Say xứ sở xương rồng Phan Rang

11:54 | 20/09/2015;
Trước khi tôi đến Ninh Thuận, một người bạn đã nói: 'Đó là xứ sở của xương rồng, của gió như Phan, nắng như Rang, chứ không phải của thảo nguyên bao la với những bầy cừu béo múp như cậu vẫn tưởng tượng đâu'.
Quả đúng vậy, người ta dễ dàng bắt gặp những khóm xương rồng vươn cao giữa màu cỏ úa trong cái nắng cái gió chói chang ở nơi này. Tôi đã gặp cảnh tượng ấy dưới chân đồi, khi đến khu tháp Po Klong Garai (tên của vị vua được thờ trong tháp).
Dù đã đến một số tháp chàm ở tỉnh/thành khác nhưng có lẽ đây là cụm tháp để lại trong tôi nhiều ấn tượng nhất. Khu tháp ngự trên đồi cao, với 3 tháp lớn, nhỏ (tháp Cổng cao 8,56m; tháp Lửa cao 9,31m; tháp Chính thờ vua Po Klong Garai cao 21,59m) được xây bằng gạch Chăm, từ xa đã thấy công trình kiến trúc độc đáo và vô cùng nghệ thuật này. Khi tôi đến nơi đã là cuối chiều, khung cảnh thanh vắng, lác đác từng nhóm khách nhỏ trò chuyện, chụp ảnh ghi lại khung cảnh quá đỗi yên bình khi ráng chiều đang dần nhạt nắng.

Tháp Chăm trong ráng chiều. Ảnh: An Huy, Vương Anh, Nguyễn Lê

Mấy bạn trẻ người Ninh Thuận nói với chúng tôi, nhớ sờ vào bức tượng bò thần Nandil đặt ngay ở lối vào gian tháp Chính, rồi xoa lên đầu để được thần phù hộ sức khỏe. Có lẽ đây cũng là lý do vì sao phần đầu bức tượng này lại nhẵn bóng đến thế. Bên trong tháp thờ một bộ Linga - Yoni lớn bằng đá. Trên Linga có khắc chạm tượng vua Po Klong Garai. Được xây dựng từ thế kỷ XIII nhưng đến nay, qua bao thăng trầm của thời gian, các tháp vẫn còn lưu giữ vẻ đẹp với những hoa văn chạm trổ, điêu khắc tỉ mỉ trên vòm cửa, diềm mái, trụ ốp... Chúng tôi say mê khám phá, chụp hình, đến khi mặt trời như hòn than đỏ ối từ từ rơi xuống, bóng tối dần buông mà vẫn lưu luyến chưa muốn ra về.

***

Trưa hôm sau, dùng cơm ở một nhà dân xong, chúng tôi rủ nhau ghé biển Ninh Chữ. Màu nước biển xanh ngắt như hòa vào màu trời không một gợn mây, cát trắng mịn màng phần nào xua đi cái nắng chói chang giữa trưa hè. Không ai bảo ai, mọi người đều thèm được nhảy ngay xuống biển, được nô đùa cùng những con sóng và màu nước xanh huyền diệu.

Lối lên tháp cổ. Ảnh: An Huy, Vương Anh, Nguyễn Lê

Chúng tôi không quên đến thăm vườn nho Ba Mọi. Xe dừng, một người đàn ông có nụ cười hồn hậu, ấm áp đang định đi đâu đó nhưng thấy có khách nói muốn thăm vườn nho liền quay vào. Chúng tôi khá bất ngờ khi biết đó chính là chủ nhân của vườn nho - bác Ba Mọi. Có lẽ bởi mọi người đều nghĩ “ông chủ” thì phải đóng bộ trang phục chỉnh tề hoặc chí ít cũng sơmi, caravat, trong khi bác Ba Mọi đón khách bằng trang phục giản dị thường ngày, áo sơmi cộc tay cũ, quần lửng, đầu đội mũ lưỡi trai, chân đi dép tổ ong.

Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận với kiến trúc độc đáo. Ảnh: An Huy, Vương Anh, Nguyễn Lê

Bác nhiệt tình dẫn cả nhóm ra tận vườn dưới cái nắng chói chang, giới thiệu từng lô đất trồng giống nho gì, cho sản lượng ra sao và dùng làm sản phẩm gì... Bác cũng lắng nghe mọi câu hỏi và trả lời từng câu rất cặn kẽ. Nhìn cách bác Ba Mọi trò chuyện với khách như với người thân quen, ai cũng thấy sự tâm huyết của bác trong việc nghiên cứu các giống nho tại Việt Nam và có lẽ đó cũng là lý do vì sao nhiều người biết tới thương hiệu “nho Ba Mọi”, ấn tượng với cách làm du lịch vô cùng thân thiện của bác. Nho bán tại vườn có giá 60.000 đồng/kg, tươi ngon vô cùng. Ai nấy đều tranh thủ mua để mang theo ăn đường nhưng bác Ba Mọi không quên dặn, nho chỉ để được từ 3 đến 5 ngày.

Tác giả và chủ vườn nho bác Ba Mọi. Ảnh: An Huy, Vương Anh, Nguyễn Lê

Tới Phan Rang - Tháp Chàm, sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến đồ ăn vặt ở đây. Món bánh căn, bánh xèo có nhân rất phong phú (tôm, thịt, mực...), dĩa nào dĩa nấy nóng hổi, chấm với mắm nêm hoặc mắm chua ngọt, ăn rất đã. Cứ tầm chiều tối, khu vực trung tâm TP Phan Rang - Tháp Chàm trở nên nhộn nhịp hơn hẳn. Các quán cà phê vỉa hè nhiều như thể quá trà đá vỉa hè ở Hà Nội vậy. Ăn tối xong, ngồi nhâm nhi ly cà phê đặc sánh, hàn huyên đủ thứ chuyện với người dân Ninh Thuận là cảm giác khó có thể quên khi rời nơi này... Giá đồ uống khá “mềm”, chỉ khoảng 10 ngàn đồng cho 1 ly cà phê hoặc 1 ly nước trái cây.

Xứ sở của xương rồng. Ảnh: An Huy, Vương Anh, Nguyễn Lê

Chưa được nhìn thấy khung cảnh đàn cừu nối nhau đi trên thảo nguyên xanh mà tôi ao ước nhưng quãng thời gian ngắn ở Ninh Thuận đủ để tôi cảm thấy “say” mảnh đất và con người thân thiện nơi đây. Dù còn rất nhiều điểm du lịch ở Ninh Thuận như biển Bình Tiên, vịnh Vĩnh Hy... mà tôi chưa được ghé thăm, nhưng không sao, chắc chắn một ngày nào đó, tôi sẽ quay lại xứ sở xương rồng.

Từ Hà Nội hoặc TPHCM, đi máy bay hay tàu hỏa đến Cam Ranh (Khánh Hòa) rồi bắt xe vào TP Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận). Giá vé máy bay từ 2,3 đến 4 triệu đồng/chiều. Sau đó, bạn có thể thuê xe máy (giá từ 120.000 đồng đến 150.000 đồng/ngày, xăng tự đổ) để tới các điểm du lịch nằm không quá xa trung tâm thành phố.
 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn