Tác dụng của nước ép mận

17:10 | 10/06/2022;
Nước ép hoa quả là nguồn cung cấp dưỡng chất dồi dào cho cơ thể. Nước ép mận là lựa chọn phổ biến của nhiều người vì dễ uống, dễ chế biến. Vậy bạn đã biết nước ép mận có tác dụng gì không? Cần lưu ý những gì khi sử dụng loại nước ép này.

1. Giá trị dinh dưỡng của quả mận

Mận là một trong những loại hoa quả được yêu thích vào mùa hè. Nhưng chắc hẳn nhiều người không để ý đến thành phần dinh dưỡng trong loại quả này cũng như lợi ích của mận đối với sức khỏe con người.

Trong 100g mận có chứa:  

- Calo: 76

- Chất đạm: 1 gram

- Chất béo: dưới 1 gam 

- Carbohydrate: 18 gram

- Chất xơ: 2 gam

- Đường: 16 gram

Ngoài ra, mận cũng có những dưỡng chất thiết yếu khác như:

- Canxi

- Magiê

- Phốt pho

- Kali

- Vitamin C

- Vitamin A

- Vitamin K

- Folate

Tất cả các dưỡng chất này sẽ giúp tăng cường sức khỏe, chống oxy hoá, giảm lượng đường trong máu, v.v … Đặc biệt trong quả mận không chứa bất kỳ chất béo hay cholesterol nào.

2. Nước ép mận có tác dụng gì?

Nếu thường xuyên sử dụng nước ép mận bạn sẽ nhận được 9 lợi ích tuyệt vời dưới đây:

1.1. Hỗ trợ tiêu hoá

Theo một nghiên cứu năm 2007 được công bố trên tạp chí Nutrition Research (1) cho thấy rằng nước ép mận có tác dụng nhuận tràng đối với những người có triệu chứng về đường tiêu hoá.

Nước ép mận có chứa chất xơ và sorbitol hỗ trợ tiêu hoá tốt, cải thiện tình trạng táo bón

Nước ép mận có chứa chất xơ và sorbitol hỗ trợ tiêu hoá tốt, cải thiện tình trạng táo bón (Ảnh: Internet)

Do trong nước ép mận có chứa chất xơ, dihydrophenyl isatin và lượng lớn sorbitol. Các chất này có tác dụng làm nhuận tràng tự nhiên, giúp phân đào thải ra ngoài một cách nhanh chóng, giảm tình trạng táo bón, ngăn ngừa nguy cơ bị trĩ.

1.2. Ổn định huyết áp

Các chuyên gia cho biết rằng, những thực phẩm giàu kali giúp giảm huyết áp ở những người bị tăng huyết áp. Mà trong nước ép mận có chứa một hàm lượng kali khá cao. Chúng giúp cân bằng lượng natri trong máu và duy trì huyết áp bình thường.

Một nghiên cứu năm 2010 cho thấy những người dùng nước ép mận hoặc mận khô hàng ngày có chỉ số huyết áp thấp hơn, làm giảm thiểu nguy cơ bị tăng huyết áp.

1.3. Tốt cho người bị thiếu máu

Thiếu máu do chế độ ăn uống thiếu sắt. Sắt cho phép các tế bào máu tạo ra hemoglobin - một thành phần trong máu mang oxy từ phổi đến khắp cơ thể. Vì vậy, để cải thiện tình trạng này các bạn nên bổ sung những thực phẩm có hàm lượng sắt cao.

Nước ép mận là một trong những lựa chọn phù hợp dành cho những người bị thiếu máu. Nửa ly nước ép mận có đến 3mg sắt, khoảng 17% giá trị khuyến nghị hàng ngày của FDA đối với người lớn.

1.4. Ngăn ngừa loãng xương

Trong nước ép mận có chất boron - khoáng chất vi lượng có vai trò giữ cấu trúc xương chắc khỏe, ngăn ngừa loãng xương ở người già.

Nước ép mận có tác dụng gì? Lưu ý khi sử dụng nước ép này.  - Ảnh 2.

Trong nước ép mận có khoáng chất vi lượng boron ngăn ngừa loãng xương ở người già (Ảnh: Internet)

Năm 2016 có một nghiên cứu trên động vật, nước ép mận và mận khô có khả năng giảm tác động của bức xạ lên tủy xương và chống lại sự suy giảm mật độ xương dẫn tới giảm chất lượng xương - nguyên nhân chính gây ra loãng xương. 

1.5. Giảm lượng cholesterol trong cơ thể

Cholesterol trong máu cao sẽ dẫn đến một số hệ lụy nghiêm trọng cho sức khoẻ như tim mạch, đột quỵ, huyết áp cao, v.v … Hiện chưa có một nghiên cứu nào nói về tác dụng của nước ép mận với nồng độ cholesterol trong cơ thể. Nhưng trong nước ép mận có chất xơ hoà tan, chất chống oxy hoá có thể làm giảm cholesterol LDL.

1.6. Chống oxy hoá, chống viêm

Oxy hoá là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh lý như tim mạch, tiểu đường, ung thư, v.v … do chúng tấn công các tế bào, DNA trong cơ thể. Trong nước ép mận rất giàu chất chống oxy hoá nên sẽ hỗ trợ tăng cường sức khỏe và đẩy lùi các gốc oxy hoá.

Ngoài ra, trong loại nước ép này còn có chất polyphenol - có tác dụng chống oxy hoá và chống viêm mạnh mẽ, nhất là trong vấn đề viêm khớp hoặc phổi.

1.7. Ngăn ngừa các bệnh về gan

Trong y học cổ truyền, nước ép mận được dùng cho những người bị bệnh viêm gan hoặc vàng da. Trong nước ép này có nhiều vitamin và khoáng chất, có tác dụng tăng cường sức khỏe và giảm tác động của một số chất độc hại trong máu do các vấn đề gan gây ra.

Nước ép mận được dùng cho những người có vấn đề về gan

Nước ép mận được dùng cho những người có vấn đề về gan (Ảnh: Internet)

1.8. Phòng ngừa ung thư

Trong quả mận có chứa các chất chống oxy hóa rất tốt cho những người bị ung thư và ngăn ngừa hình thành các tế bào ung thư.

Theo nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, chiết xuất mận làm giảm đáng kể sự xuất hiện của các tế bào ung thư não, vú. Tuy nhiên, để áp dụng ngoài thực tiễn thì chưa có sự chắc chắn nào.

1.9. Duy trì cân nặng

Trong mận không có quá nhiều chất béo và đường vì vậy bạn sẽ không lo bị tăng cân. Hơn nữa, trong nước ép mận còn có hàm lượng chất xơ nên sẽ tạo cảm giác no lâu. Tuy nhiên, để duy trì cân nặng hoặc giảm cân, khi chế biến nước ép các bạn không nên cho đường hoặc sử dụng đường ăn kiêng. 

3. Uống nước ép mận có bị nóng không?

Theo đông y, mận là một loại hoa quả mang tính nóng vì thế nếu ăn quá nhiều mận trong thời gian dài có thể gây ra một số triệu chứng nóng trong như: nhiệt miệng, mụn nhọt, phát ban.

Tuy nhiên, khi làm thành nước ép mận tính nóng đã giảm được một phần nhưng không hoàn toàn. Vì vậy, các bạn cần sử dụng đúng cách để đạt hiệu quả tốt nhất.

4. Thời điểm nào uống nước ép mận tốt nhất

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, uống nước ép mận trước bữa ăn một tiếng hoặc sau bữa ăn hai tiếng là tốt nhất. Lúc này chúng ta chưa nạp nhiều dinh dưỡng nên sẽ giúp cơ thể hấp thu tối đa các dưỡng chất trong mận.

Nước ép mận có tác dụng gì? Lưu ý khi sử dụng nước ép này.  - Ảnh 4.

Không nên uống nước ép mận vào sáng sớm hoặc tối muộn (Ảnh: Internet)

Thời điểm tốt nhất uống nước ép vào khoảng 10h sáng hoặc 3 đến 4h chiều. Nếu uống vào sáng sớm có thể sẽ gây hại đến thận và dạ dày vì trong mận có axit và oxalate. Nếu uống vào buổi tối muộn sẽ dẫn đến đi tiểu nhiều lần, ảnh hưởng đến giấc ngủ, khó chịu trong người.

5. Nên uống bao nhiêu nước ép mận mỗi ngày?

Bất kỳ một loại nước ép nào bị lạm dụng cũng sẽ dẫn đến tác dụng phụ không mong muốn. Đối với nước ép mận, nếu sử dụng quá nhiều sẽ dẫn đến một số vấn đề như:

- Tiêu chảy và mất nước: Mận rất tốt cho tiêu hoá nhờ chất xơ và sorbitol, nhưng nếu uống quá nhiều sẽ làm cơ thể bị đầy hơi, khó chịu, gây ra tiêu chảy.

- Làm tăng nguy cơ tiểu đường: Trong mận có hàm lượng đường tương đối, thêm đó khi làm nước ép nhiều người sẽ bỏ thêm đường để dễ uống hơn. Vì thế, nếu uống nhiều trong thời gian dài sẽ gây ra bệnh tiểu đường.

- Tăng cân: Calo cũng như lượng đường trong nước ép mận sẽ là một trong những nguyên nhân khiến bạn tăng cân. Do đó, để kiểm soát cân nặng các bạn sử dụng vừa đủ, dùng nước ép nguyên chất hoặc cho thêm đường ăn kiêng.

Mỗi tuần các bạn nên dùng nước ép mận từ 3 đến 4 lần là hợp lý, mỗi lần chỉ nên sử dụng 1 đến 2 ly, nếu ép loãng có thể sử dụng 3 ly.

Trên đây là toàn bộ những giải đáp cho câu hỏi "Nước ép mận có tác dụng gì?". Để đạt hiệu quả tốt nhất cũng như sự an toàn cho sức khỏe, các bạn cần lưu ý và sử dụng sao cho điều độ. Nếu đang điều trị bệnh hay có các thắc mắc liên quan bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn cụ thể. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn