Với mô hình nuôi ếch theo hệ thống sản xuất tuần hoàn, chị Nguyễn Thị Nam Phương (ở xã Thới An Hội, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) đã tạo ra được sản phẩm ếch sạch, chất lượng, được người dùng ưa chuộng. Chị Phương cho biết, từ những ngày đầu phát triển kinh tế gia đình, chị đã nhận được sự hỗ trợ của Hội LHPN các cấp. Chị đã được tham gia các hoạt động tập huấn, sinh hoạt cùng các chị em khởi nghiệp, học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý.
Trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chị Phương đã mạnh dạn đầu tư thêm vào khâu chế biến. Hiện chị có sản phẩm thịt ếch sơ chế đóng gói cung cấp cho thị trường tại chỗ và thịt ếch sơ chế đóng gói cấp đông để bán ra thị trường trong nước. Sắp tới, chị sẽ tăng quy mô và số lượng nuôi, phát triển thêm một số sản phẩm mới như ếch một gió, khô ếch... "Trong bối cảnh dịch Covid-19, nhiều người bị ứ đọng hàng hóa nhưng sản phẩm của tôi không bị ảnh hưởng nhiều. Thị trường Tết sắp tới hứa hẹn có thể "cháy hàng", chị Phương chia sẻ.
Còn chị Hồ Thu Loan, cơ sở sản xuất kinh doanh các loại mắm khô đặc sản Thiên Hương (xã Thạnh Thới Thuận, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng), cho biết, trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cơ sở của gia đình chị phải tạm ngưng hoạt động theo yêu cầu phòng, chống dịch. Dịch bệnh khiến đầu ra bị giảm khoảng 90%. Hiện cơ sở chỉ hoạt động cầm chừng, với khoảng 40% công suất và đang tập trung cho thị trường Tết. Theo chị Loan, thời gian qua, cơ sở của chị đã nhận được sự hỗ trợ thiết thực từ các cấp Hội trong tỉnh. Trong đó, chị được tham gia các chương trình tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, việc được tham gia các hoạt động kết nối kinh doanh, các diễn đàn kinh tế đã tạo cơ hội cho chị được giao lưu, kết nối với các doanh nghiệp, nhà hàng, khu du dịch... để tìm đầu ra cho sản phẩm.
Thời gian qua, các cấp Hội LHPN tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền và các hoạt động nhằm khuyến khích tinh thần khởi nghiệp của phụ nữ. Nhiều mô hình kinh tế tư nhân do phụ nữ làm chủ, kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả. Chị em quan tâm đến từng quy trình xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, chuỗi giá trị sạch; tranh thủ sự đầu tư vốn vay để khởi nghiệp. Đến nay, có 14 sản phẩm thuộc 10/11 câu lạc bộ doanh nghiệp nữ đạt OCOP. Hằng năm, Hội LHPN tỉnh đều phát động "Ngày hội Phụ nữ khởi nghiệp"; tổ chức sự kiện kết nối kinh doanh, nhằm giúp chị em có cơ hội giao lưu, giới thiệu sản phẩm, chia sẻ kinh nghiệm.
Theo Hội LHPN tỉnh Sóc Trăng, các cấp Hội trong tỉnh luôn quan tâm thực hiện nhiệm vụ "Vận động, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường" do Trung ương Hội LHPN Việt Nam đề ra. Hội đã thực hiện xã hội hóa trong tổ chức thực hiện các hoạt động, thu hút các chương trình, dự án, tranh thủ nguồn lực tạo sức mạnh tổng hợp tổ chức các hoạt động kịp thời, hiệu quả. Đồng thời, triển khai sâu rộng đến cán bộ, hội viên, phụ nữ mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã. Thông qua công tác tuyên truyền, các cấp Hội đã nâng cao nhận thức, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã, giúp nhau thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
Thời gian tới, dịch Covid-19 có thể vẫn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, các cấp Hội phụ nữ Sóc Trăng đã có những giải pháp để thích ứng an toàn với dịch, để vừa phát triển kinh tế, ổn định đời sống, vừa phòng chống dịch hiệu quả.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn