Sòng phẳng và sự đồng thuận

12:15 | 25/09/2018;
Tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, bàn về dự thảo Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã phát biểu: “Tiền thuế bảo vệ môi trường phải đưa vào ngân sách và chi lại cho bảo vệ môi trường thì người dân mới thấy sòng phẳng, chứ không phải thu chỗ này chi cho chỗ khác".

Đây chính là tâm lý chung và mong muốn chung của đông đảo người dân cũng như những doanh nghiệp cả nước.

Trong thời gian qua, đã có rất nhiều những quyết sách, đương nhiên, mỗi quyết sách đều có ảnh hưởng đến nhiều thành phần xã hội, vốn khác nhau về lợi ích, theo những cách khác nhau. Sẽ có những những thành phần bị ảnh hưởng lợi ích và ngược lại, một số thành phần xã hội khác được hưởng lợi.

Nhiệm vụ của những người làm luật, làm chính sách là phải cân đối, điều chỉnh sao cho các lợi ích được hài hòa. Một trong những “bí quyết” quan trọng nhất để làm được điều đó chính là sự minh bạch, hay trong những trường hợp nhất định đó là sự sòng phẳng.

Khi một số thành phần xã hội bị tác động tiêu cực, họ cần biết những thông tin cụ thể xung quanh: nguyên nhân, tác động và thậm chí là những quyền lợi đánh đổi ở mục tiêu xa hơn.

Cụ thể đối với những luật thuế, người dân cần biết lý do chính đáng để họ phải nộp thuế và quan trọng hơn nữa, những đồng thuế đó được chi tiêu ra sao. Khi biết chắc chắn những khoản thuế họ phải nộp sẽ được sử dụng vì lợi ích chung một cách đúng đắn, người dân sẽ đồng thuận.

Với luật thuế môi trường, người dân cần biết một cách chắc chắn những khoản nộp đó sẽ được sử dụng cho những dự án cải tạo, phục hồi môi trường. Để góp phần cải tạo môi trường, người tiêu dùng sẽ chấp nhận trả thêm tiền khi mua xăng dầu. Đó chính là sự sòng phẳng mà Chủ tịch Quốc hội đã nói đến.

images2053028_gia_xang.jpg
Người dân sẽ đồng thuận nếu việc thu chi thuế bảo vệ môi trường minh bạch, sòng phẳng. Ảnh minh họa

Sự sòng phẳng từ nền tảng tạo sự đồng thuận, sâu xa hơn nữa nó sẽ tạo nên niềm tin cho người dân trong những hoạt động khác của cơ quan nhà nước.

Thực tế cho thấy, người dân đang phải nộp nhiều khoản thuế phí. Câu chuyện về những lái xe “sáng tạo” ra nhiều biện pháp nhằm phản đối những trạm thu phí “đặt sai chỗ” là một ví dụ. Trong một thời gian dài, nhiều trạm thu phí được thiết kế để thu phí ở cả những đoạn đường vốn thuộc về nhà nước, doanh nghiệp không xây dựng, hoặc chỉ cải tạo nâng cấp.

Chính điều thiếu sòng phẳng này khiến lái xe, những người phải nộp phí, bức xúc và phản đối.  

Một câu chuyện khác cũng rất gần gũi với mỗi gia đình đó là những khoản tiền cha mẹ học sinh phải đóng đầu năm học.

Họ bức xúc vì phải đóng tiền, với mục đích được nói là để chi phí cho chính con mình. Tuy nhiên, việc chi phí đó được thực hiện như thế nào, không phải cha mẹ học sinh nào cũng được minh bạch.

Tuyệt đại đa số các cơ sở giáo dục ở đô thị, cha mẹ học sinh phải đóng góp nhiều hơn mức quy định của ngành giáo dục nhiều lần. Tuy nhiên, trong tất cả các cuộc họp phụ huynh, họ không bao giờ được nhận những bản kê các khoản chi tiêu đã thực hiện. Hầu hết các ban phụ huynh đều chỉ đọc cho các phụ huynh nghe. Thậm chí, có nơi trưởng ban phụ huynh không công khai các khoản chi tiêu và nói nếu có phụ huynh nào cần tìm hiểu thì cứ gặp riêng trưởng ban.

Cơ quan hành chính cao nhất đang nỗ lực xây dựng Chính phủ kiến tạo, minh bạch, phục vụ. Sự minh bạch, sòng phẳng chính là nền tảng là nguyên tắc để xây dựng các thiết chế cũng như cách vận hành các thiết chế ấy. Người dân khi thực sự được biết, bàn, làm và kiểm tra họ sẽ đồng thuận với các chính sách lớn của nhà nước…

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn