Say đắm nàng tiên Xuân Đài hoang sơ

09:36 | 01/09/2015;
Giữa mênh mông sóng nước, trời mây xanh thẳm, vịnh Xuân Đài yên bình với những dãy núi đá bao quanh, ôm ấp trong lòng ký ức xa xôi, từ thuở 'mang gươm đi mở cõi'…
KHUNG TRỜI KÝ ỨC
"Vũng La, Vũng Sứ, Vũng Chào/Vũng Dông, Vũng Mắm, vũng nào cũng thương…", câu ca dao của người dân vùng Sông Cầu (Phú Yên) gợi lại nhiều ký ức về một vùng trời nước giao hòa mà suốt bao đời nay họ đã gắn bó: Vịnh Xuân Đài.
Tạo hóa đã kết hợp tài tình giữa đất và biển để vẽ nên một bức tranh sơn thủy hữu tình, một kiệt tác thiên nhiên. Ôm ấp bờ vịnh là những rừng cây xanh mát và dãy núi Cổ Ngựa vươn dài ra phía biển. Các phiến đá ngày ngày đón những đợt sóng xô bờ, lâu ngày mòn đi tạo nên hình thù lạ mắt. Trên núi, cây và đá ôm chặt lấy nhau như những đôi tình nhân đang đắm say trong phút thần tiên.

 Nơi đây ghi dấu tập kết của những đoàn thủy binh, tàu cá ngư dân để tiến ra biển Đông, xuôi về phương Nam trong cuộc mở mang, tạo lập bờ cõi của cha ông

Theo sử sách, Xuân Đài là một trong những nơi đặt chân đầu tiên của lưu dân người Việt trên vùng đất trấn biên Phú Yên từ hơn 400 năm trước. Nơi đây ghi dấu tập kết của những đoàn thủy binh, tàu cá ngư dân để tiến ra biển Đông, xuôi về phương Nam trong cuộc mở mang, tạo lập bờ cõi của cha ông. Cũng tại đây, người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ đã đánh tan đội thủy quân chủ lực của Nguyễn Ánh, mở ra triều đại Tây Sơn. Năm 1832, đây là nơi mà Tổng thống Hoa Kỳ Andrew Jackson cử một phái đoàn ngoại giao do Edmund Roberts dẫn đầu, gặp Ngoại lang Nguyễn Tri Phương để chuyển lá thư đến vua Minh Mạng xin “giao hảo thông thương”…
Vịnh Xuân Đài trước đây có tên là Bà Đài, một thời từng là trung tâm hành chính của tỉnh Phú Yên xưa. Sử liệu ghi rằng: “... Vào năm 1629, thủ phủ của Phú Yên là thành Hội Phú được xây dựng tại cửa Tiên Châu. Tòa thành này tồn tại cho đến năm 1836 thì chuyển đển thành An Thổ cách tòa thành cũ khoảng 2km về phía Tây. Cuối thế kỷ XIX, sau khi thiết lập nền bảo hộ lên phần đất Trung kỳ, Pháp đã đặt tòa Công sứ ngay tại Vũng Lắm vào năm 1887, đồng thời cũng đặt Sở Thương Chánh để kiểm soát việc buôn bán tại đây”.
Vũng Lắm nằm trong vịnh từng là thương cảng bậc nhất của Phú Yên trong quá khứ, là cửa ngõ thông thương giữa Phú Yên với bên ngoài. Tại Vũng Lắm có cộng đồng người Hoa đến định cư vào khoảng cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX. Sự phát đạt trong hoạt động doanh thương của họ góp phần làm cho Vũng Lắm trở nên sầm uất.
"NÀNG TIÊN" ĐANG TỈNH GIẤC
Vịnh Xuân Đài được hình thành bởi dãy núi Cổ Ngựa, chạy dài ra biển khoảng 15km. Dãy núi này trông xa giống như đầu con kỳ lân. Bờ vịnh dài khoảng 50km, trải qua nhiều vùng địa hình khác nhau. Bao bọc bờ vịnh là nhiều dãy núi ăn sâu ra biển, hình thành nên các vũng, vịnh nhỏ với vẻ đẹp hoang sơ và quyến rũ.
Chúng tôi bắt đầu chuyến ngao du trên vịnh Xuân Đài từ bến Dân Phước (thị xã Sông Cầu) vào một sáng đẹp trời, lặng sóng. Trước mắt chúng tôi là nhiều ngọn núi nhô ra biển, chia mặt nước vịnh Xuân Đài thành nhiều vịnh nhỏ. Mỗi vịnh đều có những bãi cát dài trắng muốt, mịn màng và còn giữ được vẻ hoang sơ. Ấn tượng hơn cả là bãi Bình Sa hay còn gọi là bãi Dài. Từ biển nhìn vào, bãi Dài như một dải lụa trắng óng ả chạy men theo những rừng dừa, rừng dương. Trong không gian ấy, chỉ nghe tiếng rì rào của những con sóng và tiếng vi vu của gió.

 Mỗi vịnh đều có những bãi cát dài trắng muốt, mịn màng và còn giữ được vẻ hoang sơ

Trong vịnh có nhiều núi, đảo, bán đảo như: Cù Lao Ông Xá, mũi Đá Mài, mũi Tai Mã, hòn Mù U. Trong đó, Nhất Tự Sơn có lẽ là hòn đảo đẹp nhất. Dường như thiên nhiên dùng bút lông vạch ngang một đường trên nền biển xanh, 2 đầu vách núi hiểm trở, thẳng đứng. Trên lưng chừng núi có một ngôi mộ cổ, tương truyền là mộ một bà vãi trụ trì chùa từ vài trăm năm trước. Giờ ngôi chùa ấy không còn dấu tích. Nằm cách bờ chừng vài trăm mét, đảo như một bức bình phong che chắn sóng gió cho các làng chài Mỹ Hải và Mỹ Thành. Tấm bình phong của thiên nhiên ấy tạo nên 2 luồng sóng bên Bắc, bên Nam xô vào bờ, làm thành thế “sóng chọi rồng”. Vào những khi giông gió ở miền Trung, “sóng chọi rồng” trở nên kỳ vĩ, với những cột sóng càng vào gần bờ càng cao, như chiếc đầu rồng va vào gành đá hóa thân thành bụi nước tung mù trắng xóa…
Bữa trưa hôm đó của chúng tôi thật bất ngờ và ấn tượng. Chiếc thuyền ghé vào một nhà nổi giữa vịnh. Chủ nhân thả lưới xuống nước, vớt lên cả chục chú tôm hùm to gần bằng cổ tay người lớn. Một lò than được quạt hồng rực. Món tôm hùm nướng đã sẵn sàng chỉ sau chừng 10 phút. Thịt tôm chắc mà béo ngậy, ngọt lịm, chấm với thứ nước mắm dẻo quánh, thơm lừng, ai nấy đều xuýt xoa vì chưa bao giờ được thưởng thức món ăn hấp dẫn đến như vậy. Không chỉ có cảnh đẹp, mà các sản vật nơi đây cũng nổi tiếng trong vùng, với ốc nhảy, hải mã, cua huỳnh đế… và nhất là tôm hùm. Còn loại nước mắm là đặc sản của làng An Thạnh nằm bên vịnh, người dân ở đó vốn có nghề ủ chượp nước mắm nổi tiếng miền Trung từ hơn 200 năm nay.

Các sản vật nơi đây cũng nổi tiếng trong vùng, với ốc nhảy, hải mã, cua huỳnh đế… và nhất là tôm hùm

Từ một vị trí chiến lược trong lịch sử của vùng nhưng từng bị lãng quên, giờ đây vịnh Xuân Đài là một trong những danh thắng được đánh giá là có tiềm năng du lịch lớn của miền Trung, đang được quy hoạch để phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao nước, du lịch sinh thái biển. Nơi đây chắc chắn sẽ hấp dẫn du khách bởi thiên nhiên hoang sơ và con người thân thiện, hiếu khách.

Danh thắng cấp quốc gia vịnh Xuân Đài đã được đề cử vào Câu lạc bộ những vịnh đẹp thế giới, nằm ở phía Bắc tỉnh Phú Yên, cách TP Tuy Hòa khoảng 55km, ngay bên Quốc lộ 1A. Vịnh Xuân Đài rộng trên 13.000ha trải dài từ thị xã Sông Cầu đến huyện Tuy An. Cửa vịnh rộng khoảng 4,4km; bờ vịnh dài 50km, có những chỗ nước sâu đến 18m.
 
 
 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn