có mỗi đứa con nên nỗi lo con bị tai nạn ở trường của anh Nguyễn Toàn Thắng (Láng Hạ, Hà Nội) luôn thường trực. Những ngày gần đây, nỗi lo ấy khiến anh không dám ở lại công ty muộn mà thường đến đón con đúng giờ.

“Chỉ sợ ngoài giờ, cô không để ý thì các con dễ gặp những tai nạn bất ngờ. Đôi khi, trẻ cầm những vật nhọn trêu nhau, trẻ ném đồ từ tầng trên xuống dưới… cũng có thể khiến con bị thương. Khi đến trường đón con, thấy con vui vẻ, khỏe mạnh mới cảm thấy yên tâm. Chỉ cần nghĩ đến việc con bị đau ở đâu đó, chân tay tôi đã thấy bủn rủn chứ chưa nói đến việc con bị thương nặng, ảnh hưởng đến tính mạng. Đau lòng nhất một số trường hợp gần đây, sáng gửi con đến trường vẫn còn khỏe mạnh, vui vẻ, chiều đón về đứa con bị... mù, gãy chân, thậm chí là mất con mãi mãi. Trường học lẽ ra phải là nơi an toàn cho trẻ, giờ lại trở thành mối lo con có thể gặp nguy hiểm trong chính môi trường này, thật quá tréo nghoe”, anh Thắng trăn trở.

Tất cả các phụ huynh đều mong, trường học phải là môi trường giáo dục an toàn nhất với trẻ để cha mẹ yên tâm khi gửi con, chứ không phải vừa đi làm, vừa nơm nớp sợ hãi tai nạn có thể "đổ xuống" đầu con bất cứ lúc nào.

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn