Tại sao khó đưa tội phạm xâm hại tình dục trẻ em ra ánh sáng?

17:54 | 17/03/2017;
'Hiện tại, quy trình tiếp nhận thông tin tố giác tội phạm xâm hại tình dục được thực hiện giống như quy trình chung về tiếp nhận tin báo tội phạm. Với quy trình này, không đáp ứng được công tác đấu tranh phòng chống tội phạm xâm hại tình dục hiện nay'.
Đó là nhận định của Luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TPHCM, Công ty Luật Kinh Luân) về một trong những khó khăn đối với việc đưa tội phạm xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em ra ánh sáng pháp luật.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Đức, XHTD trẻ em hiện nay đã trở thành vấn nạn của xã hội. Theo thống kê của các cơ quan chức năng, cứ 8 giờ thì có 1 bé bị xâm hại tình dục cho thấy loại tội phạm này đáng báo động đỏ. Rất nhiều vụ XHTD đã và đang xảy ra nhưng số vụ được xử lý triệt để thì vẫn khá ít. Tại sao vậy?

Theo Luật sư Đức, quy trình tiếp nhận tin báo hiện nay, thường trình báo qua công an phường hoặc trực ban hình sự quận/huyện. Sau khi tiếp nhận tin trình báo, cán bộ tiếp nhận báo cho bộ phận nghiệp vụ để tiến hành lấy lời khai, xác minh thông tin ban đầu.

Sau đó, nếu thấy có dấu hiệu bị xâm hại thì phải trình lãnh đạo để tiến hành đưa trẻ đi giám định pháp y và làm các thủ tục tiếp theo. Thời gian này thông thường kéo dài mấy ngày, trong khi việc thu thập tinh dịch, mẫu ADN dính trên người nạn nhân, giám định pháp y việc tổn thương do bị xâm hại... cần phải tiến hành nhanh chóng, chạy đua với thời gian.

Thời gian càng kéo dài thì việc thu thập dấu vết tội phạm khó khăn hơn. Một khi việc thu thập chứng cứ, dấu vết tội phạm chậm trễ thì việc chứng minh và tìm ra thủ phạm càng khó khăn. Nhiều vụ bị “tắt” là do không chứng minh được tội phạm.
luat-su-copy.jpg
 Luật sư Nguyễn Văn Đức - Đoàn Luật sư TPHCM
Theo Luật sư Đức, cần phải thay đổi quy trình, nhân sự tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm XHTD, bởi loại tội này mang tính đặc thù nên cần phải có một quy trình, cách xử lý riêng. Theo đó, cần thành lập bộ phận chuyên trách tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm XHTD từ Trung ương đến địa phương với nhân sự là đội ngũ bác sỹ tâm lý, bác sỹ chuyên khoa phụ sản, các nữ cảnh sát đã được đào tạo chuyên sâu về tâm lý trẻ em. Khi có tin báo tội phạm, bộ phận này sẽ là người trực tiếp tiếp nhận, xử lý thông tin ban đầu, thăm khám, giám định pháp y, thu thập dấu vết, vật chứng và kết luận có hay không dấu hiệu XHTD. Kết quả giải quyết của bộ phận này là căn cứ để cơ quan điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can.

Bên cạnh đó, cái khó hiện nay đối với tội phạm XHTD là dù cho người bị hại khai, mô tả việc bị xâm hại nhưng do đối tượng tình nghi không thừa nhận nên việc điều tra bị chững lại, việc thu thập chứng cứ để chứng minh cho lời khai của nạn nhân là điều hết sức khó khăn.
images709140_xam-hai-tre-em-minhhoa.jpg
 Ảnh minh họa
Đặc biệt, đối với trẻ bị xâm hại, việc bắt buộc trẻ khai đúng 100% trong mọi hoàn cảnh là rất khó, bởi hầu hết trẻ khi bị xâm hại, tâm lý bị khủng hoảng. Việc lấy lời khai bởi các cán bộ công an là nam giới cũng làm cho trẻ khó trình bày hơn, nếu không khéo thì càng làm cho trẻ hoảng loạn. Vì vậy, việc tiến hành lấy lời khai của nạn nhân đòi hỏi phải là người có kiến thức, kĩ năng, hiểu được tâm lý của  trẻ.

Cũng theo Luật sư Đức: "Về pháp luật hình sự, hiện nay các tội danh XHTD có 6 điều, từ điều 111 đến 116, nằm trong nhóm tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm thuộc chương XII, Bộ luật Hình sự hiện hành. Trong nhóm tội này, chỉ có tội “Hiếp dâm trẻ em” (điều 112) có mức hình phạt cao nhất là tử hình; tội “Dâm ô trẻ em” theo điều 116 là tội có mức hình phạt nhẹ nhất (mức cao nhất là 12 năm tù). Mức hình phạt đối với nhóm tội này, theo tôi là còn nhẹ, chưa đáp ứng được yêu cầu công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trong điều kiện hiện nay. Đó là chưa kể, khi kẻ thực hiện hành vi đồi bại bị đem ra truy tố, xét xử, mức án dành cho chúng thường nhẹ hơn so với khung quy định của pháp luật". 

"Theo tôi khi Quốc hội đang sửa lại Bộ luật Hình sự các chuyên gia pháp luật, những người làm công tác bảo vệ trẻ em cần đề xuất cơ quan lập pháp, ban soạn thảo xem xét tách nhóm tội XHTD thành một chương riêng, chương tội phạm về XHTD. Đồng thời, cần có khảo sát xã hội học về mức hình phạt đối với nhóm tội này như quy định hiện hành có đủ tính răn đe, phòng ngừa hay cần thiết phải tăng mức hình phạt", Luật sư Đức nêu quan điểm.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn