Sự hồi sinh kỳ diệu của cô bé ruột để ngoài da

08:54 | 06/01/2017;
Sau một thời gian dài im hơi lặng tiếng, nhiều người nghĩ rằng Sydney Groves, cô bé có ruột bị lòi ra khỏi cơ thể, đã gặp những bất ổn. Tuy nhiên, mới đây, cha mẹ cô bé đã cho biết cô vừa có một bữa tiệc nhỏ mừng sinh nhật 1 tuổi của mình.
Gastroschisis - dị tật xổ nội tạng hay được biết đến là thoát vị thành bụng - là chứng bệnh hiếm gặp ở trẻ sơ sinh với tỷ lệ mắc bệnh hơn 3000 trẻ mới có 1 trẻ bị. Sydney Groves ở Anh là một trong những cô bé kém may mắn nằm trong số ít ỏi đó.

Sydney sinh ra với phần ruột hoàn toàn nằm ngoài ổ bụng. Nhưng may mắn đã mỉm cười khi em được các bác sĩ chăm sóc tận tình và vượt qua những ngày đầu đời đầy khó khăn. 

Mẹ của Sydney, cô Fran Groves, 26 tuổi, cho biết từ một cô bé không thể tự ăn và tự đi vệ sinh, hiện tại Sydney đã hoàn toàn khỏe mạnh, không có bất kỳ di chứng nào và vô cùng đáng yêu.
su-hoi-sinh-ky-dieu-cua-co-be-ruot-de-ngoai-da-1.jpg
Bé Sydney khỏe mạnh, tươi cười chụp ảnh cùng cha mẹ. 
Trải lòng về quãng thời gian đầu làm mẹ đầy khó khăn, vất vả, cô Fran cho biết Sydney đã được các bác sĩ tại bệnh viện Princess Alexandra ở Harlow, Anh, chẩn đoán là mắc hội chứng cực kỳ hiếm gặp trên ngay khi mới được 12 tuần tuổi trong bụng mẹ. Đây thực sự là một cú sốc rất lớn với bà mẹ trẻ.

Các bác sĩ đã nói rằng phần lớn ruột của trẻ sơ sinh đều sẽ di chuyển vào bên trong ổ bụng vào tuần thai thứ 11, tuy nhiên Sydney lại không như vậy. 

Sau thời điểm đó, cô Fran đã chuyển tới Bệnh viện Hoàng gia London ở Whitechapel để được chăm sóc và theo dõi trong suốt thai kỳ. Cứ mỗi 4 tuần, cô lại siêu âm để kiểm tra sự phát triển của Sydney và đến tuần thứ 16, cô nhận được tin dữ rằng ruột của Sydney đã nằm ngoài ổ bụng.  

Chia sẻ về cảm xúc lúc đó, cô cho biết: "Lần siêu âm đầu tiên thật quá đáng sợ. Nhưng lần sau còn đáng sợ hơn khi điều chúng tôi không mong đợi nhất đã đến. Họ nói rằng con của chúng tôi đã mắc dị tật mà trên 3.000 trẻ mới có 1 trẻ bị mắc". 
su-hoi-sinh-ky-dieu-cua-co-be-ruot-de-ngoai-da-3.jpg
 Sydney ra đời chỉ nặng 2,4kg và được nuôi trong lồng ấp.
Trước sự phát triển bất lợi này, các bác sĩ đã khuyên cô Fran không nên để cái thai quá 37 tuần, vì nó sẽ không an toàn cho Sydney. Vì vậy, vào cuối tháng 12/2015, cô được đưa vào bệnh viện để chờ sinh. Tuy nhiên phải mất 5 ngày sau, Sydney mới ra đời bằng phương pháp mổ cấp cứu. 

Fran chia sẻ: "Có tới 20 bác sĩ, y tá và nhân viên hỗ trợ vây quanh tôi. Cuối cùng, Sydney cũng chào đời. Trước đó, các bác sĩ cảnh báo với tôi rằng bé có thể sẽ không khóc, nhưng thật kỳ diệu, bé đã khóc rất lớn. Đó quả thực là âm thanh hay nhất trên đời".
 
Khi chào đời, Sydney chỉ nặng khoảng 2,4kg. Bé nhanh chóng được các bác sĩ đưa vào lồng ấp để chăm sóc đặc biệt. Những ngày đầu bé không thể tự đi vệ sinh và ăn vì vậy người ta đã luồn một chiếc ống thông từ mũi vào bụng bé.
su-hoi-sinh-ky-dieu-cua-co-be-ruot-de-ngoai-da-2.jpg
 Vì dị tật bé phải ăn qua một chiếc ống thông từ mũi xuống bụng.
Trước hình hài nhỏ bé với dị tật kinh hoàng của đứa con đầu lòng, cô Fran chia sẻ rằng cô không hề bị sốc khi nhìn thấy Sydney: "Tôi có một người bạn tôi cũng có con phải chịu đựng những điều tương tự. Cô ấy đã cho tôi thấy hình ảnh của bé, vì vậy tôi biết Sydney sẽ trông như thế nào. Tôi biết khi bé sinh ra, bé sẽ phải đối diện với một trận chiến lớn. Nhưng tôi không biết trận chiến đó sẽ kéo dài trong bao lâu".

Trong quá trình chữa trị, để ruột của bé trở lại đúng vị trí, ban đầu, các bác sĩ đã quấn quanh bụng bé bằng một dụng cụ y tế đặc biệt trông giống như màng bọc thực phẩm. Sau 4 ngày ruột trở vào cơ thể bé, các bác sĩ đã thực hiện ca phẫu thuật kéo dài 2 giờ đồng hồ để khâu vết hở. 

Hiện nay, 1 năm sau biến cố kinh hoàng, cô Fran mỉm cười, tự hào chia sẻ rằng: "Cô bé thật tuyệt vời. Mỗi khi nhìn thấy bé, tôi thấy thật tuyệt vời. Bé thực sự là một ngôi sao".
su-hoi-sinh-ky-dieu-cua-co-be-ruot-de-ngoai-da.jpg
Cô bé Sydney hiện đã hoàn toàn khỏe mạnh và không gặp bất kỳ biến chứng nào.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn